Đặt công tác phòng ngừa lên hàng đầu
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết biểu dương, đánh giá cao kết quả các cấp ngành, địa phương đã đạt được trong công tác thực hiện Chỉ thị 24 trong thời gian qua, nhất là các ngành với vai trò nòng cốt như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Giáo dục và Đào tạo cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thông chính trị. Phó bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định: Chỉ thị 24 được thực hiện thời gian qua mang tính nhân văn rất sâu sắc, với những vấn đề cụ thể. Các cấp ngành đã có những cách làm, mô hình rất riêng, hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới cần nhân rộng những mô hình hiệu quả. Trước những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn, ngày 10-11-2023, Thành ủy ban hành Chỉ thị 35-CT/TU về đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên trên địa bàn thành phố (Chỉ thị 35). Theo đó, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Đảng ủy CATP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 trên địa bàn, trong đó tập trung nâng cao quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an các cấp trong công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường hơn nữa các lực lượng tuần tra đảm bảo ANTT ở cơ sở, nhất là từ khuya tới sáng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên sơ, tổng kết thực hiện chỉ thị 35; cùng với với các ngành chức năng liên quan hoàn tất, đưa ra xử lý những vụ án điểm để răn đe.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có rất nhiều nguyên nhân, như: Tâm sinh lý lứa tuổi; liên quan đến hạnh phúc gia đình; sống trong môi trường bạo lực, bị lôi kéo; thiếu sự quan tâm của gia đình, chính quyền địa phương; mặt trái của cơ chế thị trường, nhất là tác động của mạng xã hội; giáo dục phổ biến kiến thức GDPL chưa cao… Vì vậy, chúng ta phải đặt công tác phòng ngừa lên hàng đầu; phòng ngừa từ sớm, từ xa.
“Tôi lưu ý các cấp ngành, địa phương, phải xem việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị 35 là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài; thực hiện mọi lúc, mọi nơi, toàn địa bàn. Phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cán bộ theo dõi, phụ trách, phấn đầu hằng năm giảm ít nhất 5% hành vi vi phạm pháp luật; giảm tỷ lệ tái vi phạm liên quan đến người chưa thành niên, góp phần xây dựng Đà Nẵng là thành phố đáng sống” – Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, cho rằng: Các ngành, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý đối tượng. Phải lập danh sách đối tượng để theo dõi chặt, đến khi nào tiến bộ mới thôi. Cùng với đó, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, bán hung khí thô sơ tiếp tay cho các đối tượng xấu, nhất là thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Chủ tịch thành phố cũng lưu ý, cần sớm kết thúc và đưa các vụ án điểm ra xét xử lưu động nghiêm minh để răn đe trước pháp luật; công tác tấn công tội phạm phải làm thường xuyên, chứ không phải chỉ ra quân một thời điểm nào đó rồi dừng lại. Lưu ý phải liên tục ra quân, ngăn chặn, chia rẽ các nhóm đối tượng, không để cho hình thành theo nhóm, rất nguy hiểm, đe doạ tình hình ANTT của địa phương, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó giám đốc CATP, qua 13 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Nhờ đó, số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn giảm mạnh (giảm 5.965 hộ = 87,3% so với thời điểm ban hành Chỉ thị 24). Đã có nhiều mô hình, cách làm thiết thực để gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên với gia đình, chính quyền, đoàn thể tại địa phương nơi học sinh cư trú, qua đó số học sinh bỏ học trên toàn thành phố giảm mạnh (giảm 190 trường hợp; từ 192 trường hợp năm học 2009 - 2010 còn 2 trường hợp năm học 2021 - 2022); hiện không có học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; không có học sinh Tiểu học, học sinh THCS bỏ học, tỷ lệ học sinh THPT bỏ học thấp (chỉ có 2 em). Bên cạnh đó, giáo dục, giúp đỡ 1.283 thiếu niên hư, vi phạm pháp luật tiến bộ, không vi phạm pháp luật; tội phạm, vi phạm pháp luật, liên quan đến trẻ em, độ tuổi vị thành niên được kiểm soát, ngăn chặn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được triển khai trên diện rộng, đạt hiệu quả cao. Như tổ chức 20.000 lượt tuyên truyền trên đài truyền thanh; lồng ghép đăng tải trên 5.000 tin, bài qua tổng đài 1022, website CATP, Chuyên đề CATP Đà Nẵng, Chương trình An ninh Đà Nẵng và mạng xã hội, phát hơn 700.000 tờ rơi liên quan đến công tác giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh bỏ học, cảm hóa, giáo dục thiếu niên hư, vi phạm pháp luật và phòng chống tội phạm...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố đã tuyên dương, tặng bằng khen cho 10 tập thể và 16 cá nhân cho thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 24.
Công Hạnh