Báo Công An Đà Nẵng

Đau thương làng biển Kỳ Tân

Thứ sáu, 03/06/2016 10:58

(Cadn.com.vn) - Hay tin tàu cá ĐNa -90604 của ông Nguyễn Sương (trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị chìm trên vùng biển Thanh Hóa vào ngày 30-5, khiến 2 ngư dân của thôn Kỳ Tân (xã Đức Lợi, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) mất tích, nỗi lo lắng, tuyệt vọng phủ lên làng biển này. Người nhà đứng ngồi không yên, khóc hết nước mắt, hàng xóm ai cũng đau đáu ngóng chờ với hy vọng mong manh.

Xong chuyến này, về đầy tháng con, chữa bệnh cho mẹ

Thông tin hai ngư dân Nguyễn Ngọc Vịnh (26 tuổi) và Nguyễn Văn Việt (19 tuổi) mất tích trên biển nhanh chóng truyền đi khắp làng Kỳ Tân. Ai cũng bồn chồn lo lắng hỏi nhau "tìm được thằng Vịnh, thằng Việt chưa, chúng nó còn sống không?". Còn người nhà của anh Vịnh và Việt thì khóc hết nước mắt kể từ ngày hung tin báo về. Thấy chúng tôi vào nhà hỏi thăm, chị Nguyễn Thị Tuyền (chị anh Vịnh) kéo ra góc nhà nói nhỏ: "Mẹ tôi và vợ thằng Vịnh vẫn chưa biết tin, các anh đừng nói. Người nhà cố giấu chuyện thằng Vịnh mất tích, nghe tin này họ sẽ ngất mất".  Nhưng dường như linh cảm được chuyện gì đó, bà Võ Thị Xuân (mẹ anh Vịnh) cố bám theo chúng tôi để hỏi chuyện. Bà Xuân có tiền sử bệnh tâm thần, ngày 1-6 khi nhiều người tập trung tại nhà để hỏi nhau tin anh Vịnh, bà biết chuyện nên phát bệnh, la hét đập phá đồ đạc trong nhà. Bà luôn miệng nói: "Thằng Vịnh đi biển kiếm tiền, chết đâu mà chết". Hung tin này cũng không ai thổ lộ với chị Phạm Thị Liên (vợ anh Vịnh), bởi chị mới sinh con được 7 ngày. Hằng ngày đến thăm, chị em phụ nữ làng chài Kỳ Tân đều giấu kín chuyện, sợ chị Liên bị sốc khi nghe tin dữ. Không ít người quay mặt khóc khi nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn trên tay chị Liên. "Chuyến trước về nhà, thằng Vịnh nói cố làm cho hết chuyến biển này để dành tiền xây nhà và làm lễ đầy tháng, đặt tên cho con. Nó chưa được nhìn mặt con...", chị Tuyền khóc nức nở, bỏ lửng câu nói.

Người nhà anh Vịnh lo lắng, khóc hết nước mắt kể từ khi nghe được hung tin. Ảnh: HOÀNG ANH

Anh Trần Văn Nam (thôn Kỳ Tân), vừa trở về nhà sau chuyến biển dài ngày kể, lúc tàu của ông Nguyễn Sương gặp nạn, tàu của anh cách đó chỉ hơn 200 m. "Tàu tôi và tàu của thằng Vịnh cùng đi đánh bắt chung. Khi phát hiện tàu chìm, chúng tôi lập tức chạy đến cứu, sau đó khi kiểm tra lại thì thấy thiếu thằng Vịnh và Việt. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm vẫn không thấy. Có khả năng Vịnh và Việt bị mắc kẹt khi tàu chìm. Làm nghề biển này sống chết trong gang tay"- anh Nam thở dài. Anh bảo, người dân ở làng Kỳ Tân chỉ biết sống bám vào biển chứ không có nghề nào khác. Vì vậy, thanh niên trai tráng trong làng khi bỏ bút xuống là lên tàu đi đánh bắt. Gia đình anh Vịnh cũng thế, vì khó khăn nên cả ba anh em trong nhà đều làm thuê trên các tàu cá. Khi nghe tin tàu ông Sương bị chìm, hai người anh của Vịnh lập tức đến hiện trường để tham gia tìm kiếm và trục vớt.  "Lạy trời, lạy Phật mong sớm tìm được em tôi", chị Nguyễn Thị Tuyền nói trong tuyệt vọng.

