Báo Công An Đà Nẵng

Đất Phương Nam

Thứ hai, 01/12/2014 10:45

Kỳ 1: Sông nước Cần Thơ

(Cadn.com.vn) - Có mặt trong đoàn Presstrip do Cty Du lịch Vietravel tổ chức cho phóng viên báo, đài các miền Bắc, Trung, Nam về đất phương Nam giữa mùa nước nổi, mỗi thành viên chúng tôi đã được cảm nhận những dấu ấn đặc sắc về văn hóa, vùng đất và con người nơi đây.

Chỉ hơn một giờ bay từ Đà Nẵng, chúng tôi đã có mặt ở sân bay Trà Nóc, nay được mang tên mới là Sân bay Quốc tế Cần Thơ. Đường Võ Văn Kiệt vừa mới mở dẫn về trung tâm chỉ có 6km nhưng phải qua 5 cái cầu cho tôi cảm nhận ban đầu về mạng lưới sông, ngòi, kênh, rạch ở miền đất Tây Đô. TP Cần Thơ hiền hòa có nhiều điểm tham quan nổi tiếng: Nhà cổ Bình Thủy, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, bến Ninh Kiều... Và chợ nổi Cái Răng, điểm nhấn du lịch mà mọi du khách không thể bỏ qua.

Cảnh mua bán hàng trên sông.

Tờ mờ sáng, từ bến Ninh Kiều, ngồi 30 phút trên du thuyền vượt 6 cây số đường sông chúng tôi đến chợ nổi Cái Răng. Sông Cần Thơ mùa nước nổi đỏ phù sa, lác đác những đám lục bình trôi xuôi dòng rồi đổ vào sông Hậu. Khu chợ nổi hiện ra dưới ánh nắng mai rộn rã tiếng xuồng máy đủ cỡ. Ghe thuyền đầy ắp các loại nông sản, trái cây đủ màu sắc. Lô nhô trên thuyền những cây sào cao treo lủng lẳng các loại củ quả để giới thiệu và chào mời người mua. Theo anh Lê Văn Sáng, hướng dẫn viên Vietravel, những cây sào này người địa phương gọi là cây bẹo, một hình thức "show" hàng độc đáo, sáng tạo trên chợ nổi, "treo thứ gì bán thứ nấy". Tuy nhiên, cũng có ba trường hợp ngoại lệ "có bán mà không treo" là cà-phê, bún, mì, hủ tiếu...; "có treo mà không bán" là quần áo của người dân giặt phơi trên sào; "treo thứ này mà bán thứ khác" là bán ghe thuyền nhưng lại treo một chiếc lá dừa...

Du khách quốc tế đến chợ nổi Cái Răng khá đông, cứ 5 khách ta thì có 1 khách Tây. Từng nhóm hai, ba khách thuê một chiếc xuồng nhỏ cho người dân chèo dọc hai bên chợ để quay phim, chụp ảnh, trải nghiệm và khám phá. Năm 2014, một tạp chí du lịch Anh có bài viết thừa nhận Cái Răng là một trong những khu chợ nổi đặc sắc nhất thế giới vì có hoạt động buôn bán thật gắn liền với đời sống thật của cư dân trên một vùng sông nước diễn ra thường ngày như một bức tranh cuộc sống chứa đựng những nét văn hóa được hình thành từ rất lâu đời.

Chợ đông đúc  nhất tầm 6 giờ đến 8 giờ sáng. Thuyền nhỏ chở trái cây, nông sản của các chủ miệt vườn xuôi dòng kênh rạch tụ tập về đây để bán, ghe bầu lớn của thương lái đi thu mua các loại hàng vận chuyển về bỏ sỉ ở các vùng xa xôi. Các con xuồng nhỏ bán hàng ăn, nước uống cùng du thuyền chở khách len lỏi vào giữa những khoảng trống trên mặt sông. Tiếng máy nổ, tiếng rao hàng, tiếng sóng vỗ mạn thuyền cùng tiếng nói cười của khách Tây, khách ta làm không khí chợ trở nên náo nhiệt. Để ý một chút sẽ thấy hầu hết các loại ghe thuyền trên chợ nổi đều có vẽ đôi mắt phía trước. Thoạt nhìn, cả rừng ghe thuyền di chuyển như một đàn cá lớn nhỏ bơi trên mặt sông rất kỳ thú.

Một tiểu thương ở chợ cho biết, ngày xưa ở vùng đất mới này dân cư thưa thớt sinh sống bằng nghề cá. Mỗi năm vào mùa nước nổi, nhiều con cá hô, cá sấu, thuồng luồng  nặng hàng bảy, tám trăm ký bất ngờ nổi lên đe dọa. Người dân nghĩ ra cách vẽ đôi mắt để biến ghe thuyền mình trở thành con vật to lớn hơn, uy hiếp lại các loài thủy quái và từ đó không ai còn gặp nguy hiểm nữa. Tập quán này in đậm trong đời sống người dân đến mức hiện nay cả những chiếc xà lan, tàu vỏ sắt to lớn dài ba, bốn chục mét chở hàng trên sông cũng có vẽ đôi mắt, dù không phải để dọa loài thủy quái nào, chỉ thể hiện tư duy sáng tạo trong nét văn hóa xa xưa của cư dân vùng sông nước tồn tại cho đến ngày nay... Hoạt động mua bán chỉ là phần nổi của chợ làm cho ta vui mắt. Khi hòa mình vào cuộc sống nơi đây, nghe người miền Tây trò chuyện, tôi thú vị nhận ra nét văn hóa vô cùng phong phú của miền sông nước vùng đất phương Nam.

Mặt trời lên cao, chợ thưa dần. Ghe bầu đầy hàng rời chợ. Xuồng con bán hết trái cây nán lại quây quần quanh mấy ghe bún, mì, hủ tiếu, nước giải khát... tận hưởng giây phút thảnh thơi ăn uống lấy lại sức sau một buổi chạy chợ tất bật. Lưu luyến rời chợ nổi Cái Răng, tạm biệt sông nước Cần Thơ, du khách không quên mang theo vài ký khô cá để khi về đến nhà chia sẻ cùng bạn bè người thân hương vị ngọt của sản vật miền sông nước.

Ghi chép: Ngô Bảy
(còn nữa)