Báo Công An Đà Nẵng

Đất Phương Nam (4)

Thứ năm, 04/12/2014 09:05

* Kỳ cuối: Thiêng liêng đất mũi Cà Mau

(Cadn.com.vn) - Từ TP Cà Mau về đến Năm Căn khoảng 52km, là điểm cuối cùng của QL1A. Chúng tôi chia nhau cứ 7 người lên một ca nô cao tốc. Tài công là các chàng trai trẻ tuổi, cho 3 chiếc ca nô dàn hàng ngang  rồi bất ngờ nhấc mũi xé nước lao vút đi như bay trên mặt sông Cửa Lớn. Ai nấy đều bị ngợp gió nhưng hứng khởi, tay bám chặt vào thành ghế, reo hò sảng khoái. Con sông rộng cả ngàn mét. Chiều dài sông dài 60 cây số vắt ngang dải đất liền. Hai đầu sông đều thông ra biển ở hai bờ Đông và Tây tỉnh Cà Mau, tách H. Ngọc Hiển ra thành một ốc đảo có rừng quốc gia được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Dọc bờ sông có những biển báo giao thông đường thủy cao lừng lững hàng chục mét quy định tốc độ, bến đỗ... cho tàu thuyền. Rời sông Cửa Lớn, chú tài công đánh dạt tay lái cho ca nô nghiêng mình, lượn một vòng cua cánh tay để rẽ vào nhánh sông nhỏ, xuyên qua rừng đước bạt ngàn, kênh rạch chằng chịt. Bao nhiêu mong chờ cũng đã đến. Sau hơn một giờ "bay" trên sóng nước, chúng tôi bồi hồi đặt chân lên Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau, phần đất liền cực Nam Tổ quốc. Đứng trên Đài Quan sát hay còn gọi là Vọng Hải Đài, Vọng Lâm Đài, bao quát được toàn cảnh rừng, biển và bãi bồi lỗ chỗ những mầm cây mắm, cây đước đang ngày đêm lấn về phía biển. Đài Quan sát có 54 bậc tam cấp tượng trưng 54 dân tộc anh em, được thiết kế hình cây đước có bộ rễ vững chắc bám trên đất bùn ngập mặn.

Từ đỉnh đài nhìn ra  biển trời mênh mông như đang đứng trên mũi con tàu Tổ quốc khổng lồ, hướng tầm mắt vào đất liền thấy rừng đước xanh bạt ngàn sức sống. Nơi đây có thể ngắm mặt trời mọc lên từ biển phía Đông và lặn trên biển phía Tây. Nằm trong công viên còn có biểu tượng Đất Mũi dáng con tàu vươn khơi và cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 là hai vị trí được du khách dừng chân lâu nhất để ghi lại hình ảnh kỷ niệm của chuyến đi. Đây là lý do chính mà nhiều người mong ước thực hiện một lần được đến Cà Mau vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh cột mốc có đường dẫn vào vườn quốc gia để du khách khám phá khu sinh quyển thế giới.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại đài biểu tượng Mũi Cà Mau.

Anh Hồ Ngọc Tấn, PGĐ Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết, vườn quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên 41.862 ha, địa hình bán đảo, sông ngòi dày đặc, sản vật thiên nhiên phong phú... nhưng vẫn còn rất hoang sơ, giao thông chỉ bằng ghe thuyền. Từ Năm Căn về Đất Mũi chỉ có 50km đất liền nhưng phải đến năm 2016 QL1A mới thông tuyến. Làm đường bộ không chỉ tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mà thời gian thi công cũng rất lâu vì có quá nhiều cầu qua sông. Chưa có nhà đầu tư lớn nào bỏ vốn vào xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi ở vùng đất giàu tiềm năng du lịch của Đất Mũi.

