Báo Công An Đà Nẵng

Đầu bếp làng lên ngôi

Thứ hai, 15/09/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm nay, tại các vùng quê Quảng Nam nổi lên phong trào mở dịch vụ nấu ăn, ẩm thực phục vụ cho các đám tiệc. Đây là công việc phù hợp với đa số phụ nữ trong những ngày nông nhàn, lại cho thu nhập ổn định.

Nếu như cách đây chừng 3 năm, các đám cưới ở các vùng quê vẫn còn rất sơ sài do gia đình tự nấu, tự chuẩn bị thì bây giờ hầu hết đều thuê người nấu đám. Thuận tiện, giá cả phải chăng lại trình bày đẹp mắt nên dịch vụ này được nhiều người lựa chọn. Với giá dao động từ 700 đến 900 ngàn đồng/mâm đầy đủ 6 món ăn cho thực khách lựa chọn, nhiều gia đình ở nông thôn chấp nhận được. Bên cạnh đó, với những gia đình không có tiền để chi trước cho đám cưới, chỉ cần đặt cọc 1 triệu đồng là đã có thể an tâm tới ngày cưới mọi việc sẽ đâu vào đó.

Chị Nguyễn Thị Lợi- chủ cơ sở nấu ăn Dũng Lợi- tự tay chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tại các vùng quê Quảng Nam, những dịch vụ nấu ăn hầu hết "bao thầu" cả cho thuê bàn ghế, rạp, chén bát, phông màn... nên chỉ cần một cú điện thoại đã có thể an tâm mọi việc được chuẩn bị đầy đủ chỉ việc đợi đến ngày cưới. Chính vì thế, các dịch vụ phục vụ đám tiệc cần nhiều nhân công, thu hút được một số lượng lớn người tham gia, đặc biệt là những phụ nữ trung niên.

Dịch vụ nấu ăn Dũng Lợi tại xã Duy Châu (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đã ra đời được hơn 3 năm và là địa chỉ tin cậy của rất nhiều người trong vùng. Với sự tỉ mẩn trong khâu chế biến, chọn lựa thực phẩm cũng như sự khéo léo trong nấu ăn, dịch vụ Dũng Lợi luôn đáp ứng được yêu cầu ngon-rẻ-đẹp của các "thượng đế" nông thôn vốn kỹ tính.

"Giám đốc" dịch vụ Dũng Lợi- chị Nguyễn Thị Lợi- cho biết, cơ sở nấu ăn của chị không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo được công ăn việc làm cho những chị em khác tại xã. Những phụ nữ này hầu hết đã tứ tuần nên không thể đi may, làm công nhân ở các xí nghiệp. Họ về "đầu quân" cho dịch vụ của chị Lợi, mỗi ngày có thể thu nhập 200 đến 300 nghìn đồng mà các công việc nhà nông không thể có được.

"Nấu ăn là cả một nghệ thuật, nhất là nấu cho hàng trăm hàng ngàn người như đám cưới thì lại càng phải cẩn trọng, chi tiết. Chín người mười ý, người ăn lạt người ăn mặn nên phải khéo léo mới có thể chiều lòng được khách hàng. Có những ngày nhiều đám nhà tôi nhận từ 4-5 đám cưới cùng một lúc thì số lượng người làm lên đến gần cả trăm người, phải huy động hết lực lượng trong xóm mới đủ", chị Lợi tâm sự.

Người phụ nữ này tham gia dịch vụ nấu ăn với mức thù lao từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày.

Những dịch vụ nấu đám mở ra ngày càng nhiều thì càng góp phần tiêu thụ những sản phẩm nông sản làm ra ở nông thôn. Có những người là "mối quen" cung cấp rau sạch, gà vườn, nếp cho những cơ sở như của chị Lợi và làm ăn ngày càng khấm khá. Chị Vương, chuyên làm gà cho dịch vụ Dũng Lợi, cho biết: "Ngoại trừ tháng 7 âm ra thì tháng nào cũng nhiều đám cưới. Mấy chị em tôi xúm lại làm gà để chị Lợi nấu cho kịp, làm cả trăm con gà một buổi là chuyện bình thường".

Biết tính toán, nỗ lực làm việc dịch vụ nấu ăn của chị Lợi ngày càng được nhiều người biết đến, có những người ở tận Đà Nẵng, Tam Kỳ biết tiếng chị vẫn tìm đến. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng 3 năm, chị Lợi đã gầy dựng được một cơ ngơi kha khá, cho con đi du học ở Mỹ.

Tiếp sau sự thành công của dịch vụ nấu ăn Dũng Lợi, trên địa bàn xã Duy Châu nhiều dịch vụ khác cũng liên tiếp mọc lên. Nhiều cơ sở đầu tư mua sắm nhiều vật dụng phục vụ cho đám tiệc sang trọng hơn đẹp mắt hơn như dịch vụ Bảy Chè, Kim Phượng, Sang Nở...

Cũng như trong mọi công việc nghề nấu đám tiệc, tưởng dễ mà cũng nhiều rủi ro. Trong số những pha "tai nạn nghề nghiệp" chị Lợi nhớ nhất là lần nấu đám cưới cho một gia đình mà chú rể và mẹ kế vốn có xích mích với nhau. Đám cưới phát sinh thêm 5 mâm, chị Lợi đã lo đầy đủ nhưng đến lúc trả tiền thì chú rể và mẹ kế đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Người này cho rằng bạn của mẹ thì mẹ phải trả còn mẹ kế thì cho rằng đám cưới ai người nấy chịu. Lần ấy chị Lợi mất trắng tiền 5 mâm cỗ. Đó là chưa kể, dù chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến được chị Lợi xem xét rất kỹ, nhưng khi ăn cũng có tiếng ra tiếng vào. "Những lúc như vậy tôi phải lặng lẽ tìm đến tận nhà người "chê" để hỏi sự tình.

Hóa ra, cũng chỉ là vài người "nhạt mồm, nhạt miệng" hay có ai đó trong dịch vụ cưới khác đến "nói khích" cho vui. Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy cả. Thức ăn liên quan đến sức khỏe của con người, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đâu dễ nói chơi được", chị Lợi tâm niệm.

Được làm công việc yêu thích và... đúng sở trường, ngày càng có nhiều phụ nữ nông thôn mở cơ sở dịch vụ nấu ăn, hoặc chí ít cũng góp cổ phần hay tham gia giúp việc. "Việc chạy không hết. Có hôm phải từ chối mối tiệc, rồi giới thiệu cho cơ sở khác nhận làm thay. Bà con nông thôn mình bây giờ cũng muốn dành nhiều thời gian cho ruộng đồng nên hay chọn dịch vụ cho khỏe", chị Lợi phấn khởi.

Hà Dung