Đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “truyền thông bẩn” trên không gian mạng
Hiện nay, “truyền thông bẩn” trên không gian mạng xuất hiện dưới nhiều hình thức, nội dung, tác động đến nhiều đối tượng khác nhau. Một trong những hình thức phổ biến nhất là tin giả, những thông tin sai sự thật, không có căn cứ được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với mục đích đánh tráo nội dung, đánh lừa người tiếp cận hoặc gây hoang mang trong dư luận xã hội. Tin giả thường được lan truyền nhanh chóng, rộng rãi trên các trang mạng xã hội, nơi mà việc kiểm duyệt nội dung gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, khi một số cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng các kênh truyền thông trên không gian mạng để tung tin đồn sai sự thật, những thông tin bị bóp méo hoặc cắt ghép để tạo ra một hình ảnh sai lệch về thực tế, nhắm vào những cá nhân, tổ chức dẫn đến sự hiểu sai bản chất, nhằm “đánh sập” uy tín hoặc gây phức tạp tình hình dư luận. Đặc biệt, “truyền thông bẩn” tấn công hạ bệ uy tín, danh dự của cá nhân cũng trở nên phổ biến với việc sử dụng truyền thông trên không gian mạng để công kích cá nhân, như vu khống, bêu xấu, lăng mạ, hay tiết lộ thông tin riêng tư, làm tổn hại đến danh dự và đời sống cá nhân của người bị tấn công.
Những hệ lụy của “truyền thông bẩn” trên không gian mạng không chỉ dừng lại ở việc ảnh hưởng tiêu cực đến những cá nhân, tổ chức bị nhắm đến mà còn lan rộng ra toàn xã hội với sự tiếp tay của cái được gọi là “quyền lực tối thượng của cộng đồng mạng”. Khi người dùng mạng xã hội thường xuyên bị tiếp xúc với thông tin sai lệch thì niềm tin vào các phương tiện truyền thông nói chung bị suy giảm, dẫn đến sự hoài nghi đối với tất cả các nguồn tin, kể cả những nguồn tin chính thống và đáng tin cậy. Không chỉ vậy, tin giả và thông tin sai lệch còn có thể kích động sự thù hận, phân biệt đối xử và gây chia rẽ trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn, là các thế lực thù địch, các loại đối tượng triệt để sử dụng “truyền thông bẩn” trên không gian mạng, gia tăng các hoạt động tán phát tin giả, xấu độc… để thực hiện âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện nay, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc xử lý đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. Theo đó, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP). Bên cạnh đó, tùy vào hành vi cụ thể cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh: Vu khống (Điều 156); Làm nhục người khác (Điều 155); Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331)…
Để ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ “truyền thông bẩn” trên không gian mạng, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý rất nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời đấu tranh gỡ bỏ nhiều thông tin xấu, độc, giả mạo, sai sự thật trên các trang mạng xã hội. Đối với người dân, nhất là người dùng mạng xã hội, cơ quan chức năng khuyến cáo cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội; cần chủ động trang bị kiến thức để phân biệt tin thật và tin giả, xác định nguồn cung cấp thông tin chính thống, tin cậy, đồng thời thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử và quy định trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
MAI BÌNH