Đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu
(Cadn.com.vn) - Luật Bảo vệ quyền lợi (BVQL) người tiêu dùng (NTD) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17- 11- 2010 và đưa vào áp dụng. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua lợi ích của NTD vẫn bị xâm phạm. Vậy để bảo vệ quyền lợi và lợi ích, NTD cần phải làm gì? Nhân Ngày quyền của NTD thế giới năm 2014, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lữ Bằng – Chủ tịch Hội BVQLNTD, kiêm Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.
Ông Lữ Bằng – Chủ tịch Hội BVQLNTD, kiêm Phó Giám đốc Sở Công thương TP |
P.V: Theo Luật BVQL NTD thì NTD có những quyền gì, thưa ông?
Ông Lữ Bằng: Tại Điều 8 Luật BVQL NTD quy định rõ: NTD được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng.
Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, NTD được phép góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về BVQL NTD; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn…
P.V: Như ông nói, Luật đã được quy định cụ thể, nhưng trên thực tế NTD vẫn bị xâm phạm quyền lợi và lợi ích. Ý kiến của ông?
Ông Lữ Bằng: Dù Sở Công Thương và Hội BVQLNTD TP chưa có điều kiện để tiến hành khảo sát trên diện rộng về thực trạng vi phạm quyền lợi NTD trên địa bàn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều trường hợp NTD bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tuy nhiên NTD không phản ánh đến các cơ quan chức năng, nên chưa thể đánh giá được một cách đầy đủ thực trạng vi phạm quyền lợi NTD của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Song qua công tác quản lý Nhà nước về BVQL NTD cũng như qua công tác tiếp nhận, xử lý khiếu nại của NTD cho thấy, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ chưa thật sự quan tâm đến vấn đề BVQL NTD. Tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, sức khỏe cho NTD vẫn còn xảy ra khá nhiều; các hành vi vi phạm quyền lợi NTD cũng được thực hiện ngày càng tinh vi hơn... Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh chưa có động thái tích cực, vẫn còn bàng quan, thờ ơ, gây khó khăn, phiền hà cho NTD khi họ phản ánh những vấn đề trục trặc, lỗi do hàng hóa của đơn vị kinh doanh bán ra...
Tuy nhiên, khi Luật BVQL NTD và các văn bản hướng dẫn thi hành được phổ biến, áp dụng rộng rãi, nghiêm ngặt, đồng thời cùng với sự “chung tay” của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính và NTD, tôi tin rằng quyền lợi của NTD sẽ ngày càng được xem trọng và nâng cao.
P.V: Vậy khi bị xâm phạm các quyền lợi và lợi ích nêu trên, NTD cần phải làm gì?
Ông Lữ Bằng: Trên cơ sở thực hiện theo hệ thống pháp luật Việt Nam và Luật BVQL NTD, có hai kênh chính để bảo vệ NTD. Một là, cơ quan quản lý Nhà nước, đứng đầu là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các Sở Công Thương các tỉnh, TP. Song song đó, các Bộ, ngành chức năng cũng có trách nhiệm bảo vệ NTD theo ngành dọc của mình. Thứ 2 là các tổ chức xã hội, trong đó có Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam và các đơn vị thành viên của Hội tại các tỉnh, thành. Nếu NTD phát hiện sản phẩm hàng hóa mình mua có dấu hiệu vi phạm hoặc phát hiện có vi phạm quyền lợi NTD ở đâu đó thì có thể gửi khiếu nại đến các cơ quan nêu trên để được giải quyết hoặc tư vấn hỗ trợ.
P.V: Trách nhiệm của người tiêu dùng là vậy, còn về phía doanh nghiệp, nhà sản xuất đối với NTD là gì, thưa ông?
Ông Lữ Bằng: Trước hết, doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất và phân phối sản phẩm phải tự bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình. Trên thực tế có không ít DN không lên tiếng vì ý thức bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm của họ chưa tốt. Cũng có trường hợp DN sợ phản tác dụng, vì nếu lên tiếng có thể khiến NTD nghi ngờ và tẩy chay sản phẩm.
Vì vậy, trước hết DN phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với NTD. Trách nhiệm đó được thể hiện qua việc tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho NTD phải có chính sách và hệ thống kinh doanh sao cho các quyền của NTD được thực thi; trách nhiệm đó phải được thể hiện qua việc marketing và thực hành kinh doanh trung thực, luôn đặt lợi ích của NTD lên trên hết. Bên cạnh đó, phải giải quyết kịp thời khiếu nại, tranh chấp và hỗ trợ NTD. Nếu có vấn đề phát sinh mà NTD phản ánh, khiếu nại thì cần tiếp nhận, tích cực xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo tôi, để BVQL hợp pháp của NTD, ngoài sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, thì vấn đề quan trọng và cơ bản nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của NTD. Trước hết, NTD phải tự trang bị kiến thức để biết khi nào quyền lợi của mình bị xâm phạm, đồng thời có ý thức tránh xa những hàng hóa, dịch vụ mà mình nhận thức được nó không đảm bảo và phải có ý thức bảo vệ cộng đồng.
Thông thường, khi NTD đối mặt với những vụ việc vi phạm quyền lợi của mình họ thường im lặng hoặc không tiếp tục sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa. Nhưng họ quên rằng, bên cạnh họ còn rất nhiều những hàng hóa và NTD khác nữa. Có thể nhiều NTD khác không đủ khả năng nhận biết như họ thì sự lên tiếng hỗ trợ cộng đồng hoặc báo các cơ quan chức năng của họ là rất quan trọng và là kênh thông tin để các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ lợi ích cho mỗi NTD, cho lợi ích của xã hội và bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các DN làm ăn chân chính. Về phía DN, ngoài việc cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc chủ động đấu tranh tố giác các sai phạm mà ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và NTD thì cũng phải tăng cường thông tin về sản phẩm, hướng dẫn NTD cách phân biệt hàng thật, hàng giả để NTD có cơ sở đấu tranh tố giác vi phạm.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
C.Hạnh - N.Hùng
(thực hiện)