Đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai trái
(Cadn.com.vn) - Chúng ta đều biết, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, thì sự bùng nổ của Internet đã trực tiếp tạo ra những biến đổi lớn lao trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội loài người.
Song nó cũng như con dao hai lưỡi, bên cạnh những mặt tích cực thì Internet cũng chứa đựng những hiểm họa khác cho con người, cho xã hội. Nhất là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử thoái hóa, biến chất và bất mãn trong và ngoài nước lợi dụng Internet như là một công cụ để tuyên truyền, kích động chống phá nước ta một cách quyết liệt.
Đặc biệt là một số phần tử lợi dụng những chính sách tạo điều kiện của Nhà nước Việt Nam trong việc ưu tiên sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin đối với sự phát triển kinh tế-xã hội để thành lập những trang Web, blog cá nhân, các trang facebook... một cách trái pháp luật, tuyên truyền những luận điệu mang tính chất kích động, gây hận thù, nói xấu chính quyền, vu khống một cách trắng trợn đối với các nhà lãnh đạo, nói sai sự thật các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Có thể nói, tấn công qua Internet đã và đang là hình thức, phương tiện chủ yếu mà hiện nay các thế lực thù địch đang tập trung khai thác triệt để. Qua đây, chúng liên kết, chia sẻ, phát tán rộng khắp thông tin sai trái, kể cả qua tin nhắn, tin đồn, truyền miệng trong các cộng đồng, tầng lớp dân cư. Đồng thời chúng tán dương, cổ vũ lẫn nhau trong một "thế trận" tuyên truyền chống phá có "kịch bản" cụ thể và dày đặc ở một thời điểm nào đó mà chúng cho là có lợi nhất. Thậm chí gần đây, chúng còn tuyên truyền cả các phương thức công nghệ để thu hút, tổ chức lực lượng tiến công và lẩn tránh, xóa dấu vết trước sự truy tìm, đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật của ta.
Những diễn biến gần đây cho thấy, nhất là khi chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cùng với việc sắp xếp bố trí nhân sự cấp cao thì các thông tin sai trái tăng lên đột biến trên mạng Internet, trên điện thoại di động và tạo ra sự nhiễu loạn, hoài nghi, lo ngại trong đời sống xã hội. Chúng lập hàng chục trang web dưới những tên gọi khác nhau, hoặc blog cá nhân, các trang facebook của các phần tử lâu nay có khuynh hướng chống chính quyền, chống Đảng, được ngụy trang bởi "nhà dân chủ" đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền... để lu loa về tự do ngôn luận, tự do dân chủ, và trực diện tấn công vào chế độ. Gần như giờ nào, ngày nào trên các trang điện tử này cũng đầy rẫy những thông tin mơ hồ, sai trái nhằm vào toàn bộ hệ thống chính trị nước ta để phê phán, bài xích, công kích và kêu gọi tập hợp lực lượng nổi dậy đấu tranh chống Đảng, chống chính quyền.
Có thể nói rằng chưa bao giờ các thế lực phản động lại ráo riết, điên cuồng chống phá ta như thời điểm này. Thể hiện rõ nhất là chúng tung lên mạng với số lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch. Tính chất phản động, mục tiêu chống phá Đại hội XII của Đảng sắp tới thể hiện rõ ở một số nội dung trọng điểm như: xuyên tạc phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng ta, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bài bác thành quả cách mạng đạt được sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới; bôi nhọ các nhà lãnh đạo cấp cao và chia rẽ khối đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, và quá trình tiến tới Đại hội XII...
Những vấn đề mà chúng thường tập trung khai thác là phủ nhận mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; khoét sâu những điểm yếu kém, hạn chế trong thực thi công vụ của các cơ quan công quyền, cán bộ lãnh đạo quản lý từ Trung ương đến cơ sở; tạo dựng ra cái gọi là phe này, phái nọ hay những "cuộc đấu đá", tranh giành quyền lực trong nội bộ cơ quan Đảng và Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng...
Mục tiêu của chúng là nhằm phá hoại nội bộ một cách có hệ thống, tác động vào việc hoạch định chủ trương, chính sách để cho cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cộng sản, mơ hồ lập trường giai cấp; gây nghi kỵ, ngờ vực, phá hoại lòng tin vào Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó, phát tán những tư tưởng chống Cộng, dân chủ tư sản phản động, kích động lòng người, cổ vũ cho những tư tưởng hành động cực đoan, chống phá chính quyền Nhà nước.
Như trên đã đề cập, do đặc thù của Internet là có tốc độ truyền thông tin nhanh chóng, thông tin gần như tức thì, và tính "tự do" tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng "gây nhiễu" lại khá rộng... nên những quan điểm sai trái trên mạng Internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội.
Thực tế cho thấy thời gian qua không ít thông tin sai trái trên mạng Internet đã gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - những đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước...
Chính vì vậy, việc không ngừng nâng cao cảnh giác, nhận diện và nhanh chóng đấu tranh vạch trần những thông tin, quan điểm sai trái trên mạng Internet là cuộc đấu tranh vô cùng cấp bách hiện nay của cả hệ thống chính trị nước ta. Như trong cuộc họp Chính phủ cuối tháng 12 vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an và Quốc phòng đã nhấn mạnh là phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chống lại các thông tin sai trái trên mạng Internet, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Một trong những nhiệm vụ đó là nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về sự đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong những năm qua cũng như những định hướng cho giai đoạn mới của cách mạng; đồng thời vạch trần bản chất, mục tiêu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm hiện nay.
Qua đó, góp phần giúp cho cán bộ và quần chúng nhân dân nâng cao tính tự giác, tính chủ động, phản ứng, đấu tranh kịp thời với các quan điểm, luận điệu sai trái phát tán trên mạng Internet cũng như ngoài xã hội, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuyết Minh