Báo Công An Đà Nẵng

LẬT LẠI HỒ SƠ:

Đập tan tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” (2)

Thứ ba, 04/08/2015 10:27

* BÀI CUỐI: ĐẬP TAN SÀO HUYỆT ĐẢNG PHÁI PHẢN ĐỘNG

(Cadn.com.vn) - “Chúng lập mật khu ở địa hình hiểm trở nên gây nhiều khó khăn cho ta, tuy nhiên với yếu tố bất ngờ, ta đã đồng loạt tấn công 2 mật khu, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu và tài liệu của chúng” - Đại tá Nam Hà.

Khi chúng tôi hỏi về vụ án của nhóm phản động do Nguyễn Văn Bảy cầm đầu, nhiều người dân sống ở Hòa Khánh vẫn còn nhớ rất rõ, bởi lúc đó đây là vụ án chấn động QN- ĐN. Ông Huỳnh Xuân, nguyên trinh sát Đội An ninh CAH Hòa Vang (cũ) kể: “Tổ chức phản động này phát triển rất nhanh, trong thời gian ngắn chúng đã có cơ sở ở các địa phương như Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Thọ, mà đặc biệt là ở Hòa Khánh chúng phát triển rất mạnh. Ngay từ ban đầu, lực lượng CA nắm được thông tin và thu thập thông tin về nhóm phản động của Bảy. Tuy nhiên, lúc đó không lường được chúng phát triển mạnh ở nhiều địa phương như thế”.

Anh Huỳnh Xuân, xem lại những tấm hình phục dựng lại hiện trường vụ án
nhóm phản động Việt Nam dân tộc cách mạng đảng.

Vào tháng 10-1977, khi được nhân dân cung cấp thông tin, kết hợp thẩm tra, xác minh, CA QN-ĐN quyết định triệt phá tổ chức phản động này. Chuyên án đấu tranh do đồng chí Lê Lực -  Phó Trưởng ty CA QN - ĐN làm trưởng ban, sau đó, do tính chất vụ án ngày càng phức tạp nên đồng chí Hoàng Văn Lai - Trưởng ty CA QN - ĐN trực tiếp làm trưởng ban chuyên án. Quá trình đấu tranh, lực lượng CA đã làm rõ cơ cấu tổ chức, âm mưu hoạt động, tài liệu và phương tiện hoạt động của chúng. Vì vậy, ngày 10-12-1977, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA) và Thường vụ Tỉnh ủy, CA tỉnh QN - ĐN quyết định phá án, bắt tên cầm đầu Nguyễn Văn Bảy cùng 10 đồng bọn. Tuy nhiên vụ án chưa kết thúc ở đây.

Cái tin Bảy bị bắt khiến tổ chức phản động Việt Nam dân tộc cách mạng đảng kinh động. Như rắn mất đầu, các thành viên của tổ chức phản động tìm đường lẩn trốn hoặc nằm chờ thời cơ tiếp tục hoạt động.  Dù bị giam trong tù nhưng Bảy vẫn ngoan cố, y lấy biệt danh là Văn Nguyễn viết thư tuồn ra ngoài chỉ đạo đồng bọn tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng. Vì thế, sau một thời gian thấy tình hình im lặng, Nguyễn An Dân với tư cách là “ủy viên Trung ương” lên thay Bảy cầm đầu. Từ những cơ sở cũ, Dân đã củng cố đưa tổ chức trở lại hoạt động mạnh hơn trước. Cũng với chiêu trò “khởi nghĩa”, bọn chúng lừa quần chúng ở các địa phương như Hòa Vang, Đại Lộc... tham gia tổ chức và đã phát triển lực lượng khá đông đảo. “Thời gian này, chúng đã lên kế hoạch ám sát các cán bộ chủ chốt của ta ở xã Hòa Khánh (cũ) như bí thư, chủ tịch và xã đội trưởng. Cũng trong thời gian này, tại “mật khu Phú Túc”, Lê Đình Khôi đã bắn chết đồng bọn tên là Lê Công Chánh, vì bọn chúng cho rằng Chánh phản bội. Tại “mật khu” Nam Yên và Phú Túc, chúng dựa vào địa hình núi rừng hiểm yếu và tổ chức canh gác để phát hiện lực lượng của ta. Điều đó gây nhiều khó khăn cho việc phá án của lực lượng CA” - ông Xuân kể.

Cũng trong thời gian này, 10 người dân khi lên núi đốn củi thì bị bọn chúng bắt giữ. Ông Nguyễn Văn Tròn (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu), một trong những người bị bắt giữ nhớ lại: “Chúng sợ bị lộ địa điểm đóng quân nên khi thấy chúng tôi là bắt giữ, bịt mắt. Sau đó chúng đe dọa nếu muốn được thả về phải cung cấp lương thực, thực phẩm và tham gia vào tổ chức phản cách mạng. Một ngày sau bọn chúng mới thả chúng tôi ra, sau đó tôi về báo tin này với chính quyền”.

