Báo Công An Đà Nẵng

Đau đáu Gạc Ma

Thứ tư, 14/03/2018 11:30

Ngày 13-3, những người đồng chí, đồng đội và thân nhân thành kính tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. Buổi lễ được tổ chức theo nguyện vọng của CBCS Hải quân thuộc Lữ đoàn 83 Công binh đã từng công tác, chiến đấu trong chiến dịch CQ88 tại Quần đảo Trường Sa.

Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: Công Khanh 

Những người bất tử

Ngay từ sáng sớm, tại cơ sở đóng tàu của ông Nguyên Tiến (một cựu binh Trường Sa), nghi lễ cầu siêu đã được tiến hành trang nghiêm và thành kính. Ngoài 85 cựu binh, thân nhân các liệt sĩ, rất đông người dân cũng đã xúc động khi thắp những nén hương cho những người đã ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma bằng chính giọt máu và sinh mạng của mình. Xúc động đọc bài vị của 64 liệt sĩ, bà Lê Thị Lan (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) khóc nấc lên khi nhìn thấy tên con mình là liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc. Bà vừa khóc vừa như thủ thỉ với đứa con trai hiếu học, siêng năng nhưng khi nghe loa phóng thanh kêu gọi thanh niên nhập ngũ, đi bảo vệ Trường Sa thì đã bỏ lại tất cả để lên đường. "Thời gian đầu mới nhập ngũ, nhà bị sập do bão, Lộc xin phép thủ trưởng về sửa cho mẹ trước khi lên đường đi Trường Sa. Xong thì bị trễ, sợ bị kỷ luật nên nằng nặc bắt mẹ dẫn vào đơn vị. Mấy ngày sau, cầm chiếc chăn mỏng mẹ gửi trước khi lên đường ra đảo, Lộc nói lần này con đi lâu lắm. Ai ngờ nó và anh em ở lại ngoài đó luôn, không về với mẹ nữa", bà Lan nghẹn ngào.

Bà Lê Thị Lan nghẹn ngào bên bài vị của con trai và đồng đội. 

Xúc động thắp nén nhang cho em trai, bà Phan Thị Lê, chị của liệt sỹ Phan Văn Sự kể, suốt 30 năm qua, thân nhân của 64 liệt sĩ đều có những cảm giác rất giống nhau. Cứ tới gần ngày 14-3 là hầu như hình ảnh người thân của mình lại hiện về trong mỗi giấc mơ, rất rõ, từ gương mặt, tiếng nói, dáng đi. "Sự đi 30 năm rồi không về, nhưng cả nhà chúng tôi không thể quên được gương mặt của em, hiền lành nhưng rất rắn rỏi. Cứ đến gần ngày giỗ, mỗi gia đình của 64 liệt sĩ luôn có cảm giác các em ấy lại về. Rất trùng hợp là 30 năm kể từ khi các em nằm xuống, ngày 14-3 năm nay cũng trùng với ngày giỗ theo ngày âm lịch. Cũng ấm lòng khi đồng đội chiến đấu một thời cùng có mặt", bà Lê tâm sự.

Trước bài vị của những chiến sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma và làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa, hàng trăm người là đồng đội, thân nhân của các liệt sĩ đã thành kính cùng cầu nguyện cho linh hồn các anh được siêu thoát, lãnh thổ đất nước toàn vẹn.

Các nữ chiến sĩ hải quân khẩn cầu cho linh hồn các liệt sĩ siêu thoát.

"Chúng tôi phải sống xứng đáng"

Xúc động trong vòng tay những người đồng chí, đồng đội năm xưa, ông Lê Văn Đông, một trong 9 chiến sĩ may mắn sống sót nhưng bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh trong trận hải chiến Gạc Ma (hiện sống tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tâm sự, bao năm qua ông vẫn đau đáu nhớ về Trường Sa, về Gạc Ma và mong có một ngày hội ngộ với các anh em còn sống, đi thắp hương cho 64 đồng chí đã nằm xuống. "2 người vì đau ốm, bệnh tật do các vết thương ngày đó đã qua đời, chúng tôi giờ chỉ còn 7 anh em. Mình còn sống là do phúc của 64 anh em để lại, may mắn lắm rồi". Ông Đông kể, khi các đồng đội của mình ngã xuống dưới làn mưa đạn của tàu chiến Trung Quốc thì ông và một số người đang khiêng vật liệu chưa kịp ra khỏi tàu. Nhưng tất cả cũng ngất đi trong tàu HQ604 vì trúng quá nhiều đạn trong tư thế trong tay không có một tấc sắt. Đến khi tàu chìm dần thì tất cả đều phải nén đau cột tay mình vào phao cứu sinh rồi gần như ngất lịm, lênh đênh trên biển. "Tàu Trung Quốc lúc đó thấy tay chúng tôi cột vào phao cứ nghĩ là có vũ khí nên không dám tiếp cận. Chỉ đến khi chúng tôi lả đi thì họ tới và ra hiệu phải đầu hàng. Không ai trong số chúng tôi làm điều đó cả. Sau này, trong mê man, chúng tôi còn nghe được họ nói với nhau là "lính Việt Nam không biết đầu hàng", ông Đông nhớ lại.

 Cựu binh Lê Văn Đông và Nguyễn Văn Thống (giữa) là 2 người bị bắt làm tù binh trong trận hải chiến Gạc Ma.

Trong cuộc hội ngộ xúc động, ông Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 tâm sự, đây là nguyện vọng của CBCS Hải quân thuộc Lữ đoàn 83 Công binh đã từng công tác, chiến đấu trong chiến dịch CQ88 tại Quần đảo Trường Sa. "Không chỉ cầu siêu cho anh linh các đồng đội, chúng tôi luôn nhắc nhớ bản thân mình cũng như các thế hệ biết và nhớ về sự hy sinh của những người đã nằm xuống cho hòa bình, thống nhất hôm nay. Với chúng tôi, dù mỗi người một cuộc sống nhưng ai cũng biết đó là phúc phần do đồng đội mình để lại, bằng xương máu. Nên phải cùng nhau sống xứng đáng hơn", ông Tấn chia sẻ. Hôm nay (14-3), sau khi tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm trận hải chiến Gạc Ma, các thế hệ CBCS Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988 sẽ có cuộc gặp gỡ thân mật ôn lại truyền thống của Lữ đoàn 83 Công binh.

Công Khanh

* 30 năm trước, vào ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép đảo đá Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường và tạo thành vòng tròn bất tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc được cắm trên đảo. Trong thế chênh lệch về con người và vũ khí, các chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng.