Báo Công An Đà Nẵng

Đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái và tham quan du lịch

Thứ sáu, 23/03/2018 10:22

Ngày 2-4, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn 2018 sẽ chính thức khai mạc tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và tham quan du lịch, thưởng thức của khách thập phương. Vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc để ngày một sống đẹp hơn…

Nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi sẽ diễn ra tại Lễ hội Quán Thế Âm 19-2-Ngũ Hành Sơn 2018. 

Nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn

Cùng với các lễ hội khác diễn ra trên khắp cả nước mỗi độ xuân về, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp của lễ hội dân gian. Đồng thời, Lễ hội còn là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh và sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng nói chung, Q. Ngũ Hành Sơn nói riêng và là dịp để mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo…

Bà Nguyễn Thị Anh Thi- Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn năm 2018 cho rằng: Với những nét đặc trưng và độc đáo của mình, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và vùng lịch sử - văn hóa Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc; là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á…

Đến với Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn năm 2018, du khách có dịp thưởng ngoạn thắng cảnh chùa Linh Ứng, nơi đã từng lưu dấu chân xưa của Vua Minh Mạng, thăm động Huyền Không, động Âm phủ, lên cổng trời và được nghe kể về truyền thuyết Rồng vàng ấp năm trứng để ngày nay lưu dấu 5 ngọn núi Ngũ hành Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn,  Hỏa sơn và ngọn Thổ sơn soi mình bên dòng sông Cổ Cò xuôi về phố Hội An thơ mộng... Ngoài ra, khi về với Lễ hội, mọi người còn có dịp tìm hiểu truyền thuyết hình thành Ngũ Hành Sơn, Phật tích Quán Thế Âm và lịch sử Thạch nghề Tổ sư làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.  Đặc biệt, Lễ hội là dịp để mọi người, mọi giới cùng hành hương về nguồn cội, nguyện cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn…

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn năm 2018 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, trồng cây Bồ đề (chiết từ Cây bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ) do Đoàn khách mời Ấn Độ tặng; mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam được trưng bày hơn 500 hiện vật có giá trị ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau sẽ tạo nhiều ấn tượng đối với du khách gần xa... Cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cũng sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Chính vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. "Hoat động Lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và đồng bào có đạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để du khách và các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động Lễ hội và du lịch trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn. Qua công tác tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Q. Ngũ Hành Sơn", bà Thi khẳng định.

Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn hằng năm thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham quan, chiêm bái.

Ngày 2-4 (nhằm 17-2 ÂL):  Khai mạc Hội Cờ làng (7 giờ 30), Lễ Khai kinh Thượng phan - Thượng kỳ (8 giờ), khai mac triển lãm mỹ thuật tranh ảnh, thư pháp, thư hoa và ra mắt Đặc san Diệu Âm Lễ hội Quán Thế Âm 19-2; triển lãm ảnh thánh tích Phật giáo Ấn Độ, mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ( 9 giờ); khai mạc triển lãm tranh, ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; khai hội hô hát bài chòi Khu V (9 giờ đến 13 giờ); biểu diễn võ thuật dân tộc, lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa (15 giờ); lễ Tế xuân cầu Quốc thái - Dân an, lễ Tế Thạch nghề Tổ sư (17 giờ); biểu diễn thư pháp nghệ thuật Nhật Bản, nghệ thuật cắm hoa Ikebana Nhật Bản, triển lãm tranh, ảnh, thư pháp, trưng bày cắm hoa Ikebana Nhật Bản, biểu diễn Kèn Saxophone, biểu diễn nhạc cụ - múa Nhật Bản (17 giờ đến 18 giờ), biểu diễn hòa tấu nhạc cụ (19 giờ); khai mạc Lễ hội, biểu diễn Trống hội và múa Trình tường, chương trình nghệ thuật (19 giờ đến 22 giờ).

* Ngày 3-4 (nhằm 18-2 ÂL): Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (7 giờ), hội cờ làng, pháp đàn Quán Thế Âm (8 giờ), pháp đàn Quán Thế Âm - lễ cầu nguyện  Quốc thái Dân an,  thiền tọa  do các Hòa thượng của Phật giáo Thái Lan hướng dẫn (14 giờ đến 17 giờ); phụ diễn văn nghệ (17 giờ 30), biểu diễn hòa tấu nhạc cụ (19 giờ); thuyết pháp do Thượng tọa Thích Giác Toàn đăng đàn; pháp đàn Đại bi, hoa đăng (19 giờ đến 20 giờ 30); lửa trại, văn nghệ (21 giờ).

Ngày 5-4 (nhằm 19-2 ÂL): Lễ chính thức - nghi lễ Phật giáo (7 giờ); trồng cây Bồ đề (chiết từ Cây bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ) do Đoàn khách mời Ấn Độ tặng (8 giờ), hội Đua thuyền truyền thống (9 giờ), pháp đàn Đại bi (14 giờ); chương trình hướng dẫn thiền và cuộc sống do Thượng tọa Thích Chân Quang hướng dẫn (15 giờ đến 17 giờ); chương trình nghệ thuật, bế mạc Lễ hội (19 giờ); lễ tạ, pháp đàn, hoa đăng (20 giờ 30).

Quyết giữ thương hiệu Lễ hội "sạch"

Để giữ được thương hiệu là một Lễ hội "sạch", bà Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị các Tiểu ban phải linh hoạt, chu đáo, tỉ mỉ trong từng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phải liên tục duy trì kiểm tra, xử lý việc thực hiện "5 không" trong thời gian diễn ra Lễ hội như: không có trộm cắp, cướp giật, móc túi; không có lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng; không xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; không có thức ăn vi phạm VSATTP; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, đốt vàng mã, áo giấy, hoạt động mê tín dị đoan…

Ngoài ra, để góp phần vào thành công chung của Lễ hội, tạo ấn tượng tốt đẹp cùng hướng đến một lễ hội văn minh, bà Nguyễn Thị Anh Thi mong muốn mỗi người dân và du khách gần xa khi hành hương về với Lễ hội cần chung tay thực hiện chủ trương "Thành phố 4 an" và "Văn hóa văn minh đô thị" giữ gìn ANTT, đảm bảo ATVSTP, vệ sinh môi trường, kiên quyết chống các biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, gây mất an ninh trật tự, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc, xin ăn biến tướng hay bán hàng rong…

"Mỗi người bằng những hành động đẹp, những cử chỉ thân thiện dù rất nhỏ của mình sẽ làm cho Lễ hội trở nên văn minh và hấp dẫn hơn với mọi người, để hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung; để một Ngũ Hành Sơn đầy huyền bí, mến khách nhưng cũng rất trẻ trung, năng động với dòng chảy thời gian sẽ mãi đọng lại trong hành trang của du khách gần xa sau mỗi lần đến với Lễ hội", bà Thi kêu gọi.

TRÍ DŨNG