Báo Công An Đà Nẵng

Đất không phụ công người

Thứ bảy, 24/04/2021 23:30

Những ngày này, nông dân huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đang vào hồi cao điểm thu hoạch vụ lúa đông - xuân (2020 - 2021). Mùi thóc mới và rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng nóng oi bức. Ruộng lúa chín vàng bất tận, thóc phơi đầy dọc các tuyến bê - tông nông thôn, còn người trồng lúa thì “vỡ òa” với sản lượng bất ngờ chưa từng có. Theo ước tính ban đầu, năng suất lúa trung bình ở các xã Hòa Phước đạt 71,5 tạ/ha, Hòa Khương đạt 65,8 tạ/ha (cao hơn vụ đông - xuân năm trước là 2,4 tạ/ha)...

Nông dân thôn An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) thu hoạch vụ lúa đông - xuân (2020 - 2021).

L ão nông Lê Văn Xuân (thôn Nhơn Thọ, xã Hòa Phước) phấn khởi trải lòng: “Ðã qua rồi cái thời “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Bây giờ đã có máy móc làm thay sức người. Có đường nội đồng để chạy xe ra tận chân ruộng thăm lúa mỗi ngày. Chỉ cần có sức khỏe và chí thú làm ăn thì người nông dân ai cũng có điều kiện cải thiện cuộc sống”. Cũng theo ông Xuân, đồng làng vẫn đi qua bốn mùa với những sắc màu không lẫn vào đâu được: màu nâu trầm tư của đất, màu vàng no ấm của lúa, màu xanh hy vọng của các loại rau ăn lá, ăn quả.

Những năm gần đây, nhờ việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nên sức lao động của người nông dân không chỉ được giải phóng đáng kể, mà còn đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Khi gieo sạ cũng như khi thu hoạch, chỉ vài ngày là xong... Vì vậy, công việc đồng áng trở nên nhẹ nhàng hơn, người nông dân tiếp tục làm chủ ruộng đồng, yêu đất và mong muốn đất không phụ công người.

Ghé qua các cánh đồng mẫu lớn ở các thôn An Trạch (xã Hòa Tiến), Phong Nam (xã Hòa Châu), Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong)… chúng tôi thấy rõ bà con nông dân bây giờ đã vứt bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thay vào đó là tư duy đổi mới, tăng cường liên kết. Liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà khoa học. Điển hình, thông qua Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, từ năm 2015, Cty Nông sản Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế) liên kết với xã Hòa Tiến mở rộng diện tích mô hình trồng lúa hữu cơ tại thôn An Trạch từ 10ha ban đầu lên 30ha với hơn 200 hộ dân tham gia.

Nhiều nông dân trong thôn cho biết, nếu như làm lúa truyền thống, mỗi vụ phải phun từ 8 - 10 lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì sản xuất lúa hữu cơ chỉ phun 3 lần. Thuốc BVTV là thuốc sinh học nên không lo độc hại. Đã không tốn thời gian làm cỏ bờ ruộng mà còn có cỏ sạch cho trâu, bò ăn nữa. Ngoài việc tiết kiệm được công chăm bón, phân bón, thuốc BVTV, trung bình mỗi sào họ lãi hơn 1,5 triệu đồng, mô hình còn cung cấp kiến thức, giúp người nông dân thay đổi tư duy về sản xuất lúa sạch để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Người nông dân không ai là không chăm chỉ”- chúng tôi cảm nhận được điều đó khi nghe họ kể chuyện về sản xuất nông nghiệp. Với họ, tài sản lớn nhất của người nông dân suy cho cùng cũng chỉ có đất, có lúa và các loại hoa màu, nếu không gắn bó thì đời sống khó mà khá lên được. Vì vậy, trong khi ngày càng có nhiều người rời làng, xa quê tìm kiếm công việc khác thì vẫn còn những người hết lòng gắn bó với ruộng đồng và chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp…

Việc triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang 10 năm qua đã thực sự tạo ra nhiều giá trị mới. Đó là một nông thôn có diện mạo thay đổi từ những đóng góp tích cực của các chủ thể nông dân mới. Có tư duy mới, có tố chất văn hóa, hiểu biết và vận dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và có những cái nhìn mới về quan hệ xã hội.

VY HẬU