Dấu chấm hết cho nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ?
(Cadn.com.vn) - 4năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ được phương Tây xem như một hình mẫu của thế giới Hồi giáo: một nền dân chủ được hình thành sau khi chính phủ đàm phán với người Kurd. Ankara được xem như cái neo của sự ổn định tại khu vực Trung Đông bất ổn. Tuy nhiên, theo chỉ số cai trị luật pháp do Dự án Bình đẳng thế giới công bố tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 99 trong 113 nước, sau cả Iran và Myanmar. “Đó là sự kết thúc của nền dân chủ.
Những gì đã xảy ra?
Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ các nhân vật mà Ankara cho là có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính và đang sống tại Mỹ. Trong tuần qua, hai thị trưởng thành phố Diyarbakir có đông người Kurd nhất nước, bị bắt vì bị cáo buộc liên kết với đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây cho là nhóm khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành sa thải công chức, cảnh sát, học giả nhằm loại bỏ những người trong bộ máy nhà nước hay ở những vị trí chủ chốt ủng hộ giáo sĩ Gulen. Hôm 30-10, hơn 10.000 công chức bị sa thải. Cho đến nay, số lượng công chức bị đình chỉ hoặc miễn nhiệm lên đến 100.000 người. Ngoài ra, 37.000 giáo sĩ bị bắt giữ với cáo buộc có liên quan đến ông Gulen.
Trong tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ban bố một sắc lệnh mới, cho phép Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trực tiếp bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học, thay vì được bầu như trước đây. Cho đến nay, khoảng 170 tờ báo đã bị đóng cửa. Các biên tập viên, người vẽ tranh biếm họa, và các nhân viên tại tờ báo chính thống lâu đời nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Cumhuriyet, bị bắt giữ về tội hỗ trợ PKK và ông Gulen. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo và một số nghị sĩ của đảng chính trị lớn thứ ba đất nước ủng hộ người Kurd đảng Dân chủ Nhân dân (HDP), bị bắt với cáo buộc liên quan đến PKK. Những người ủng HDP cho rằng đây là nỗ lực nhằm đẩy HDP ra khỏi quốc hội và gia tăng sức mạnh của ông Erdogan.
Biểu tình sau khi biên tập viên nhật báo Cumhuriyet bị bắt. Ảnh: BBC |
Bạo chúa hay vị cứu tinh?
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dân chủ? Điều này phụ thuộc quan điểm của các bên tại đất nước phân cực này. Các nạn nhân của các cuộc thanh trừng sau cuộc đảo chính, cánh tả, thế tục và các nhà chỉ trích Tổng thống Erdogan cho rằng, nền dân chủ đã chết từ lâu, kể từ khi ông Erdogan trục xuất hoặc bỏ tù các đối thủ và chỉ chọn những người trung thành vào bộ máy nhà nước.
Nhưng nửa còn lại của đất nước ủng hộ ông Erdogan, cho rằng ông đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tốt hơn, bệnh viện và trường học được xây dựng, mức độ đe dọa của khủng bố không cao như các nước trong khu vực dù có chung đường biên giới Iraq và Syria.
Cuộc biểu tình phản đối đảo chính đêm 15-7 của những người ủng hộ chính phủ là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 240 người thiệt mạng khi chống lại xe tăng và ngăn những người đảo chính tiếp quản đất nước. Họ muốn chọn các nhà lãnh đạo tại các thùng phiếu chứ không phải bằng cách dùng súng.
An Bình
(Theo BBC)