Dấu ấn của những chiến sĩ quân hàm xanh trên vùng biên Nghệ An
Giúp người dân xóa đói, giảm nghèo
Kỳ Sơn là huyện biên giới miền Tây xứ Nghệ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống, cuộc sống còn khó khăn, lạc hậu và đói nghèo. Để giúp người dân phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể triển khai nhiều mô hình hiệu quả.
Năm 2018, Chỉ thị 681 về việc phân công đảng viên biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới được Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An triển khai. Sau 5 năm thực hiện đã có hơn 500 đảng viên được phân công phụ trách trên 2.300 hộ gia đình. Các đồn BP đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành quy định pháp luật, các đảng viên phụ trách đã tập trung hỗ trợ kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi giúp bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập một cách hiệu quả.
Đồn BP Mường Ải đã phân công 31 đảng viên phụ trách 135 hộ gia đình, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên bằng những việc làm cụ thể. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, đơn vị đã giúp người dân xây dựng mô hình như nuôi dê sinh sản, sản xuất lúa vụ Đông xuân có hiệu quả, nâng cao đời sống người dân. Hiện tại đã có 5 hộ thoát nghèo, trong đó có những hộ đạt thu nhập khá. Điển hình nhất là trường hợp của già làng Hoa Phò Ngành (1959, trú bản Xốp Lau, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn). Gần 10 năm trước, già làng Hoa Phò Ngành cùng vợ đi lên đỉnh núi C5 này nuôi gà, nuôi bò và trồng cây ăn quả. Nắm bắt được nguyện vọng này, lãnh đạo Đồn BP Mường Ải đã cử Thiếu tá Pịt Văn Mương hỗ trợ gia đình trong phát triển mô hình vườn-ao-chuồng-rừng rộng hơn 2ha. Hiện gia đình già làng Hoa Phò Ngành đã có tới 70 con gà, 15 con bò, 3 con trâu, 7 con dê, 2 ao thả cá và vườn cây ăn quả như cam, ổi, đu đủ... Già làng Ngành chia sẻ, trước đây, gia đình chỉ nuôi gà, nuôi bò theo lối tự nhiên, không biết cách phòng, tránh dịch bệnh nên đàn bò và dê của gia đình chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BP hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh đúng kỹ thuật nên đàn gia súc của gia đình phát triển tốt. “Cuối năm ngoái, nhờ các chú bộ đội hướng dẫn cách chữa bệnh lở mồm long móng mà đàn bò của gia đình tôi đã khỏi và khỏe mạnh. Hiện gia đình đã có thêm 2 ao cá do Đồn BP Mường Ải hỗ trợ giống, thậm chí còn làm vụ lúa đầu tiên trên đỉnh núi này. Trung bình thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng mỗi năm”- già làng Ngành phấn khởi khoe.
Thiếu tá Pịt Văn Mương - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn BP Mường Ải cho biết, mô hình của già làng Hoa Phò Ngành là mô hình thành công nhất của Đồn. Nhờ hỗ trợ hiệu quả, già làng Ngành đã phối hợp giúp đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật, phát triển kinh tế, từ đó hạn chế tình trạng đốt nương làm rẫy.
Góp phần giữ vững an ninh biên giới
Xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn có gần 30 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào nên công tác giữ vững an ninh biên giới luôn được Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chú trọng. Hiện đã có 260 hộ trên địa bàn nhận được sự hỗ trợ của các đảng viên BP. Các CBCS rất nỗ lực, tận tâm, kiên trì, chịu khó nên nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, nhận thức, hiểu biết pháp luật cũng được nâng lên rõ rệt.
Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng - Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chia sẻ, xã biên giới Nậm Cắn chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế nên dễ bị các đối tượng lợi dụng. Bởi vậy, việc giúp bà con thay đổi nhận thức phải kiên trì trong thời gian dài và hành động thiết thực. Thiếu tá Dũng được phân công phụ trách 5 gia đình, trong đó có 3 hộ dân tộc Khơ Mú, 2 hộ dân tộc Mông. Hàng ngày, ngoài công việc tại đồn, Thiếu tá Dũng thường xuyên xuống địa bàn giúp đỡ các gia đình phát triển kinh tế, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật. Nhờ sự tận tụy, kiên trì nên dù chỉ mới được nhận nhiệm vụ trong thời gian ngắn, Thiếu tá Dũng đã được bà con yêu quý, xem như thành viên trong gia đình.“Trước hết, để hiểu được đồng bào thì phải học tiếng đồng bào và phong tục tập quán của họ thì mới biết được họ nghĩ gì, cần gì. Mỗi CBCS phải thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc)” – Thiếu tá Dũng cho hay.
Chị Ngô Thị Hương, bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn cho biết: “Các cán bộ BP giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình. Không chỉ giúp bà con hiểu hơn quy định pháp luật, không vượt biên trái phép, không nghe lời những người xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó còn hỗ trợ lợn giống để phát triển kinh tế, hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc vật nuôi để phòng, trừ dịch bệnh. Vì vậy, bà con dân bản rất vui và vô cùng biết ơn”.
Việc đưa đảng viên BĐBP về phụ trách các gia đình có ý nghĩa rất lớn. Nhờ đó, dù là địa phương có nhiều nguy cơ về ANTT nhưng nhiều năm liền Nậm Cắn đều là xã sạch ma túy. “Đây thực sự là cầu nối gắn kết tình quân dân, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” - ông Lang Thanh Lương, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn, đánh giá.
Dương Hóa