Báo Công An Đà Nẵng

Đâu chỉ là chuyện thi cử

Thứ sáu, 04/07/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Sáng qua (3-7), cùng với cả nước, 22.280/26.855 thí sinh (TS) đăng ký dự thi đợt I vào các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi. Tại các điểm thi này, chúng tôi tình cờ bắt gặp những câu chuyện xúc động về tấm gương hiếu học và nghị lực của TS khiếm thị, về tấm lòng của người thân trong quá trình đồng hành cùng TS có những phận đời kém may mắn và nghĩa cử của người Đà Nẵng dành cho các thí sinh...

PSG-TS Trần Văn Nam kiểm tra công tác hướng dẫn tại các HĐT.

Nghị lực của thí sinh khiếm thị

Có mặt tại HĐTS ĐHĐN sáng 3-7, chúng tôi xúc động trước hình ảnh cậu học trò khiếm thị Trần Phú (1988, quê Đông Hòa, Phú Yên)- HS trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) - được bác Nguyễn Văn Tâm, một phật tử tình nguyện tiếp sức mùa thi đưa đến HĐTS ĐHĐN để xin xét đặc cách tuyển thẳng vào khoa Tâm lý học Trường ĐHSP Đà Nẵng. Nghe Phú kể về cuộc đời mình, chúng tôi khâm phục vô cùng trước nghị lực sống của em.

Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo đông con ở tỉnh Phú Yên, lên 10 tuổi, một bên mắt của Phú tự nhiên không nhìn thấy gì nữa. Gia đình đưa đi khám thì mới biết em có vấn đề về mắt, buộc phải mổ. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên cha mẹ em chưa có điều kiện đưa em đi mổ. Hai năm sau ngày phát hiện bệnh, con mắt còn lại cũng mờ dần rồi tối hẳn. Học hết tiểu học ở Phú Yên, em được gia đình chuyển ra Đà Nẵng học tại trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Được học và ở miễn phí nhưng do là học sinh ngoại tỉnh nên phải tự lo chi phí sinh hoạt. Thương cha mẹ ở xa, nhà nghèo khó, nên để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, ngoài giờ học, Phú học massage, làm tăm tre để kiếm thêm tiền... Được sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của thầy cô, Phú không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, bất hạnh và sự thiệt thòi của bản thân để khẳng định mình. Thời gian học ở trường đến khi hòa nhập tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, em đều là học sinh giỏi, lớp 9 và lớp 11 giải nhất Văn TP, lớp 10, 12 đạt giải nhì Văn TP, đạt  giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho người khuyết tật cấp thành phố và cấp quốc gia năm lớp 9... Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch HĐTS ĐHĐN năm 2014- xúc động nói: “Xem xét hồ sơ của em, chúng tôi nhận thấy, em Phú không những học lực tốt, học đều các môn mà còn có đạo đức tốt, lối sống đẹp. Với ước mơ được trở thành một nhà tâm lý học là một ước mơ đáng trân trọng, thể hiện một lối sống đẹp, tích cực... Bản thân gia đình em lại là ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Xét tất cả các yếu tố trên, em xứng đáng được đặc cách tuyển thẳng vào trường ĐHSP khoa tâm lý theo nguyện vọng”. Được biết, ngoài Phú còn có TS Hồ Thị Mỹ Vân (1996), xin được đặc cách tuyển thẳng với lý do HS khiếm thị, là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Do trong sáng 3-7, TS này không có mặt tại HĐTS ĐHĐN để kiểm tra, xác minh, nên ĐHĐN chưa có quyết định đặc cách tuyển thẳng trường hợp này. Nếu đúng như trong hồ sơ thì Vân cũng sẽ được xét tuyển thẳng.

“Hỗ trợ hết mình - tình nguyện hết sức” các tình nguyện viên tham gia chương trình tiếp sức mùa thi 2014 luôn sẵn sàng hỗ trợ thí sinh. 

