Dấu hiệu chuyển hướng
(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh Nga đang ngày càng dấn sâu hơn vào cuộc chiến chống khủng bố hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad, Mỹ dường như có dấu hiệu chuyển hướng chiến lược trong cuộc chiến tranh mà Lầu Năm Góc đặt ra nhắm mục tiêu "tiêu diệt tận gốc" nhóm cực đoan IS ở cả Iraq và Syria.
Sau chiến dịch giải cứu 70 con tin bị IS bắt giữ ở miền bắc Iraq, Mỹ thật sự đang cho thấy một sự thay đổi trong chiến dịch chống IS, bao gồm cả việc sử dụng các cuộc tấn công trực tiếp trên bộ. Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 28-10, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter khẳng định sẽ tăng cường các nỗ lực chống IS, trong đó có việc tăng thêm các cuộc không kích và có thể tiến hành hành động trực tiếp ở trên bộ. "Sẽ có nhiều cuộc không kích hơn nữa nhằm "các mục tiêu giá trị cao", ông nhấn mạnh.
Theo ông Carter, Mỹ sẽ tập trung những nỗ lực vào thành trì của IS ở Raqqa, miền bắc Syria cũng như tăng cường việc ủng hộ những nhóm vũ trang đối lập hiện đang giao tranh với IS ở quốc gia Trung Đông này và tập trung tại Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar ở miền tây Iraq. Ông không tiết lộ các tình huống theo đó Mỹ có thể thực hiện các hoạt động trên mặt đất, nhưng tuyên bố "một khi đã xác định vị trí của chúng, không có mục tiêu nào là vượt quá tầm tay của chúng tôi".
Tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc rõ ràng phản ánh một sự thừa nhận về việc thiếu tiến bộ trong cuộc chiến đánh bại nhóm chiến binh cực đoan này bất chấp nỗ lực không kích không ngừng nghỉ của liên quân, nhất là tại Syria. Tình thế này buộc Nhà Trắng và các đồng minh lên kế hoạch mở các cuộc thảo luận đa phương về Syria, dự kiến sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 30-10 tới, trong đó lần đầu tiên Washington cho biết sẽ mời Iran tham gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby xác nhận việc "Iran sẽ được mời", nhưng không nói rõ liệu lời mời này do Mỹ hay Nga đưa ra cũng như không biết Tehran có nhận lời hay không.
Một liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu các cuộc không kích chống IS ở Iraq và Syria vào năm 2014. Trong đó, Tổng thống Barack Obama khẳng định mục đích nhằm "làm suy giảm và cuối cùng là tiêu diệt IS". Mặc dù ông chủ Nhà Trắng không cam kết điều bộ binh đến các chiến trường này, Lầu Năm Góc hiện có khoảng 3.500 binh sĩ ở Iraq để giúp đào tạo các lực lượng nước sở tại và cũng đóng vai trò chiến đấu hạn chế.
Trong khi đó, Nga bắt đầu chiến dịch không kích riêng rẽ ở Syria từ ngày 30-9, với mục tiêu giúp Tổng thống Assad chống lại các nhóm khủng bố. Nhưng Washington và các đồng minh chỉ trích mạnh mẽ các chiến dịch của Moscow, cho rằng, nó chỉ tập trung vào các chiến binh nổi dậy ôn hòa - động thái mà Điện Kremlin hoàn toàn bác bỏ.
Thanh Văn