Báo Công An Đà Nẵng

Dấu ấn “Đà Nẵng xưa”

Thứ hai, 07/08/2017 12:37

Theo thống kê của các nhà chuyên môn, hiện nay, Đà Nẵng còn lại 16 công trình công cộng và khoảng  64 công trình nhà ở tiêu biểu được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu, cổ truyền và Đông Dương (thời điểm từ năm 1900 đến năm 1954) đang có giá trị sử dụng và để lại dấu ấn nhất định trong đời sống văn hóa của người dân thành phố. Nhiều người nói, dù Đà Nẵng có  hiện đại thế nào đi nữa thì những vẻ đẹp kiến trúc thuộc vào hàng mẫu mực, cổ điển, tiêu biểu cách đây hàng trăm năm vẫn không bao giờ cũ!

Bảo tàng Điêu khắc Chăm. 

Dọc theo đường Bạch Đằng ngày nay, ngoài trụ sở HĐND-UBND thành phố, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, Công ty CP Cung ứng vận tải biển... còn có 11 công trình nằm trên các tuyến đường khác được đưa vào danh sách các công trình công cộng cần bảo tồn là trụ sở của các cơ quan: Bảo tàng Điêu khắc Chăm (xây dựng năm 1915), Hội Liên hiệp phụ nữ (1920), Sở Tài chính (1920), Chi nhánh Viettrans Đà Nẵng (1900), Trường tiểu học Phù Đổng (1890)...

Một lần nào đó hối hả, ngược xuôi giữa những lòng phố mới nhộn nhịp, đông đúc, nếu tình cờ lạc vào một lối nhỏ khuất sau đường Phan Thanh, bạn sẽ thật bất ngờ khi đứng trước một ngôi nhà cổ kính rêu phong, như dấu lặng trong dòng nhạc tươi vui. Cũng tựa các ngôi nhà cổ Hội An, ngôi nhà của ông Nguyễn Duy Khương (tổ 34, P.Thạc Gián, Đà Nẵng) có phần cấu trúc cơ bản tương đối còn nguyên vẹn. Nhà xây theo lối 3 gian, hai chái, với 20 cột, vĩ kèo chạm trổ tinh vi. Hai cột chính vẫn còn treo hai bức liễn chữ Hán chạm trên gỗ mừng tân gia ngày xưa. Nối liền ngôi nhà còn một bộ phận được cấu trúc bằng gạch vôi khá đồ sộ và đẹp mắt. Thời điểm ấy, ông Khương còn có một người chị cả (ngoài 90 tuổi) cùng sống với gia đình. Họ cho biết khi sinh ra, ngôi nhà đã có từ lâu, nên dù chưa xác định rõ thời gian, vẫn có thể khẳng định được nó ra đời từ hơn 100 năm.

Thuở ấy Đà Nẵng còn hoang sơ lắm, nhiều người qua lại thường nhắc đến tên gọi "kiệt ông Hương" (tên của thân sinh ông Khương - người lập ra ngôi nhà) để làm mốc chỉ con đường ngang qua khu vực Bàu Thạc Gián đầy lau cỏ. Cũng nằm trên khu vực Thạc Gián, còn có hai ngôi nhà cổ xây dựng cùng thời với nhà ông Khương (kiệt đường Đặng Thai Mai). Một ngôi nhà của chủ nhân tên Hối, và một nhà của ông Thủ Sắt (gần đây do ảnh hưởng việc sửa chữa quy hoạch, nên nhà ông Thủ Sắt đã tháo dỡ). Ngôi nhà 84-Hoàng Diệu do ông Lê Ban làm chủ, lại thiết kế khá đặc biệt: phần tiền sảnh và các bờ tường xây ảnh hưởng nét kiến trúc Pháp, bên trong và các cửa, ngõ lại cấu trúc bằng gỗ. Nhà xây dựng vào khoảng năm 1911. Có lẽ, đây là một trong những ngôi nhà tiêu biểu thiết kế đan xen giữa mô-típ kiến trúc thời Đông Dương. Đặc biệt, ngôi nhà số 56- Trần Quốc Toản ở ngay trung tâm thành phố, đến nay vẫn giữ nguyên vẹn dáng dấp của một biệt thự thời xưa…

Nhìn chung, phần lớn diện mạo kiến trúc làm nên một “Đà Nẵng xưa” thường mang dấu ấn sự hòa  trộn hiện đại Pháp và truyền thống Việt được mang tên: Kiến trúc Đông Dương. Theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, từ khoảng năm 1888, khi người Pháp đã "vững chân" trên đất Đông Dương, họ bắt đầu xây dựng các công  trình kiến trúc ở các khu trung tâm tỉnh lỵ (tập trung nhiều nhất là Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế...). Tại Đà Nẵng có thể dẫn  chứng nhiều kiến trúc theo phong cách này còn tồn tại đến ngày nay như Bảo tàng điêu khắc Chăm, các trụ sở hành chính trên đường Bạch  Đằng như UBND thành  phố, UBMTTQVN, Tòa án Nhân dân…

Ngôi nhà số 56 đường Trần Quốc Toản.

Phong cách kiến trúc Đông Dương là sự hòa trộn yếu tố hiện đại và yếu tố truyền thống phù hợp khí hậu, tập quán thẩm mỹ người Việt Nam. Những năm gần đây các nhà văn hóa, kiến trúc từ nhiều trường phái khác nhau đánh giá rất cao phong cách này, được coi là thành công mà nói theo thuật ngữ ngày nay là "Hòa nhập mà không hòa  tan". Gần đây, tại một Hội thảo, PGS. TS.KTS. Trần Văn Khải đã có bài trình bày về chủ đề "Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị", ông cho biết: “Có 2 phương pháp bảo tồn di sản kiến trúc– đô thị là: bảo tồn như một công trình kiến trúc thuần túy, áp dụng cho những công trình chỉ mang tính trưng bày hoặc bảo tồn như một vật thể sống, bao gồm bảo tồn công trình cùng với các yếu tố con người, môi trường vật chất xã hội, xét đến các cơ chế và yếu tố tạo ra sức sống của công trình. Dự án bảo tồn di sản chỉ bền vững khi có thể tự tạo ra nguồn thu để duy trì sự tồn tại của mình bằng việc tạo cho các công trình di sản một công năng hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo tồn và hình thức kiến trúc. Không nhất thiết phải khôi phục y nguyên công năng cũ nếu không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội mới”.

Cảm ơn “Đà  Nẵng  xưa” đã cho ta tìm  lại những  ký  ức rung động  của  một  thời quá  khứ. Tuy nhiên, Kiến trúc, nghệ thuật tổng hòa, không chỉ thể hiện ở tâm hồn, tư duy khát vọng con người mà còn phản ánh phương thức sản xuất, trình độ khoa học kỹ thuật. Hy vọng trong tương lai, các nhà  kiến trúc sẽ đem đến Đà Nẵng những không gian mới với những công trình tương lai phù hợp thẩm mỹ của một  thành  phố  hiện đại.

Trần Trung Sáng