Báo Công An Đà Nẵng

Dấu ấn 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng Malaysia

Thứ tư, 15/12/2021 14:49

"Gia đình Malaysia" là cụm từ Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nhắc đến nhiều trong bài phát biểu đầu tiên trước người dân sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Ông Ismail Sabri Yaakob tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia tại Hoàng cung, ở Kuala Lumpur ngày, 21-8. Ảnh: Strait Times

Khi Thủ tướngYaakob tuyên thệ nhậm chức cách đây hơn 3 tháng, Malaysia đang ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 và quốc gia này đang quay cuồng với những chia rẽ chính trị sâu sắc. Kỳ vọng rất thấp đối với Ismail, thủ tướng thứ ba của quốc gia trong 3 năm, với nhiều người coi người đàn ông 61 tuổi là một "nhà lãnh đạo lấp khoảng cách", được bầu để lấp đầy vị trí cao nhất cho đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Nhưng cho đến nay, ông Ismail đã dần chứng minh điều ngược lại.

Việc Malaysia nằm trong nhóm 20 nước có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới (80%) là kết quả đáng ghi nhận. Malaysia cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng. Những dấu ấn trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên sẽ tạo động lực để chính quyền tiếp tục nỗ lực thực hiện các dự án nhằm tiếp tục hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích và phúc lợi xã hội của người dân, theo tinh thần của Thủ tướng Ismail là "gia đình Malaysia".

Đánh giá về 100 ngày cầm quyền đầu tiên, tờ Diplomat cho rằng, sự lãnh đạo của Thủ tướng Ismail Sabri đã mang lại sự ổn định rất cần thiết, nhưng người Malaysia xứng đáng được nhận nhiều hơn nữa. Bản thân Thủ tướng Ismail cho rằng nội các đã thực hiện được khoảng 90% mục tiêu đề ra và thành quả này sẽ được tiếp tục với kế hoạch trung và dài hạn từ 6 tháng đến một năm. Ông nhấn mạnh thành công trong 100 ngày đầu tiên sẽ truyền cảm hứng để chính phủ tiếp tục phục vụ nhân dân trên tinh thần vì "gia đình Malaysia" với cam kết cao hơn, thay vì trở nên chủ quan, hài lòng với kết quả hiện tại. Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, nhà lãnh đạo này cũng chia sẻ quan điểm, đánh giá về các bộ và cơ quan ngang bộ cũng như cá nhân bộ trưởng dựa trên 3 tiêu chí: việc thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của bộ (50%), hiệu quả hoạt động của bộ trưởng (25%) và nhận thức của người dân về bộ trưởng và bộ (25%).

Theo Thủ tướng Ismail, thành công của Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 đã cho phép nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn. Đây chính là yếu tố quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế vi mô của đất nước và giúp đỡ người dân, tạo cơ sở mạnh mẽ cho sự phục hồi của đất nước khi bước sang quý cuối cùng của năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,3% trong tháng 10 vừa qua so với mức cao nhất là 5,3% ghi nhận hồi tháng 5-2020. Bên cạnh đó, Malaysia cũng chứng kiến mức tăng 56% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 8,2 tỷ ringgit trong quý 2 lên 12,8 tỷ ringgit trong quý 3-2021. Điều này đã khiến tổng vốn FDI trong 9 tháng đầu năm tăng hơn 30 tỷ ringgit, tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế đã thành công trong việc tăng FDI cho lĩnh vực sản xuất bằng cách phê duyệt các dự án trị giá 109,1 tỷ ringgit trong 100 ngày đầu cầm quyền.

Hướng tới mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chính phủ đã triển khai việc phân bổ 3,3 tỷ ringgit cho Chương trình Trợ cấp tiền lương. Chương trình đã mang lại lợi ích cho hơn 189.000 người sử dụng lao động và 1,9 triệu công nhân. Ngoài ra, trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến nhiều người mất việc làm, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bị phá sản, chính phủ đã phân bổ 8,2 tỷ ringgit để giúp đỡ khoảng 9,6 triệu người. Tính đến ngày 30-11, khoảng 156,18 tỷ ringgit trong tổng số 225 tỷ ringgit đã được giải ngân qua 4 gói kích thích kinh tế.

Các nhà phân tích chính trị tại Malaysia cho rằng, đến thời điểm hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã đạt được 90% mục tiêu chính và hiện là thời điểm thích hợp để đặt ra mục tiêu mới.

KHẢ ANH