Đất Quảng tưởng nhớ Người
(Cadn.com.vn) - Trong lúc quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc từ trần. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, quân và nhân dân ta. Cùng với cả nước, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Xứ Quảng vô cùng đau xót. Để tưởng nhớ đến Người, nhiều hình thức để tang và truy điệu được cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam tổ chức.
Đồng chí Võ Chí Công đọc lời điếu tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Sau khi Bác Hồ từ trần, ngày 9-9-1969, Khu ủy 5 tổ chức lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Khu ủy ở Sông Tranh, Quảng Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu ủy Quảng Đà mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ”, nhằm chỉnh đốn tổ chức, chuyển hướng nhiệm vụ, khôi phục lại phong trào. Ban Tuyên huấn Quảng Nam phát động cuộc vận động “biến đau thương thành hành động cách mạng”, “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và được nhân dân hưởng ứng tích cực; đồng thời ra được tập sáng tác thơ văn “Đời đời ơn Bác”. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức phát động phong trào đăng ký “Thề mãi mãi là dân cụ Hồ”. Đây được coi là một trong những sáng kiến hợp lòng dân.
Nghe tin Bác mất, đồng chí Võ Chí Công, người con của mảnh đất Xứ Quảng, Bí thư Khu ủy 5 vô cùng xúc động, trong hồi ký của mình, ông viết: “Riêng tôi, được Trung ương điện báo hằng ngày trước khi Bác mất, bệnh Bác yếu dần, tôi rất lo lắng. Khi được báo Bác đã từ trần nghe như sét đánh vào tai, đầu óc bối rối, buồn bã xúc động, vô cùng thương tiếc, tâm hồn xao xuyến mấy ngày đêm không ăn không ngủ”.
Còn tại nhà lao Hội An, Đảng bộ nhanh chóng thông báo cho các chi bộ, tổ Đảng và từng cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên biết, đồng thời phát động các chi bộ Đảng trong nhà lao tìm mọi cách và bố trí thời điểm thích hợp để tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày 6-9-1969, lễ truy điệu và để tang Bác Hồ được bí mật tổ chức tại các phòng nam và nữ tù nhân. Việc tổ chức truy điệu Bác trong nhà lao rất khó khăn và cực kỳ nguy hiểm. Nhưng với lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn, những người tù cách mạng đã vượt qua nguy hiểm tham dự lễ truy điệu Bác. Tù nhân yêu nước với khăn tang, đứng xếp hàng, hát quốc ca và dành ba phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô vàn đối với Bác. Sau đó, địch phát hiện và bắt những người tham gia lễ truy điệu Bác đem phơi nắng dưới cột cờ ba ngày rồi mới cho về phòng giam. Sau lễ truy điệu, trong niềm xúc động khôn nguôi, đồng chí Huỳnh Kim Vạn (nguyên Phó Chủ tịch xã Điện Phong, huyện Điện Bàn bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An từ năm 1954) đã sáng tác điếu văn truy điệu Bác, trong đó có đoạn:
“Tin sét đánh ngang tai đau đớn quá,
Tin Bác về xúc động cả tim tôi,
Bác Hồ ơi! hỡi Bác Hồ!
Công đức Bác như trời cao biển rộng
Bác mất đi trời đất đều chuyển động
Non sông nhà bao phủ một màu tang...
Bác mất đi cả thế giới bàng hoàng
Nhân dân miền Nam chúng con đều cúi đầu rơi lụy
Nhớ Bác xưa: Suốt đời Bác không một ngày an nghỉ
... Thương tiếc Bác chúng con nguyện vâng lời Bác dạy” (lao xá Hội An ngày 10-9-1969).
Cũng tại nhà lao Hội An, trong năm 1969, 6 chị em tù chính trị đã thêu bài thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ và bí mật chuyển ra ngoài. Đến năm 1971, chiếc khăn thêu này được mang ra tặng Đại hội Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ VIII. Bên ngoài nhà lao, nhân dân cũng sáng tác thơ, sau đó được đưa vào nhà lao làm tài liệu giáo dục chính trị cho tù nhân yêu nước.
Cùng với nhân dân trong tỉnh, cấp ủy đảng, du kích các xã Kỳ Mỹ, Kỳ Thịnh đã trang nghiêm tổ chức lễ truy điệu Người. Bằng tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát, trong nhà tù, trại giam, ở đâu đồng bào chiến sĩ, quân và dân Xứ Quảng cũng tìm cách tổ chức truy điệu, để tang Bác với tấm lòng tôn kính nhất. Gần 40 năm ngày Bác đi xa, nhưng hình ảnh của Người luôn đọng lại trong trái tim mỗi người con Xứ Quảng anh hùng.
Lê Năng Đông