Báo Công An Đà Nẵng

Đất cằn nở hoa

Thứ ba, 22/09/2020 20:00

Với bàn tay, khối óc, người dân xã miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã biến những vùng đất hoang vu, xơ xác ngày nào, nay trở thành những làng quê ấm no, trù phú; kể cả các thôn được hình thành từ vùng kinh tế mới Lâm Viên.

Giao thông nông thôn hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi Hòa Phú.

Là người gắn bó từ ngày đầu thành lập vùng kinh tế mới, ông Võ Sơn - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải vẫn vẹn nguyên ký ức, lúc ấy đất rừng nơi đây chủ yếu là những dãy đồi trọc lam nham lau lách, chuyện làm giàu từ rừng chưa được người dân nghĩ tới. Đến khi kinh tế rừng bắt đầu phát triển ở địa phương, chuyện trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai) đem lại thu nhập khá đã dần thức tỉnh người dân. Bà con nhận ra thế mạnh của vùng đất này và bắt đầu đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng, trung bình hàng năm, diện tích đất có rừng tại địa phương tăng thêm đều đặn từ 10-20ha. Đến nay, Hòa Hải đã có hơn 200ha rừng trồng kinh tế. "Trước đây, có mơ tôi cũng không dám nghĩ nhờ rừng mà đời sống người dân trong thôn thay đổi nhanh như vậy. Hiện nay, đa phần hộ dân đều gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm", ông Võ Sơn hồ hởi chia sẻ.

Còn ở thôn An Châu, đến bất cứ nơi đâu cũng nghe nông dân xôn xao chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì và cả những thuận lợi, khó khăn. Người thì nuôi cá nước ngọt theo mô hình trang trại, ao vườn, người thì phát triển chăn nuôi gia súc, mở rộng diện tích giống cây trồng... Lão nông Trần Văn Quý phấn khởi trải lòng, điều làm cho người dân vui nhất đó là việc xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay cho quê hương: Điện, đường, trường, trạm đầy đủ cả, kinh tế đang từng ngày phát triển, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Bây giờ ở thung lũng miền núi này đã có nhiều hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước 6ha, thu lãi bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm; 34 hộ làm nghề ươm giống cây trồng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; đàn trâu, bò, dê cũng hơn 500 con. Người dân trong thôn hiện chủ yếu lo tích lũy, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, chứ không còn cám cảnh chuyện thiếu ăn, thiếu mặc như xưa nữa.

Bây giờ, điều dễ nhận thấy ở xã miền núi này là những rừng keo xanh trùng điệp, những vườn cây trĩu quả, những vùng mía trắng bạt ngàn nối tiếp nhau. Cùng với đó là những câu chuyện của người dân về kinh nghiệm ươm giống cây trồng, con vật nuôi cho thu nhập cao. Với những giải pháp tích cực của hệ thống chính trị, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới còn dưới 2,5%; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn 100%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, điện lưới an toàn; đường giao thông liên thôn, liên xã khép kín...

Người dân thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) đổi đời với nghề ươm giống keo trồng sau khai thác.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, điều làm nên sự thay đổi vượt bậc đó là ngay từ đầu địa phương đã xác định rõ con đường xây dựng nông thôn mới của mình là phải đạt cho được tiêu chí về nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Bởi đây là một trong những tiêu chí khó đạt nhất, nhưng nếu đạt được tiêu chí này thì việc huy động nội lực trong nhân dân chính là đòn bẩy kinh tế mà địa phương đã lựa chọn để vượt lên. Cụ thể, ngoài thế mạnh sẵn có là trồng rừng kinh tế, địa phương còn thực hiện đề án cải tạo vườn tạp để ươm cây giống keo lai, nuôi trồng thủy sản, thành lập các tổ hợp tác nuôi dê, bò chất lượng cao, sản xuất rượu cần; đồng thời thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, kỹ thuật tiên tiến đến nông dân theo phương thức "cầm tay chỉ việc" kết hợp với tập huấn, tham quan...

"Có thể nói, để xã miền núi Hòa Phú có được kỳ tích như hôm nay là sự chung sức, chung lòng của người dân và một trong những yếu tố không thể thiếu nữa là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc xây dựng mô hình dân vận khéo trong vận động nhân dân; từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương", ông Nguyễn Tân cho biết thêm.

VY HẬU