Bà nội đưa cháu đi thi

Tại HĐT Trần Phú, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lan (66 tuổi) quê Quế Sơn (Quảng Nam) đang ngồi chờ cháu nội Võ Thị Anh Thương làm thủ tục thi. Bà Lan cho biết, đây là lần thứ 2 bà dẫn cháu đi thi. Cách đây hơn 3 năm, bà từng đưa đứa cháu nội đầu đi thi Cao đẳng Y. Khi chúng tôi hỏi vì sao không phải là cha mẹ cháu đưa cháu đi thi,  bà Lan rơm rớm kể: “Ba mấy đứa nhỏ mất hồi năm 2001. Mẹ chúng phải làm đủ mọi nghề từ phụ thợ hồ đến trồng keo để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Tui làm nghề bán bánh bột lọc ở tận Khâm Đức (Phước Sơn), phụ giúp thêm con dâu nuôi 3 cháu. Đứa lớn mới ra trường, chừ thì đứa thứ 2 đi thi đại học, thằng út đang học lớp 10. Mẹ nó phải đi làm mới có tiền lo cho sắp nhỏ. Hôm tui và cháu Thương xuống Đà Nẵng ở nhờ nhà người quen tại đường Lê Duẩn, mẹ cháu chỉ còn 200.000 đồng để đưa cho hai bà cháu xuống phố thi, tội lắm! Cũng may là mấy cô, người thân cho thêm ít để phụ vào... Từ sau Tết đến nay tui chẳng buôn bán, làm bánh được do phải ra Đà Nẵng mổ 2 mắt hết 8 triệu đồng”.

 Anh Zơrơm Chung và con gái được các nhà sư chùa Quang Minh đưa vào chùa ăn, ở miễn phí trong kỳ thi.

Nghĩa tình mùa thi

Từ xã miền núi Atiêng (Tây Giang – Quảng Nam) anh Zơrơm Chung đưa con gái Zơrơm Thị Trâm đến Đà Nẵng dự thi. Khi đến bến xe Đà Nẵng, hai bố con anh được Phân ban gia đình phật tử Đà Nẵng đón vào chùa Quang Minh. Anh tâm sự - “Gia đình mình còn khó lắm, nên trước khi dẫn cháu xuống đây mình rất lo, chẳng biết ăn ở chỗ nào. May nhờ được các sư thầy cho vào chùa ở, còn được lo ăn nữa nên mình không còn lo nữa, vui lắm”. Anh Dương Văn Hà – phân ban gia đình phật tử Đà Nẵng cho biết, đã đón 22 TS và người nhà vào ở trong chùa Quang Minh (P. Hòa Minh). Trong những ngày tại đây, thí sinh và người nhà sẽ được lo ăn ở miễn phí, đến ngày thi những em thi ở hội đồng xa thì sẽ có xe đưa đón.

“Hoạt động này, chúng tôi đã thực hiện được 7 năm nay, mong muốn giúp các em thí sinh và người nhà không phải lo về chỗ ăn ở, để yên tâm thi tốt” – anh Hà nói. Còn bạn Nguyễn Thanh Thuận – tổ trưởng tổ xe ôm tình nguyện tại Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng – cho biết những ngày qua tổ đã chở rất nhiều TS tìm đến phòng trọ miễn phí và giá rẻ, và tại điểm tiếp sức các tình nguyện viên đã phân phát thức ăn, nước uống cho TS và người nhà. “Chúng em chia nhau trực từ sáng sớm và đến 10 giờ đêm để hỗ trợ TS và người nhà. Với phương châm hỗ trợ hết mình, nhiệt tình hết sức – các tình nguyện viên chúng em hy vọng những việc làm này sẽ giúp các TS không phải lo lắng, chuẩn bị tinh thần tốt để thi”.

Nghĩa tình người dân Đà Nẵng dành cho các sĩ tử được thể hiện qua những việc làm thiết thực như thế.

TS khiếm thị Trần Phú
 Bà Nguyễn Thị Lan trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh: P.T

Phan Thủy - Hoàng Anh