Báo Công An Đà Nẵng

Đất Phương Nam (2)

Thứ ba, 02/12/2014 08:46

* Kỳ 2:   SÓC TRĂNG CHAN CHỨA TÌNH NGƯỜI

(Cadn.com.vn) - Từ Cần Thơ, ô-tô vượt đoạn đường 62km là đến Sóc Trăng, nơi các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer chung sống tạo nên nét văn hóa phong phú với lễ hội Ok Om Bok, đua ghe ngo, di tích chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, Bảo tàng Khmer, đặc sản lạp xưởng, bánh pía, bún nước lèo...

Ở Sóc Trăng ai cũng biết và tự hào về bốn người con nổi tiếng của mình. Đó là Tiến sĩ Phillip Roesler, khi chưa tròn tuổi được người Sóc Trăng yêu thương, cưu mang, đùm bọc nuôi trong viện mồ côi. Trưởng thành, ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt đầu tiên, nhân vật được xem là thân cận với Thủ tướng Angela Merkel. Từ tháng 2-2014, ông làm Giám đốc Điều hành tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới và đã có lần đưa  vợ về thăm quê nơi ông được sinh ra tại Khánh Hưng, tỉnh Sóc Trăng.

Tiếp đến là Giáo sư, Anh hùng Lao động, nhà nông học Lương Định Của, hiến trọn cuộc đời làm khoa học giúp người nông dân khó nhọc quê mình phát triển nhiều giống lúa nổi tiếng cho gạo thơm ngon khắp xứ Nam Kỳ. Người thứ ba đặc biệt yêu quý nền văn hóa của các dân tộc chung sống trên ĐBSCL, để lại một kho tàng văn hóa đồ sộ, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu cổ vật: Vương Hồng Sển. Cuối cùng là nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện, dâng tặng cho đời hàng trăm nhạc phẩm trữ tình viết về tuổi học trò, thấm đẫm tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và quê hương đất nước như: Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Thương về cố đô, Nhật ký đời tôi, Áo mới Cà Mau, Hình bóng quê nhà, Hương tóc mạ non, Quê hương ba miền…

Tác giả tại chùa Kh’Leang ở Sóc Trăng-Di tích cấp Quốc gia.

Ngoài các nhân vật nổi tiếng, những con người đời thường dung dị của Sóc Trăng cũng để lại cho du khách nhiều thú vị. Cùng đi trong đoàn có chị Dương Thị Thu Thủy, phóng viên tạp chí du lịch Travellive, là người con của miền Tây, cho chúng tôi thêm nhiều thông tin trong suốt cuộc hành trình. Theo chị Thủy, hiện nay ở Sóc Trăng  có địa danh du lịch nổi tiếng là cồn Mỹ Phước, một trong những cồn đẹp nhất vùng hạ lưu sông Hậu. Phù sa màu mỡ bồi đắp dải đất cuối nguồn con sông cho cây trái xanh tốt, hoa quả đặc biệt thơm ngọt, nuôi dưỡng làn da, mái tóc các cô gái từ tấm bé đến khi trưởng thành.

Do vậy mà ở Mỹ Phước có nhiều cô gái rất xinh đẹp làm cho du khách đến đây, nhất là các chàng trai phải sững sờ. Giai thoại kể rằng, ngày xưa trên đường tháo chạy khỏi quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh (Gia Long) đành lòng để lại hàng trăm cung tần mỹ nữ xinh đẹp dọc đường cho khỏi vướng bận cảnh loạn ly. Được người dân bản xứ thương yêu đón nhận và đùm bọc cưu mang, họ ở lại chọn vùng đất mới để định cư nơi các xóm làng nằm rải rác khắp vùng sông nước, lập gia đình và sinh con.

Các thế hệ đời sau đã thừa hưởng dung nhan sắc nước hương trời của những mỹ nhân mà đến nay con gái đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Mỹ Phước nói riêng đa phần là xinh đẹp... Riêng ở Mỹ Phước có nhiều thiếu nữ xinh đẹp còn một lý do khác. Nơi đây có các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa sống đan xen. Các cô gái gốc Việt, qua nhiều thế hệ hòa quyện trong mình có dòng máu người Hoa, khuôn mặt lai một chút nét người Khmer. Tình yêu của ba dân tộc trộn lại cho các cô một vẻ đẹp lạ khiến khách phương xa lần đầu đến đây không khỏi ngỡ ngàng.