Sở đang vận động người dân về sinh sống nơi đây để làm dự án mô hình du lịch sinh thái cộng đồng (homestay). 213 hộ dân đầu tiên đã mở đường cho dự án, chấp nhận sống rải rác bên bờ những con sông, kênh rạch, vừa sản xuất, kinh doanh du lịch vừa để bảo vệ vườn quốc gia. Ở đây nhà nào cũng sắm một chiếc vỏ lãi (xuồng bằng nhựa composite) gắn máy Yamaha là phương tiện đi lại duy nhất. Con cái đi học rất khó khăn, từ nhà đến trường khoảng 10km. Tiền xăng mới là gánh nặng chi phí đáng nói. Anh Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý Du lịch- Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết, chiếc ca nô chở chúng tôi đến đây gắn máy Yamaha 115 là loại nhỏ nhất nhưng trung bình cứ 1lít xăng chạy được 1km!

Trong số 213 hộ dân, có 5 hộ khai thác được khách du lịch. Chúng tôi ghé thăm hộ anh Nguyễn Văn Nhuần, một điểm homestay thành công nhất. Dựa vào việc khai thác các loại thủy hải sản, anh làm các dịch vụ ăn uống, cho du khách trải nghiệm chèo xuồng, câu cá, đặt lờ, đơm đó, bắt cua... Sau nhà anh có một vuông tôm (ao nước rộng) chiều ngang 100m, chiều dài 1.000m có đường cống bê-tông thông ra sông. Khi nước ròng từ sông dâng lên anh mở cống cho tôm, cá, cua... tự nhiên theo nước vào vuông. Nước ròng xuống, anh đặt lưới cản miệng cống, xổ nước từ vuông ra sông để thu tôm, cá. Mỗi lần xổ vuông thu được từ 300-500kg tôm, cua, cá. Đây là nguồn lợi tự nhiên không phải tốn chi phí nuôi hay thuốc men gì hết, cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách hàng ngày. Ngày nào nhà anh cũng có khách ít nhất là 20, nhiều nhất 200, thường thì từ 50-70 khách.

Từ tháng 7-2013 đến 10-2014 anh đã đón tiếp 5.000 lượt du khách, thu nhập 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí, giải quyết 15 lao động gia đình. Anh bỏ tiền ra sắm thêm 5 chiếc vỏ lãi cho khách chèo đi giăng câu, bủa lưới, cất thêm nhà cộng đồng bằng vật liệu gỗ đước và lợp lá dừa trị giá 70 triệu đồng/căn, chứa được 10 bàn tiệc. Khách ở lại đêm thì trải chiếu ngủ dưới sàn nhà này luôn. Chưa kể chi phí ăn uống, dịch vụ chèo xuồng đi câu câu cá, đặt lờ... là  20.000đ/1 khách/1 ngày. Ngủ qua đêm tại nhà: 70.000 đ/1 người. Với chi phí này các công ty du lịch thiết kế tour từ TP Cà Mau về Đất Mũi chỉ có 300.000đ/1 người, trong đó chi phí chủ yếu là phương tiện vận chuyển chứ tiền ăn thì không bao nhiêu bởi sản vật ở đây rất rẻ. Ngoài hộ anh Nhuần, còn có hộ anh Huỳnh Văn Tuấn làm mô hình đờn ca tài tử và thăm vườn trái Thanh Long giống ruột đỏ; hộ anh Trần Văn Hướng làm mô hình giữ vườn chim của rừng quốc gia... cũng đón được khách tham quan... trong ngày.

Tôi và nhiều đồng nghiệp nhớ mãi bữa trưa tại nhà anh Nhuần với đặc sản sông nước như cá thòi lòi nướng, ốc len xào dừa, cá ngát nấu me, cua gạch, vọp (sò) hấp, tôm lột xào rau bồn bồn... Rượu anh tự làm bằng cách lên men các loại quả trong vườn quốc gia cho hương vị  ngọt dịu tự nhiên, nồng nàn. Ấn tượng và cảm xúc nhất là được dịp nhìn thấy không gian bên ngoài ngôi nhà lá một trận mưa đặc trưng của đất rừng phương Nam giữa mùa nước nổi. Mưa ào ạt đổ xuống cánh rừng đước xanh ngát, mưa giăng qua những vuông tôm mờ mịt và làm trắng cả dòng sông phía trước nhà. Tưởng chừng mưa Đất Mũi cũng là một đặc sản du lịch cho du khách có những giây phút thảnh thơi và tâm hồn mình thêm chút thi vị bên cạnh bạn bè trong một chuyến đi xa.

Ghi chép: Ngô Bảy