Đầu năm đã lo chống… hạn
(Cadn.com.vn) - Thời tiết hanh khô và nắng hạn kéo dài từ trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đến nay làm cho nhiều diện tích lúa đông xuân ở các địa phương của tỉnh Quảng Nam thiếu nước trầm trọng. Hàng trăm héc-ta lúa, nhất là diện tích sản xuất lúa dựa vào nước trời ở vùng trung du có nguy cơ mất mùa.
Lúa đã bước vào giai đoạn làm đòng nhưng ông Phan Thanh Lục (ở thôn 4, xã Tiên Phong, H. Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn không vui, vì cả 5 sào ruộng đất lúa gieo giống ngắn ngày của gia đình ông cứ “trơ” ra, không chịu trổ bông. Nguyên nhân là từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đến nay, khu vực xã Tiên Phong không có mưa, ruộng khô hạn, lúa bị cháy lá do thiếu nước kéo dài. Ông Lục than thở: “Làm lúa chờ nước trời, có mưa thì gặt mỗi sào vài chục ang. Còn khô hạn như ri thì cắt về cho trâu, bò ăn thôi”.
Không riêng gì xã Tiên Phong, hàng trăm hộ dân các địa phương của H. Tiên Phước cũng đang đứng trước nguy cơ mất mùa lúa đông xuân 2013-2014. Nhiều diện tích bị thiếu nước nên cây lúa không đẻ nhánh, những diện tích lúa trổ không có mưa nên bị hóp. Theo người dân địa phương, sản xuất lúa mỗi năm 2 vụ nhưng cũng như “đánh cược” với trời. Vụ nào có mưa nhiều, đủ nước, cây lúa phát triển và cho năng suất cao. Vụ nào không mưa thì phải mua gạo ăn.
Ông Hường Minh, Chủ tịch UBND H. Tiên Phước cho biết: Tổng diện tích sản xuất lúa đông xuân toàn huyện năm nay hơn 4.230 ha thì có đến gần 1.245 ha không có hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất, người nông dân đành chờ trời. “Trong 2 năm 2013 và 2014, huyện bố trí ngân sách khoảng 2,6 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa những hồ đập xuống cấp, nâng cấp hệ thống kênh mương. Thế nhưng, đây là nguồn kinh phí quá ít so với nhu cầu hơn 100 tỷ đồng để đầu tư kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ tưới cho 7.200 ha đất sản xuất. Thực trạng này đã gây khó khăn rất lớn cho bà con nông dân trong sản xuất lúa và phát triển kinh tế vườn suốt một thời gian dài”, ông Minh nói.
Nhiều chân ruộng “hụt” nước, người dân chuyển sang trồng hoa màu để “chạy hạn”. |
Nhiều cánh đồng ở các xã vùng Tây của H. Thăng Bình cũng đang bị khô hạn và có nguy cơ mất mùa lúa đông xuân 2013-2014. Riêng tại xã Bình Định Bắc, đã có hơn 60/128 ha lúa, tập trung ở thôn Bình An đang có nguy cơ mất trắng do thiếu nước. Thời điểm hiện nay, người dân xã Bình Định Bắc huy động các nguồn nước nhưng chỉ cứu tạm thời được gần 20 ha. Và nếu như thời tiết kéo dài thì khả năng 60 ha diện tích lúa không thu hoạch là điều không thể tránh khỏi.
Bà Phan Thị Hiêp, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, trong năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng để làm trạm bơm tại cánh đồng của tổ 3 và tổ 4 của thôn Bình An để chống hạn. Mặt bằng đã được dân và chính quyền địa phương đồng ý bàn giao, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí nên vụ lúa đông xuân năm nay có nguy cơ tiếp tục chết cháy.
Tại H. Duy Xuyên, tình trạng lúa đông xuân thiếu nước cũng diễn ra trên diện rộng. Theo dự báo của Phòng NN&PTNT H. Duy Xuyên, thời điểm hiện nay, đập Thạch Bàn thiếu khoảng 1,6 triệu m3 nước, tương đương với diện tích tưới 300 ha. Nếu không có nguồn nước bổ sung thì rất nhiều diện tích lúa đông xuân sẽ bị mất mùa. Trong khi đó, mặn đã xuất hiện nhiều nơi tại vùng Đông các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, gây khó khăn cho việc sản xuất lúa của người dân. Trạm bơm Tứ Câu phục vụ nước tưới cho 165 ha lúa của nông dân HTX Điện Ngọc 1 và Điện Ngọc 2, H. Điện Bàn, nhưng nồng độ mặn từ sau Tết đến nay dao động từ 2 phần nghìn đến 4,5 phần nghìn, vượt xa mức cho phép. Nếu nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít, thủy điện hạn chế xả nước thì các trạm bơm Tứ Câu, Cẩm Sa và Thanh Quýt không thể phục vụ nước tưới cho gần 500 ha lúa đông xuân tại các xã Điện Ngọc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Bắc...
Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn và nhiễm mặn, kịp thời ứng phó và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do tình hình hạn hán, nhiễm mặn gây ra trong sản xuất nông nghiệp năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng chống hạn và nhiễm mặn năm 2014. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ về tình hình hạn hán nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn nước thích hợp để sử dụng có hiệu quả; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tập trung vào công tác phòng chống hạn, nhiễm mặn.
Sở NN&PTNT xây dựng phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thủy nông cơ sở tăng cường công tác điều tiết dẫn nước trên hệ thống kênh tưới nhằm cấp nước kịp thời phục vụ sản xuất; thực hiện nghiêm túc các biện pháp tưới tiết kiệm trong điều kiện nguồn nước bị thiếu hụt. Đồng thời đề nghị các nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT xây dựng và thống nhất kế hoạch xả nước qua phát điện theo các đợt gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2014 ở hạ du.
Th. Hà