Để đến được “mật khu” của nhóm phản động lực lượng CA phải đi bằng thuyền.

Từ đầu năm 1978, lãnh đạo Ban Chuyên án đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm chặt từng di biến động của các đối tượng trong tổ chức phản động này. “Từ thông tin thu thập được, cộng với các thông tin quý giá mà người dân cung cấp, ngày 7-7-1978 CA QN - ĐN quyết định phá toàn bộ tổ chức phản động Việt Nam dân tộc cách mạng đảng. Trước ngày phá án, những trinh sát như tôi mai phục ở các căn cứ Phúc Túc, Nam Yên gần 2 tuần liền. Tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối. Lúc đó H. Hòa Vang huy động tất cả các lực lượng tham gia đột kích vào “mật khu” của chúng. Tôi vẫn nhớ Chuyên án này có bí số N235” - ông Xuân kể. Là thành viên của Ban Chuyên án, nên đại tá Nam Hà vẫn nhớ những tình tiết của vụ án này. Ông kể, xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên Ty CA QN - ĐN huy động nhiều lực lượng tấn công vào sào huyệt và xóa bỏ 2 “mật khu” Nam Yên và Phú Túc. “Chúng lập mật khu ở địa hình hiểm trở nên gây nhiều khó khăn cho ta, tuy nhiên với yếu tố bất ngờ, ta đã đồng loạt tấn công hai mật khu, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu và tài liệu của chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm này một tai nạn không may đã xảy ra, trên đường công tác, chỉ đạo phá án, đồng chí Hoàng Văn Lai gặp tai nạn giao thông và hy sinh. Sự hy sinh của đồng chí Trưởng ty là một tổn thất vô cùng lớn và gây bao nỗi tiếc thương cho CBCS lực lượng CA QN- ĐN. Tuy nhiên kế hoạch phá án vẫn được tiến hành” - Đại tá Nam Hà bồi hồi.

Tại 2 “mật khu” của nhóm phản động, lực lượng CA đã thu toàn bộ phương tiện, vũ khí và tài liệu phản động gồm 218 bản chính cương, điều lệ, tuyên cáo, các quyết định   bổ nhiệm và sổ sách ghi chép các tài liệu phản động. Danh sách cán bộ chính quyền xã Hòa Khánh (của ta) mà chúng đã phân loại A, B để giết hại. Súng đạn, con dấu và    máy in ronéo mà chúng dùng trong hoạt động chống phá cách mạng.

Sau khi tập kích sào huyệt của nhóm phản động, ta đã đẩy mạnh phong trào quần chúng, nhờ vậy mà đã tác động hơn 50 tên ra đầu thú và truy bắt những tên chạy thoát, trong đó bắt được Nguyễn An Dân. Đến ngày 18-7-1978, ta bắt Ông Văn Chính - một trong những tên được tổ chức phản động chọn cử ra nước ngoài, ngăn chặn được sự câu kết của tổ chức phản động với bọn phản động ở nước ngoài. Tính đến ngày 28-8-1978, CA QN - ĐN đã bắt được 239 tên trong tổ chức phản động tại các địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... Ngoài ra, CA QN- ĐN đã cung cấp tài liệu và phối hợp với CA tỉnh Bình - Trị - Thiên khám phá tổ chức phản động có tên “Mặt trận thống nhất dân quân phục quốc Việt Nam” tại Huế vào ngày 26-12-1978. Như vậy tổ chức phản động mệnh danh “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” bị triệt phá toàn bộ. Phiên tòa xét xử nhóm phản động này diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 đến 3- 3-1979 thu hút rất đông người dân đến xem. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bảy cùng 5 tay chân đắc lực là Trần Ngọc Thành, Nguyễn An Dân, Ông Văn Chính, Nguyễn Hữu Lang, Lê Đình Khôi  mức án tử hình. 15 tên khác mức án tù giam từ chung thân đến 20 năm tù giam trở xuống và tập trung cải tạo 88 tên. Đó là những bản án thích đáng cho những kẻ đi ngược lại lợi ích dân tộc và nhân dân.

Trong bối cảnh khó khăn và lực lượng mỏng như những ngày sau giải phóng việc khám phá thành công vụ án “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” là chiến công to lớn của lực lượng CA QN - ĐN, nay vẫn được vinh danh là một trong những vụ án kinh điển của lực lượng.

Hoàng Anh