Báo Công An Đà Nẵng

Đập nhà, bỏ làng vì… "ma xấu" !

Thứ ba, 18/02/2014 09:10

(Cadn.com.vn) - Chỉ trong vòng vài ngày, những người dân ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, H. Đông Giang, Quảng Nam) đã tự tay đập đổ hết nhà cửa, bỏ lại ruộng nương, trâu bò, lợn, gà... để chuyển đến nơi khác sinh sống. Họ làm vậy do nỗi sợ hãi về... "con ma xấu".

Chiếc xe tải mang chở đầy vật dụng gia đình hối hả chạy khỏi làng Bút Tưa. Dân làng  tứ tán khắp nơi. Những ngôi nhà bị đập phá tan hoang... Đó là khung cảnh của làng Bút Tưa bây giờ, ngôi làng từng được xem là trù phú nhất nhì Đông Giang. Chuyển những vật dụng cuối cùng lên xe tải, anh Alăng Thừa chỉ tay về phía ngôi nhà của mình nói: "Mình mới đập xong cái nhà, chừ chuyển đến chỗ khác, chứ không dám ở đây nữa đâu. Người trong làng cũng chuyển đi nơi khác hết rồi".

Nói xong, anh Thừa lên xe chạy luôn, chẳng hề ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà mà mình đã mất công xây dựng, giờ chỉ còn là đống đổ nát. Đi sâu vào trong làng mới thấy những lời anh Thừa nói là sự thật. Tan hoang, vắng lặng, u ám. Làng giờ chỉ còn vài con heo, chó, gà bị đói lang thang kiếm ăn, khi mà chủ nhân của chúng đã bỏ đi hết. Anh Thừa xây ngôi nhà của mình từ năm 2006 với kinh phí là hơn 120 triệu đồng tích góp gần cả đời. Không riêng gì gia đình anh Thừa, nhiều người ở tổ 2 thôn Bút Tưa cũng làm như thế. Sau Tết, gần 20 hộ dân ở tổ 2 thôn Bút Tưa lần lượt bỏ nhà mình, đến tá túc ở nhà người thân ở địa phương khác, mọi tài sản như heo, gà, bò đều bỏ lại, chỉ mang theo vài vật dụng cần thiết. Nhiều người không có người thân, sau khi phá nhà thì dựng lều ven đường để ở.

Người dân tháo dỡ  nhà cửa chuyển đến nơi ở khác.

Điều gì khiến người dân phải đập phá nhà cửa, vội vã rời bỏ làng như vậy?

Tìm hiểu chuyện này thì mới hay người dân nơi đây đang bị ám ảnh bởi nỗi sợ về "con ma rừng" về quậy phá. Già làng Alăng Văn kể, nguyên nhân của chuyện này bắt đầu trước Tết Nguyên đán, khi mà chỉ trong vài ngày, ở tổ 2- thôn Bút Tưa xảy ra 2 vụ người trong làng treo cổ tự vẫn. "Trước và sau Tết, cách nhau có một tuần mà tại tổ 2 có Alăng Tròn và Alăng Nghĩa treo cổ tự tử. Điều đáng nói là cả hai đều đang khỏe mạnh, nhưng sau khi uống rượu thì treo cổ. Từ trước đến nay, chưa từng xảy ra chuyện như vậy nên người dân tin là "con ma xấu" đã về làng quậy phá. Sợ bị ma hại chết, nên người dân mới bỏ làng đi hết như thế. Tôi đã nhiều lần khuyên nhưng người dân sợ quá, không nghe".

Nhiều lần thuyết phục, nhưng già làng Văn không thể giảm nỗi sợ của người dân nơi đây về con ma rừng. Sau khi đập bỏ ngôi nhà mới xây, vợ chồng của Alăng Tạ  đến tổ 1 thôn Bút Tưa che tạm mái lều để trú thân. Nỗi sợ về con ma vẫn còn ám ảnh chàng trai này. "Sợ quá nên mình và vợ mới dọn về đây che lều ở, chứ ở trên đó trước sau gì cũng chết. Mà không chỉ có hai người gần đây, trước đây cũng có người chết như Nghĩa và Tròn rồi. Sợ lắm, chừ có cho gì mình cũng không trở về làng cũ nữa đâu" - Alăng Tạ nói.

Anh Alăng Thừa bên ngôi nhà xây kiên cố mà anh tự tay đập bỏ.

Còn tại nhà của Alăng Nghĩa và Alăng Tròn, ngôi nhà vẫn còn nguyên các vật dụng, những người thân trong gia đình thì chạy đi "lánh nạn" ở nơi khác. Ngôi nhà vẫn còn nguyên, chưa bị đập bỏ, bởi chẳng người dân nào dám bước vào đây. Đã từng nghe kể những chuyện người dân Cơ Tu rời bỏ làng mạc vì "con ma xấu", nhưng đến bây giờ tôi mới chứng kiến niềm tin mơ hồ và hậu quả khôn lường của nó. Người Cơ Tu tin rằng, một khi ngôi làng đã bị "con ma xấu" ám vào thì lần lượt những người trong làng chết hết, cho đến người cuối cùng. Cách duy nhất chống lại việc này là bỏ làng đi thật xa và không mang theo bất cứ tài sản gì".

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về chuyện này, ông Bríu Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn xác nhận, việc người dân ở thôn Bút Tưa bỏ làng đi là có thật. Ông Sơn cho biết: "Người dân bắt đầu dời đi từ ngày mồng 9 Tết. Sau khi nắm được thông tin, chính quyền xã đã vận động, tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân vẫn không chịu ở lại. Tổ 2 thôn Bút Tưa có 20 hộ dân thì đã có 16 hộ dọn đi nơi khác. "Tôi cũng là người dân Cơ Tu, nhưng chẳng hiểu được vì sao người dân lại làm như vậy. Người dân tin và sợ "ma xấu" nên chừ có cho mấy tỷ đồng họ cũng không bao giờ chịu trở lại nơi đó. Tôi chưa từng thấy một cuộc di dân nào kỳ lạ như thế", ông Sơn nói. Đích thân Chủ tịch UBND H. Đông Giang Đỗ Tài cũng đã về làng Bút Tưa, đến vận động nhưng người dân vẫn tiếp tục bỏ làng ra đi.

Vì quá sợ "ma xấu" nên vợ chồng Alăng Tạ bỏ nhà dựng căn lều để sống.

Do vội vã chuyển đi, nên cuộc sống của người dân ở tổ 2 thôn Bút Tưa bây giờ rất khó khăn. Mọi tài sản đều bỏ lại nên thời gian đến họ chẳng biết lấy gì để ăn và sống tạm bợ trong những căn lều. "Chừ mình cứ dọn đi cái đã, sau này chưa biết phải làm gì. Vợ mình thai gần sinh rồi, không biết sau này về sống ở đâu", Alăng Tạ nói khi ngồi trong căn lều trống hoác. Trước tình hình trên, UBND H. Đông Giang đã chỉ đạo địa phương có phương án hỗ trợ, giúp người dân ủng hộ cuộc sống. Dù thế, chỉ vì một "con ma xấu" trong tưởng tượng mà để người dân đập phá nhà cửa, bỏ làng đi là điều đáng tiếc, trong đó có phần trách nhiệm không hề nhỏ của chính quyền địa phương.

Hoàng Anh