Báo Công An Đà Nẵng

Đất thiêng Côn Đảo (5)

Thứ sáu, 19/05/2017 10:19

* Bài cuối: Côn Đảo- mạch nguồn cảm xúc

(Cadn.com.vn) - Đến Côn Đảo, trong tôi luôn có một cảm xúc đan xen giữa những đau thương, bi tráng của quá khứ với sự ngưỡng mộ về sự phát triển mạnh mẽ ở hiện tại của vùng đất này. Dẫu biết rằng trước đó đã có nhiều người từng đến và viết rất hay, rất kỹ về Côn Đảo nhưng không vì thế mà dòng cảm xúc về một vùng đất linh thiêng ngừng chảy trong tôi. Dường như nơi đây có một sức hút mãnh liệt thu hút ngày càng nhiều những bước chân của du khách, các nhà văn hóa, lịch sử tìm về, trong đó có cả những khách nước ngoài.

Trong chuyến tham quan tại trại giam Phú Tường, nơi đã từng cất giấu bí mật khủng khiếp là "Chuồng cọp Pháp", chúng tôi đã gặp đoàn làm phim của HTV7  đang chuẩn bị các cảnh quay phục vụ chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 sắp tới. Mặc dù đang tất bật với các đạo cụ để chuẩn bị cho cảnh quay khói lửa nhưng họa sĩ thiết kế Võ Tuấn Hùng vẫn dành cho chúng tôi những nụ cười rất tươi và giải thích vắn tắt về công việc của mình khi có các du khách thắc mắc về những chậu khói đang được quạt nghi ngút trong khu vực di tích nhà tù. Cạnh đó, kỹ thuật viên phụ trách âm thanh ánh sáng là ông Trần Đắc Thọ cũng đang ngập chìm trong các đống dây dẫn, dàn đèn, loa âm thanh. Ông Thọ cho biết đoàn làm phim ra Côn Đảo đợt này có tới hơn 100 người, cộng thêm máy móc dụng cụ nữa nên phải đi cả bằng máy bay và tàu biển mới chở hết. Mấy ngày qua, đoàn đã đi quay ở nhiều điểm như: Nghĩa trang Hàng Dương, các nhà tù, các bãi biển, cầu tàu... để có các cảnh quay sống động.

Cảng Bến Đầm.

Lúc dừng chân bên cầu tàu lịch sử 914 Côn Đảo, thỉnh thoảng lại có một chiếc taxi dừng lại để các đoàn du khách đến thắp hương ở bia tưởng niệm và chụp ảnh lưu niệm ở cầu tàu, nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng ở Côn Đảo. Theo hướng dẫn viên, trong quá trình xây dựng cầu tàu này từ năm từ 1873 đến khi hoàn thành vào năm 1930 đã có 914 người tù bỏ mạng tại đây. Tuy nhiên, đó chỉ là con số ước lệ, bởi không có tài liệu hay ghi chép nào nói về việc thống kê số người tù chết khi xây dựng cầu tàu này mà chỉ là những người tù tự đếm cho nhau, có khi đến cả người đếm cũng đã chết thì lấy ai để đếm tiếp. Cầu tàu 914 dài khoảng 100m, được dùng bằng sức của những người tù để vận chuyển đá ở chân Núi Chúa cách đó khoảng 3km về xây cầu. Chế độ nhà tù hà khắc, ăn đói, mặc rét, sức khỏe suy kiệt, những người tù được huy động để xây cầu tàu chết ngày một nhiều, xương cốt họ được cai tù vùi lấp sơ sài ngay trên bãi biển. Cầu tàu 914 là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng ở Côn Đảo, đó là ngày cách mạng tháng 8-1945 thành công, rợp trời cờ đỏ sao vàng, hơn 2.000 người tù được thực dân Pháp đưa đến cầu tàu này để trao trả về đất liền, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Năm 1975, cũng tại cầu tàu này, chuyến tàu đầu tiên từ đất liền ra chi viện để giải phóng Côn Đảo đã mang theo 500 tấm ảnh Bác Hồ, món quà quý giá mà hàng ngàn tù chính trị ở Côn Đảo mong ước được đón nhận. Cũng từ đây, hơn 20.000 tù nhân được trao trả về đất liền, chấm dứt vĩnh viễn chế độ nhà tù tại Côn Đảo. Hiện nay, bên cạnh cầu tàu lịch sử 914 có một cầu tàu mới đang xây dựng  nghe đâu đã dừng thi công do sai thiết kế, công trình còn dở dang không biết bao giờ mới làm tiếp hoặc phải dỡ bỏ...

