Đầu gò những ngày cuối năm
(Cadn.com.vn) - Ông Lê Văn Lộc, Bí thư chi bộ thôn Đầu Gò (xã Đại Sơn, H. Đại Lộc, Quảng Nam) đón chúng tôi bằng những tứ thơ buồn của bài thơ với tựa đề "Chờ đò" do chính ông sáng tác: "...Tôi đứng lặng chờ đò để sang sông/Lòng đau xót thấy dòng sông nước đỏ...". Ông Lộc bảo, quê ông là thế đó, không biết bao đời rồi, đến nay vẫn thế, ngày nối ngày làng xóm hắt hiu, chỉ có những tiếng gọi đò mới như phá tan, bừng tỉnh ngã ba sông u buồn này...
Tôi dám khẳng định rằng, thôn Đầu Gò là một làng quê xa xôi nhất, cách biệt nhất, khó khăn nhất, gian nan nhất... ở các địa phương gọi là "đồng bằng" ở tỉnh Quảng Nam. Đầu Gò nằm bên ngã ba sông Bung và sông Thành Mỹ (sông Cái) đổ về hợp lại thành dòng Vu Gia. Làng tựa lưng vào núi, nhìn ra ngã ba sông, nguyên là căn cứ cách mạng với địa danh "Đồi Sim" nổi danh một thời đánh Mỹ, có đội du kích đã từng bắn rơi máy bay Mỹ, chặn đứng hàng chục trận càn khốc liệt của Mỹ ngụy càn quét đánh phá con đường huyền thoại Trường Sơn năm xưa.
Ngôi làng nhỏ xíu, heo hút này có 5 gia đình có công với cách mạng, 2 liệt sĩ, một bà mẹ đang đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Nổi danh thế, nhưng mấy chục năm qua, làng dường như vẫn chìm trong "quên lãng". Nếu đi từ trụ sở UBND xã Đại Sơn sang phải mất tới 2 lần qua đò, nếu đi từ QL14B từ Đà Nẵng lên Nam Giang, nửa đường ghé vào Đại Sơn, tìm tới Đầu Gò cũng phải mất cả tiếng đợi đò. Bao đời nay, chỉ có đò mới tới được làng, chả trách ông Bí thư Lộc trăn trở, tâm đắc với bài thơ "Chờ đò" của mình đến thế! Chúng tôi tìm đến làng sau khi đã khản tiếng gọi đò để qua được sông, vậy nhưng làng vắng hoe hoắt, chỉ có lũ trẻ nhỏ nghịch nước dưới bến sông bên mấy con thuyền cắm sào buồn bã...
Trên làng cũng vậy, chỉ có vài người già với trẻ con thơ thẩn bên những túp nhà tranh, thanh niên cùng những người khỏe mạnh đều lên rẫy. Chỉ còn mười mấy ngày nữa là tới Tết, nhưng có lẽ mùa xuân còn lâu mới hiện hữu ở nơi đây. Ông Lê Văn Lộc cho biết, thôn có 66 hộ dân với 247 nhân khẩu, nghề nghiệp làm rẫy. Có tới 45 hộ nghèo, còn lại là "cận nghèo", ông Lộc cười buồn: "Gọi cận nghèo cho nó "sang", chứ thực ra những hộ ấy cũng là hộ nghèo cả thôi, nhưng vì họ là gia đình chính sách, hàng tháng được nhận tiền trợ cấp chế độ, nên được "xóa nghèo"!.
Làng có nhiều cái "không" nhất, như trên đã nói, không đường giao thông, kế đó là không điện, làng chỉ có một chiếc máy nổ, bà con tự góp tiền mua dầu, mỗi ngày phát điện 2 tiếng từ 6 giờ đến 8 giờ, vừa đủ ánh sáng để ăn cơm sau một ngày lao động mệt mỏi. Không hệ thống nước sạch, cả làng chỉ có duy nhất một giếng nước. Ông Lộc bảo, trước kia còn có hệ thống nước tự chảy bà con dẫn ống từ con suối trên núi sau làng, nhưng bây giờ suối bị nhiễm thuốc trừ sâu từ các rẫy trồng dứa, trồng màu nên không dùng nước được nữa. Ngày xưa còn có thể xuống sông tắm giặt, gánh nước về ăn, nhưng hơn chục năm qua, từ khi có các công trình thủy điện, nước sông lúc nào cũng đục ngầu, vậy là chịu.
Cái không thứ tư nữa là không trạm xá, làng chỉ có một trạm sơ cứu, do chị Lê Thị Bích Ngọc phụ trách, nhưng trang thiết bị duy nhất cũng chỉ là hộp xi lanh tiêm và hai chiếc giường gỗ mục gãy, chỉ dành cho mấy người say rượu vào ngủ trưa. Chị Ngọc cười buồn, giao thông cách trở, điện nước không có, mỗi khi làng có người bệnh, biện pháp duy nhất là bằng mọi cách phải nhanh chóng vượt sông đưa ngay xuống bệnh viện huyện, năm nào cũng có mấy trường hợp các chị đẻ rơi, may mà không xảy ra mệnh hệ gì... Và còn rất nhiều cái "không" nữa.
