Báo Công An Đà Nẵng

Đất Phương Nam (3)

Thứ tư, 03/12/2014 09:35

* Kỳ 3:  Xứ sở "công tử Bạc Liêu"

(Cadn.com.vn) - Ở đồng bằng sông Cửu Long, đi đâu cũng nghe đàn ca tài tử (ĐCTT), nhưng chưa ghé thăm Bạc Liêu thì chưa về đến cội nguồn của bộ môn nghệ thuật này. Bước chân vào TP Bạc Liêu du khách thấy ngay một công trình được xác nhận kỷ lục Việt Nam: cây đàn kìm cách điệu cao 18,6m, một loại nhạc cụ được nhạc sĩ Cao Văn Lầu dùng để sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (DCHL). Cùng nằm trên quảng trường Hùng Vương rộng 4.000m2, đối diện cây đàn kìm là Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có hình dáng ba chiếc nón lá khổng lồ chụm vào nhau, được gọi tắt là nhà hát 3 nón lá, kinh phí xây dựng 222 tỷ đồng vừa được xác nhận kỷ lục Việt Nam. Công trình này tượng trưng cho tình đoàn kết chung sống của ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer.

Đón  chúng tôi, anh Trần Minh Chiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu không nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên nên xác định lấy văn hóa làm điểm tựa để phát triển. Nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quyết tâm khôi phục và phát triển nghệ thuật ĐCTT. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, người con Quảng Nam, tác giả của những ca khúc "Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang", "Điệu buồn phương Nam"... có duyên gắn bó với Bạc Liêu, góp công phục hiện, chuẩn hóa bài DCHL từ lời ca đến thanh nhạc và ông từng tâm sự: "Mong ngành văn hóa Bạc Liêu chính thức có được một bài ca DCHL, công bố nó như một giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của tỉnh mà chỉ Bạc Liêu mới có được".

Đầu năm 2014, UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản văn hóa thế giới, ngay lập tức tháng 4-2014, một Festival  ĐCTT  đầu tiên và hoành tráng diễn ra trên đất Bạc Liêu, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách mộ điệu và các câu lạc bộ ĐCTT khắp Nam Bộ đổ về tham dự. Festival sẽ được duy trì hằng năm, trở thành sự kiện, điểm hẹn văn hóa lớn của người dân 21 tỉnh, thành phố phía Nam từng yêu thích ĐCTT, cải lương, vọng cổ như một món ăn tinh thần không thể thiếu từ bao đời nay.



Biểu tượng cây đàn kìm và nhà hát 3 nón lá ở Quảng trường Hùng Vương.

Gắn với Festival ĐCTT, Bạc Liêu xây dựng Khu Lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (KLN), một điểm đến du lịch tiêu biểu. Anh Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu đích thân dẫn chúng tôi đến thăm KLN cách trung tâm TP 1km, là Di tích lịch sử cấp quốc gia, một công trình tôn vinh và ghi nhớ công ơn các nhạc sĩ đã để lại cho thế hệ hôm nay một di sản văn hóa vô giá. Lần đầu tiên đến đây tôi thực sự ngưỡng mộ trước công trình mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị của một Di sản thế giới. Trên diện tích gần 12.800m2, KLN có mộ và tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu; phòng trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh lịch sử phát triển ĐCTT; vườn tượng nhạc cụ dân tộc... Lối vào chính là cầu thang lên biểu tượng cây đờn kìm cách điệu lấy từ hình ảnh đốt tre,  xung quanh khắc họa 20 bài bản tổ ĐCTT. Đặc biệt, cầu thang có đánh số tại các bậc 2, 4, 6, 8, 16, 32, 64 và gắn tên các nhạc sĩ có công phát triển nhịp bài DCHL thành bài vọng cổ.