Những câu chuyện đời sống của người dân ở Côn Đảo cũng rất lạ lẫm như chuyện trước đây trên đảo chỉ có 1 cây xăng duy nhất, hoạt động theo giờ hành chính nhưng nay đã có thêm 1 cây xăng của quân đội, hoạt động từ 5 giờ 30 đến 20 giờ nên người dân trên đảo không phải canh giờ để đi đổ xăng. Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) là tên của ngôi chùa duy nhất ở Côn Đảo và được xem là một trong các chùa có kiến trúc đẹp nhất ở Việt Nam, do những người tù xây dựng từ năm 1964. Những người ở đảo kể rằng, hồi ấy vào ngày nghỉ nhưng những người tù chính trị vẫn phải lao động công ích bằng việc xây dựng chùa. Do bị vắt kiệt sức nên  người tù đấu tranh không chịu xây dựng chùa, kết quả là có 63 người tù bị giam vào 2 xà lim đôi ở Trại Phú Hải. Chùa lúc đó không có sư, chủ yếu  để phục vụ cho các quan chức quân đội làm việc cho Mỹ, ngụy trên đảo. Một thời gian dài sau đó, do không được chăm sóc nên chùa xuống cấp, đến năm 2011, một tập đoàn kinh tế  xây dựng chùa mới trên nền chùa cũ với hơn 100 bậc tam cấp. Du khách nếu không thể leo núi thì có thể đi xe máy ôm với giá 30.000 đồng một vòng lên xuống, mỗi chuyến chở được 2 người. Chùa là nơi mang tâm nguyện hướng thiện, cầu phước an lành cho miền đảo, cầu siêu cho những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, đồng thời nó cũng là một trong những điểm để nhớ về cội nguồn, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ của những thế hệ hôm nay. Đến Vân Sơn Tự, du khách sẽ được uống miễn phí một loại nước giải khát rất ngon làm từ hạt quả é, được sư thầy tặng một vòng hạt đeo tay để may mắn và rút ngẫu nhiên một tờ xăm với những câu châm ngôn về cách sống ở đời, ai đọc cũng cảm thấy có điều đúng với bản thân mình.

Sân bay Côn Đảo.

Đến Côn Đảo giờ đây không chỉ đến với những địa danh thiêng liêng đã đi vào lịch sử như: Nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa địa Hàng Keo, các di tích nhà tù, cầu tàu..., một Côn Đảo với diện mạo mới, đầy sức sống đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng đất giữa biển khơi này. Một trong những công trình mang tính đột phá trong phát triển kinh tế cảng biển của Côn Đảo là cảng Bến Đầm, cách trung tâm huyện khoảng 15km,  được xây dựng làm nơi cập bến của các tàu cá từ nhiều nơi đến Côn Đảo. Tại đây, ngày đêm luôn có hàng chục tàu cá ra vào neo đậu nhưng lại không có cảnh mua bán tôm cá rộn ràng. Hỏi những ngư dân thì được biết mỗi tàu cá đều có "nậu" (bạn hàng) riêng. Tàu của "nậu" nào vào bến thì "nậu" đó ra thu mua rồi đem vào Trung tâm Côn Đảo bán, tuyệt nhiên không có cảnh giành giật, đôi co như ở các nơi khác. Một mũi nhọn kinh tế khác của Côn Đảo là phát triển du lịch với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort đang được xây dựng ngày càng nhiều ở Côn Đảo. Đứng đầu trong số đó là  khu resort Six Senses nằm dọc theo con đường từ sân bay về trung tâm huyện. Khu resort này ẩn mình bên bờ biển xinh đẹp, với khoảng 50 biệt thự được làm từ gỗ và tre nứa cao cấp, thân thiện với môi trường nhưng bên trong được trang bị đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Mặc dù có giá phòng khá cao, từ 660 USD đến 1.500 USD/đêm nhưng ở đây luôn trong tình trạng "cháy" phòng, muốn có được những ngày nghỉ ở đây, khách phải đặt trước hàng tháng. Khu resort này cũng mở cửa cho khách vào tham quan với giá dịch vụ cao chót vót, một chai nước suối được tính giá 120 ngàn đồng nhưng mỗi ngày cũng chỉ nhận tối đa 4 khách vào tham quan. Mặc dù cách biệt, khó khăn về địa lý nhưng với những lợi thế để phát triển du lịch nên giá đất ở Côn Đảo không hề rẻ, nếu là ở khu vực chợ có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, còn đất ở vùng cũng khoảng 10 triệu đồng/m2. Giá cao là thế nhưng đã có rất nhiều đại gia từ Sài Gòn, Vũng Tàu ra đảo mua đất xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng...

Tạm biệt Côn Đảo khi ánh nắng chiều đã phủ một màu vàng ươm lên vạn vật, không chỉ tôi mà nhiều chị em trong đoàn cứ có cảm giác lưu luyến, bồi hồi khi sắp phải rời xa nơi này. Mảnh đất này dù mới chỉ đặt chân đến lần đầu nhưng dường như ai cũng thấy rất đỗi thân quen. Phải chăng, những mất mát, hy sinh của các thế hệ ông cha tại nơi này đang là những mạch nguồn cảm xúc mãnh liệt, thôi thúc những bước chân cháu con từ muôn nẻo tìm về.

K.T