Những đứa trẻ thôn Đầu Gò, Đại Sơn, Đại Lộc vui chơi bằng cách ra sông chèo thuyền, nghịch nước. |
Cả ông Lộc và chị Ngọc đều thú thật với chúng tôi, không có nghề nào khác, thanh niên ở thôn ngoài việc làm rẫy là lên rừng khai thác gỗ lậu. Cả thôn cũng không có bất kỳ một mô hình chăn nuôi, hay phát triển kinh tế gì cả, có mấy con trâu cũng chỉ dùng để lên rẫy kéo cộ thu hoạch dứa và... kéo gỗ. Thương nhất là lũ trẻ nhỏ của thôn, cả thôn có 21 em nhỏ từ mẫu giáo đến lớp 5, với một điểm trường 2 phòng học, 2 cô giáo phụ trách ở ngay tại thôn, hôm chúng tôi tới thôn, mới là chiều thứ 5 trong tuần, nhưng cô giáo đã đóng cửa trường để về nghỉ cuối tuần, lũ trẻ chỉ còn biết tha thẩn bên những triền bãi sông nghịch nước.
Có 6 em học cấp hai, 6 em học cấp 3, đều phải cõng gạo xuống trọ ở trung tâm xã, thị trấn huyện để theo học bán trú, khó khăn thế, nhưng lũ trẻ ở Đầu Gò lại học rất giỏi, đã có 2 em vào đại học, cao đẳng, 4 em đang theo học các trường trung cấp dạy nghề, nhiều em khác cũng ao ước được học lên cao nữa, nhưng ngặt nỗi gia đình quá nghèo, nên những ước mơ đành chôn vùi bên ngã ba sông này... Tôi hỏi ông Lộc, đã bao giờ có một dự án gì làm đường giao thông, hay khắc phục cảnh đò ngang cách trở của thôn chưa?. Ông Lộc lắc đầu: "Chưa, chưa bao giờ, và có lẽ không bao giờ vì không thể có kinh phí!?". Tôi lại hỏi, vậy có một dự án nào như di dời thôn đến một nơi ở mới để thuận lợi hơn về giao thông không? Ông Lộc cũng lắc đầu: "Cũng không có, vì nghe nói không còn quỹ đất !?".
Vậy là cái nghèo, sự gian nan, gian khó sẽ còn hiện hữu mãi mãi với Đầu Gò. Chưa hết đâu, ông Lộc cùng chị Ngọc than phiền, mỗi năm đến mùa mưa lũ là cả thôn lại mấy phen ám ảnh kinh hoàng. Thủy điện xả lũ, nước từ sông Bung đổ về, nước từ sông Thành Mỹ cắt ngang thốc thẳng vào làng, nhà cửa trôi, trâu bò, lợn gà trôi, mấy trăm con người chỉ vơ vội vài bộ quần áo, mấy cái xoong nồi, bao gạo hối hả chạy dạt lên rừng... cứ như chạy giặc hồi Mỹ ngụy đi càn vậy.
Cũng phải thôi, không điện, không thông tin liên lạc, biết lúc nào lũ về, biết lúc nào thủy điện xả lũ, chỉ nhìn nước sông lên cao là chạy, lúc nào cũng bất ngờ như chạy giặc là phải chứ còn gì nữa. Năm vừa rồi, thủy điện xả lũ, làm trôi, sạt lở mất 4 ha đất trồng màu duy nhất của thôn bên sông, chính quyền thôn đã kiến nghị lên HĐND xã, để xã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh đề nghị thủy điện hỗ trợ, bồi thường, nhưng đến bây giờ vẫn chẳng thấy hồi âm. Tết đến nơi rồi, mà cái khó, cái nghèo vẫn cứ "nằm lì" khắp thôn, bà con chỉ còn trông chờ vào 15 kg gạo cứu trợ duy nhất của nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình theo quy định hàng năm, còn tất cả vẫn không có gì.
Phương tiện để sang sông tới thôn Đầu Gò là những chiếc đò mỏng manh thế này. |
Chiều muộn cuối năm, rời làng quê hiu hắt, vẫn chưa có một làn khói xanh nào tỏa lên từ những mái tranh nghèo, làng vẫn im lìm bởi tất cả còn đang mải miết trên những vạt rẫy đâu đó trong rặng núi xanh mờ. Chỉ có tiếng chúng tôi gọi đò sang sông trở về thành phố, phá vỡ không gian buồn bã nơi ngã ba sông. Tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng ông Bí thư chi bộ thôn Đầu Gò tự sự qua những vần thơ: "Ngồi miên man nhìn con nước xuôi dòng/Dòng sông tắt, lên, dòng con nước xả/Người ra đi người quay về hối hả/Ngã ba sông thành ngã ba lòng...".
Phóng sự: Hồng Thanh