Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Đất chưa có sổ, lập di chúc để lại cho con được không?

Thứ ba, 09/05/2023 09:43
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

1. Văn phòng công chứng từ chối công chứng di chúc do không có sổ đỏ có đúng hay không?

Sổ đỏ, là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế không phải người sử dụng đất nào cũng có sổ đỏ đối với nhà đất họ đang sử dụng. Cụ thể một số trường hợp như: sổ đỏ bị mất, thất lạc, chưa thể thực hiện thủ tục cấp mới; giấy tờ do chế độ cũ cấp, chưa thực hiện thủ tục cấp đổi; giấy tờ chuyển nhượng viết tay có xác nhận của UBND xã/phường, chưa thực hiện thủ tục cấp đổi; đất đã nhận chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ; đất đã nhận chuyển nhượng nhưng đang có tranh chấp với bên chuyển nhượng; đất đang vướng quy hoạch, thuộc diện thu hồi đất; đất thuộc quyền thừa kế của người lập di chúc nhưng chưa thực hiện hoặc không thực hiện được thủ tục thừa kế, phân chia di sản để được cấp sổ đỏ; đất đã sử dụng ổn định, lâu dài, được cơ quan thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp nhưng chưa được cấp sổ đỏ mặc dù đủ điều kiện được cấp; đất không được cơ quan thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất là hợp pháp, nhưng có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất.

Theo quy định pháp luật về việc công chứng, công chứng là việc xác nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản. Như vậy, trường hợp của cô Hà, văn phòng công chứng từ chối công chứng di chúc cho cô do nhà đất của cô chưa được cấp sổ đỏ theo quy định của pháp luật hiện hành là có cơ sở. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc từ chối công chứng di chúc do chưa có sổ đỏ là có phần nguyên tắc. Việc chưa có sổ đỏ không làm ảnh hưởng đến tính pháp lý của di chúc thừa kế đất đai bởi quyền lập di chúc là quyền của người có di sản; nếu quả thật đất đai, nhà cửa đó không thuộc quyền sử dụng, sở hữu của người để lại di sản thì cũng sẽ không làm phát sinh quyền được hưởng thừa kế theo di chúc.

2. Ngoài hình thức lập di chúc tại văn phòng công chứng, có cách nào khác để di chúc đối với nhà đất chưa được cấp sổ đỏ được hợp pháp?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tài sản trong di chúc là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân để lại sau khi chết, được gọi chung là di sản. Quyền sử dụng đất cũng là một loại di sản và được để thừa kế. Quyền sử dụng đất của cô Hà tuy chưa được cấp sổ đỏ theo quy định hiện hành nhưng đã được xác nhận bằng sổ nghiệp chủ. Căn cứ Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”, cô Hà hoàn toàn có quyền để thừa kế nhà đất cho con.

Về hình thức di chúc, Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc bằng văn bản có 4 hình thức: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực. Ngoài ra, còn có hình thức di chúc miệng được quy định tại Điều 628 và 629 Bộ luật Dân sự 2015. Điều kiện chung để di chúc bằng văn bản hợp pháp là: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc và không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Như vậy, cô Hà có thể lựa chọn một trong các hình thức di chúc như quy định vừa nêu, miễn sao đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về hình thức và nội dung, không bắt buộc di chúc phải được công chứng mới hợp pháp. Tuy nhiên, tâm lý nhiều người dân thường cho rằng, di chúc phải được công chứng thì mới đảm bảo giá trị pháp lý, nhất là liên quan đến đất đai, tài sản có giá trị lớn và dễ phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp cô Hà, do văn phòng công chứng đã từ chối công chứng di chúc nên cô có thể lựa chọn một trong các hình thức di chúc còn lại để thực hiện ý nguyện của mình. Cụ thể, cô Hà có thể: tự mình lập di chúc bằng văn bản; lập di chúc và nhờ người làm chứng ký tên vào di chúc (lưu ý những người sau đây không được làm chứng cho di chúc của cô Hà: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cô Hà; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi); lập di chúc và chứng thực tại UBND xã/phường nơi có di sản.

Trong trường hợp để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc về mặt hình thức và nội dung, cô Hà có thể tìm một tổ chức hành nghề luật sư uy tín (văn phòng luật sư, công ty luật) để giúp cô thực hiện ý nguyện của mình. Khi đó, luật sư có thể thực hiện các công việc: tư vấn và soạn thảo di chúc đảm bảo về hình thức và nội dung: không trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm, thể hiện đầy đủ, trọn vẹn ý nguyện của cô; tư vấn các cách thức, phương án để di chúc đảm bảo tính pháp lý.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.10242