Sóc Trăng có một cái nghề lạ mà được nhiều người tôn trọng, đó là nghề làm rể phụ. Trước đây nghề này khá phổ biến, nay ít người còn theo đuổi. Trong số các chú rể phụ nổi tiếng “đắt sô” nhất hiện nay là anh Mín. Đi làm rể phụ một ngày tiền công của anh lúc cao nhất hơn 2 triệu đồng mà được đưa rước và phải đăng ký trước hàng tháng trời. Làm rể phụ không cần đẹp trai, có thể đã lập gia đình, nhưng phải khéo ăn nói và thông thạo các nghi thức cưới hỏi. Nếu chú rể phụ ở miền Trung đi với cô dâu phụ trong đoàn rước dâu thì ở Sóc Trăng chú rể phụ đi với vị tộc trưởng trong các kỳ lễ quan trọng gặp gỡ nhà gái. Chú rể phụ không phải là ông mai nhưng là người nói đỡ cho đàng trai trong các buổi gặp gỡ bên đàng gái để thương thảo ngày giờ, lễ vật, sao cho phù hợp khả năng đôi bên để con cái thành vợ thành chồng.

Ngoài ra rể phụ còn đóng nhiều vai trò khác như: trợ giúp, tư vấn cho chú rể chính thực hiện các nghi thức trong lễ cưới hỏi, tự tay viết tên đôi tân hôn lồng vào nhau trang trí trong tiệc cưới mong ước đôi bạn gắn bó bền chặt, tư vấn cả ngày giờ cho tân lang tân nương gặp nhau để có con mau hay con chậm... Nhờ làm nghề “mát tay” mà anh Mín được nhiều người đăng ký. Trong cuốn sổ tay của anh ghi lịch trình cho từng đám gần như không có thời gian rảnh. Nhờ có duyên ăn nói, đám nào khó anh cũng giải quyết thành công.

Ngày nay phong tục cưới hỏi thông thoáng, không cần môn đăng hộ đối, nhà gái không thách cưới, không đòi hỏi chi nhiều để phải thương thảo, chỉ cần đôi trẻ yêu nhau thật lòng. Nhưng nghề rể phụ như anh Mín vẫn sống tốt vì đàng trai đàng gái tin tưởng cái duyên của anh mang lại cho cuộc hôn nhân viên mãn, vợ chồng con cái họ hạnh phúc, làm ăn giàu có, con cái đủ đầy... Nét đẹp văn hóa này bắt nguồn từ của phong tục cưới xin của người Hoa.

Với người Khmer rất coi trọng việc giáo dục nhân cách cho thanh niên nam nữ. Con trai lớn lên phải vào chùa tu trong một thời gian ngắn ít nhất là 3 tháng, xong khóa tu mới được thừa nhận là một người trưởng thành. Con gái cũng vào chùa học chữ, tụng kinh, niệm Phật vào các dịp lễ. Thiếu nữ Khmer vào tuổi trăng tròn (từ 16 – 20 tuổi) phải vào phòng kín từ 3 tháng đến 1 năm theo tục “vào bóng mát”, không được gặp người lạ, để mẹ, chị dạy công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, cách ứng xử khi lấy chồng, nuôi dạy con... Sau thời gian này, người con gái trở nên duyên dáng, đoan trang và đẹp hơn... Tại Bảo tàng văn hóa Khmer Sóc Trăng còn lưu giữ gần như toàn bộ nét đặc trưng văn hóa của dân tộc này trên nhiều lĩnh vực đời sống sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất, văn nghệ dân gian, tôn giáo tín ngưỡng...

Trước khi tạm biệt Sóc Trăng, du khách dừng chân ở Cty Tân Huê Viên để mua đặc sản lạp xưởng, bánh pía, bánh in, bánh dừa, kẹo đậu... và được nghe câu chuyện cổ tích thời hiện đại của vị giám đốc tên Thái Tuấn, một tấm gương lao động mà người dân Sóc Trăng thường kể để khuyên dạy con cái mình. Từ cậu bé 12 tuổi nhà nghèo phải nghỉ học đi sửa xe đạp, 14 tuổi đi làm không lương cho các cơ sở bánh để được nuôi ăn ngày ba bữa, nay trở thành ông chủ doanh nghiệp số 1 ở Sóc Trăng, là “vua bánh pía” Tân Huê Viên nức tiếng cả nước, đóng góp ngân sách hàng tỷ đồng, giải quyết hàng ngàn lao động trực tiếp sản xuất và gián tiếp làm đại lý. Trưởng thành qua tuổi thơ nghèo khó, nay anh tích cực làm từ thiện chia sẻ khó khăn cho người nghèo, giúp đỡ, hỗ trợ cho những bạn trẻ có khát vọng vươn lên lập nghiệp...

Ở Sóc Trăng, tình cảm cộng đồng dân tộc người Kinh, người Hoa, người Khmer gắn chặt từ bao đời. Tín ngưỡng Phật giáo Bắc tông của người Hoa hay Phật giáo Nam tông của người Khmer gặp gỡ truyền thống dân tộc thương người như thể thương thân của người Kinh cùng chan hòa hướng thiện, yêu thương con người. Cuộc sống sinh hoạt và đời sống văn hóa giao thoa hài hòa làm nên bản sắc riêng lưu luyến khách thập phương.

Ghi chép: Ngô Bảy
(còn nữa)