Tàu ĐNa 90604 (chụp vào thời điểm hạ thủy) sẽ được bảo hiểm chi trả do đang trong thời hạn bảo hiểm. Ảnh: Công Khanh

Cách nhà anh Vịnh vài căn là nhà ngư dân Nguyễn Văn Việt, không khí cũng buồn đau không kém. Từ khi hay tin con mất tích, chị Dương Thị Nước (mẹ của Việt) ngất xỉu liên tục, không ăn, không uống. Chị Nước bị bệnh hở van tim, sợ chị sẽ không chịu được cú sốc nên mọi người nói dối "Đã tìm được thằng Việt rồi, nó đang được chăm sóc trong bệnh viện ở Đà Nẵng. Thằng Việt không sao đâu". Lời nói dối đó đã giúp chị Nước bình tâm hơn một chút nhưng mọi người chẳng biết sẽ giấu chuyện được bao lâu nữa, rồi chị sẽ ra sao khi biết sự thật về con mình. Vợ chồng chị Nước có 3 người con, Việt là con trưởng nên nghỉ học sớm đi đánh cá phụ giúp cha mẹ từ khi 18 tuổi. Những chuyến biển năm 2015, Việt dành dụm được hơn 60 triệu đồng gửi về mua thuốc cho mẹ và sửa căn nhà cấp 4. Trong lần đi biển này, Việt nói với mẹ: "Con sẽ kiếm tiền gửi về cho mẹ vô Sài Gòn chữa cho hết bệnh". Nhưng...

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, vào  đêm 30-5, khi đang đánh bắt tại vị trí 19, 16 vĩ độ Bắc  - 105, 53 độ kinh Đông (thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ,  ngang tỉnh Thanh Hóa), tàu cá ĐNa 90604 của ông Sương bị chìm, trên tàu lúc này có 13 ngư dân. Vào thời điểm này, tàu cá ĐNa 90603 (cũng của ông Sương làm chủ)  đang đánh bắt trong khu vực đã tới cứu vớt được 11 ngư dân, còn 2 ngư dân là Nguyễn Ngọc Vịnh và Nguyễn Văn Việt mất tích. Đây là cặp tàu vỏ gỗ hành nghề lưới rê có tổng công suất 3.300CV, thuộc đội tàu công suất lớn của Đà Nẵng.

Đã trục vớt tàu nhưng chưa tìm thấy 2 ngư dân

Theo thông tin từ gia đình ông Nguyễn Sương, chủ tàu cá ĐNa 90604 bị chìm, đến thời điểm hiện tại, Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Cty TNHH Thiên Tài (đóng tại số 96-Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh, Nghệ An) đã trục vớt được tàu bị nạn tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ (địa phận khu Kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa), cách đảo Mê chừng 7 hải lý. Cty Thiên Tài được thuê cứu hộ trục vớt tàu cá và tìm kiếm 2 ngư dân mất tích. Theo thông tin từ Cty này, đội trục vớt đã đưa được xác tàu bị nạn cập bờ đảo Mê trong tình trạng bị cuốn hết tài sản do bị lật úp. Xác tàu đã được đưa vào bờ, tuy nhiên lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tìm thấy hai ngư dân mất tích. Hiện Cảng vụ Thanh Hóa đang phối hợp với BCH BĐBP tỉnh và các lực lượng liên quan huy động phương tiện, tìm kiếm 2 ngư dân bị mất tích.

 Chiều 2-6, trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, tàu anh Sương đang còn thời hạn bảo hiểm nên hiện tại cơ quan chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với đơn vị bảo hiểm để chi trả theo quy định khi tàu được trục vớt và đưa về Đà Nẵng. Phòng Kinh tế Q. Sơn Trà cũng sẽ đề nghị bảo hiểm cho tạm ứng trước để hỗ trợ các ngư dân bị nạn.

Hoàng Anh - Công Khanh

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết: Năm 2015, trên biển đã xảy ra 12 vụ tàu thuyền bị hỏng máy và thuyền viên bị tai nạn do bão, ATNĐ, do đó công tác tìm kiếm cứu nạn diễn ra thường xuyên. BCH Phòng chống thiên tai và TKCN được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia  TKCN và sự phối hợp với BCH BĐBPTP, Đài  Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải KV 2, Trung tâm Cấp cứu 115 và các đơn vị liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao các trường hợp tàu thuyền và thuyền viên bị tai nạn trên biển, không để xảy ra các trường hợp sự cố, chết người do công tác cứu hộ cứu nạn.