Một thương hiệu du lịch khác của Bạc Liêu bắt nguồn từ văn hóa dân gian truyền miệng các giai thoại về công tử Bạc Liêu (CTBL) Trần Trinh Huy (hay còn gọi là Hắc Công tử) nay trở thành một lợi thế cho văn hóa du lịch của địa phương. Xung quanh nhiều giai thoại về nhân vật này, tiếng đồn lan xa, báo chí không ngại tốn nhiều giấy mực, bất chấp có nhiều dị bản, không cần kiểm chứng thực hư... người ta vẫn thích thú nghe và thêu dệt thêm thắt để tiếp tục truyền đi một cách đầy hấp dẫn. Chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở địa chỉ số 13 đường Điện Biên Phủ, P. 3, TP Bạc Liêu, được anh Trần Trinh Đức, con trai CTBL vui vẻ đón tiếp vào nhà tham quan. Ngôi nhà xây năm 1917 đến 1919 khánh thành. Hiện vật đồ dùng như bàn ghế, giường tủ... trưng bày trong nhà cho thấy chủ nhà là hàng đại gia một thời quyền thế.

Bộ bàn gỗ sưa (huỳnh đàn) đặt ở phòng khách lát đá cẩm thạch sang trọng, chiếc đồng hồ cổ xuất xứ từ Đức 100 tuổi hoạt động bình thường. Theo cô hướng dẫn viên Lý Trần Mỹ Đông,  CTBL có hai chiếc giường, một chiếc lát đá để ngủ vào mùa khô cho mát, một chiếc làm bằng gỗ giáng hương ngủ vào mùa mưa tốt cho sức khỏe, mỗi chiếc trị giá  20 tỷ đồng. Tấm phản gỗ lim nguyên khối dày 20cm, rộng 2m, dài 3m nằm trên bộ ngựa chạm khắc cầu kỳ... Theo cô Đông, người xưa nói rằng, về tài sản, cuộc đời ông sánh ngang vua Bảo Đại vì vua Bảo Đại có cái gì thì ông phải có cái đó. Ông sắm máy bay riêng chỉ để chở thân hữu và người đẹp. Máy bay gốc hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng quân đội, đã phục chế và đang trên đường về để sớm triển lãm phục vụ du khách nay mai... Còn nhiều giai thoại khác về tính cách thương người của CTBL. Tuy giàu có nhưng ông rất thương gia nhân, người ở; thấy người giàu không ganh, người nghèo không khinh. Một năm mùa màng thất bát, cám cảnh tá điền nghèo khổ, ông về giấu cha xé hết giấy nợ cho tá điền...

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho biết thành ngữ "công tử Bạc Liêu" là có thật, phản  ánh một nhóm con các nhà đại địa chủ Bạc Liêu thời thuộc Pháp nổi tiếng giàu có, dẫn đầu là Trần Trinh Trạch (cha CTBL) rồi đến Vưu Tụng, Châu Oai, Cao Minh Thạnh, Huỳnh Hữu Phước, Mai Hữu Quỳ, Mai Hữu Kiến, Quách Ngọc Đống... và còn 8 chủ điền Tây khác. Con cháu họ thừa tiền của, lên Sài Gòn hoặc sang Pháp theo Tây học, lối sống thực dân ăn chơi đình đám, tiêu tiền như nước, để người Sài Gòn thốt lên rằng đó là nhóm CTBL. Trong số họ, Trần Trinh Huy chơi trội hơn cả được mệnh danh là người "ngon" nhất Nam Bộ.

Bao nhiêu câu chuyện xài tiền của nhóm công tử kia gắn cho Trần Trinh Huy để rồi trở thành hiện thân, là linh hồn của CTBL. Hễ ai nhắc tới CTBL thì đương nhiên là chỉ đích danh Trần Trinh Huy... Anh Nguyễn Vũ lý giải, giai thoại và nhân vật CTBL tồn tại được trong đời sống vì đó là hình tượng phản ánh đúng tính cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa khí và thương người của người dân Nam Bộ nên dù có cường điệu đôi chút dân gian cũng không cần phải kiểm chứng thực hư...

Vấn đề hôm nay là địa phương đã biết cách khai thác được lợi thế những nét văn hóa có được mà nhân dân đã tạo nên trong suốt hàng trăm năm qua. Cũng như KLN nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà CTBL hiện là điểm đến tiêu biểu thu hút du khách ở mọi miền đất nước.

Ghi chép: Ngô Bảy
(còn nữa)