Báo Công An Đà Nẵng

Dấu ấn khó quên của sinh viên tình nguyện

Thứ ba, 11/01/2022 21:13

Với sự hăng hái, nhiệt tình, những bạn trẻ ngành y của Trường Đại học Tây Nguyên đã xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19, để lại những dấu ấn, kỷ niệm đáng nhớ trong đời sinh viên của mình.

Em Trương Thị Lợi đang test COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Được chị gái từng tham gia chống dịch ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) “truyền lửa”, hè vừa qua, Trương Thị Lợi (sinh viên năm 5, lớp YK17A2, ngành Y đa khoa- Trường Đại học Tây Nguyên) không trở về quê mà tình nguyện lên tuyến đầu tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Tháng 6-2021, Lợi viết đơn xin tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương, trong đợt đầu, Lợi được phân về tâm dịch xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột). Xác định tham gia chống dịch phải chịu vất vả, áp lực nhưng lúc được phân đến “điểm nóng” này, em cũng không khỏi bất ngờ trước cường độ làm việc liên tục, ít khi nghỉ ngơi. Những ngày ca cộng đồng tại địa phương tăng cao không có dấu hiệu giảm, em cùng các bạn phải làm việc hết công suất để truy vết F1, F2; test COVID-19 cho những người cách ly tại nhà; hỗ trợ hướng dẫn người dân từ vùng dịch về khai báo y tế...

Nhớ lại kỷ niệm khó quên nhất, Lợi xúc động chia sẻ: Chiều tối 26-8-2021, lúc em đang cùng các anh chị trong tổ test lấy mẫu cộng đồng tại thôn 7 (xã Cư Êbur) thì nghe tin báo: “Xong rồi em ơi, thôn 7 có rất nhiều ca”. Giây phút đó, em run lẩy bẩy, rưng rưng nước mắt vì lo sợ. Nhưng thấy các bác dân quân, anh chị tại Trạm Y tế xã vẫn giữ tinh thần lạc quan tiếp tục nỗ lực thực hiện công việc nên em có thêm sức mạnh gác lại nỗi lo sợ, gấp gáp chuẩn bị đồ đạc để đi truy vết, lấy lời khai y tế đến tận 12 giờ đêm. Lợi tâm sự, bản thân thấy việc tham gia tình nguyện chống dịch là một cơ hội để em vừa rèn luyện kiến thức, kỹ năng học trên ghế nhà trường, vừa được góp sức nhỏ làm công việc ý nghĩa cho xã hội.

Không chỉ nhiệt huyết trong công việc tình nguyện, Lợi còn là một cán bộ lớp, có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, nhiều năm liền giành học bổng của trường. Em thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội, Đoàn trường như Hội thi Thể thao truyền thống của Khoa Y Dược, viết bài dự thi tìm hiểu Di chúc của Bác... Trong 2 năm liền (2020 - 2021), em được nhận danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" của trường.

Từ Quảng Ngãi vào học tại Đắk Lắk, em Trần Nguyễn Uyên Nhi (sinh viên năm 5, lớp YK17A2, khoa Y Dược) không về quê nghỉ hè mà ở lại làm tình nguyện viên chống dịch. Chia sẻ về lý do tham gia tình nguyện, Nhi cho hay, mẹ em cũng là điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Quảng Ngãi, những lần gọi điện về nhà, nghe mẹ kể về vất vả, áp lực khi làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Thấu hiểu sự gian khổ đó nên em quyết định góp một chút sức nhỏ của mình khi tham gia chống dịch tại địa phương. Trải qua gần ba tháng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã để lại cho em nhiều kỷ niệm đặc biệt. Những ngày đầu, em chưa có kinh nghiệm, lại được phân về tâm dịch Cư Êbur nên có phần lo lắng. Có ngày, số ca nhiễm cộng đồng lên đến 90 người, em cùng các anh chị tại Trạm Y tế xã đôn đáo chạy đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệm từng người dân. Mệt mỏi, vất vả, thậm chí có những lúc đuối sức nhưng khi hay tin địa phương không phát sinh các ca mới thì tất cả đều tan biến...

Em Trần Nguyễn Uyên Nhi đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân cách ly y tế tại TP Buôn Ma Thuột.

Với Nhi, điều đáng nhớ nhất là hình ảnh các em bé người Êđê ngoan ngoãn ngồi im cho em lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính, các em vẫn hồn nhiên khoác trên mình bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình theo chân bố mẹ lên xe vào khu điều trị. Nhìn hình ảnh đó, em vừa nể phục trước sự bình tĩnh ấy, vừa thấy thương cho tình cảnh của các bé nhỏ đã phải chịu hậu quả của bệnh dịch.

Kết thúc thời gian chống dịch tại xã Cư Êbur, Nhi chuyển qua hỗ trợ tại Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột vì các ca mắc đang tăng đột ngột. Tại đây, em may mắn được gặp chị Yến, một nhân viên của Trung tâm đầy nhiệt huyết với công việc đã khơi dậy tinh thần, động lực cho em. Những ngày số ca mắc tăng cao, trong đêm phải di chuyển nhiều nơi để truy vết, xét nghiệm, dù mệt nhoài vì đuối sức nhưng chị vẫn tiếp tục kiên trì với câu cửa miệng “chị còn làm được”. Tinh thần “thép” trong người “chiến binh” chống dịch dũng cảm này đã giúp em thêm nỗ lực hoàn thành tốt công việc tình nguyện của mình.

H.ANH