Báo Công An Đà Nẵng

Đấu trí ở công đường

Thứ năm, 06/07/2017 10:56

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, công tác đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng luôn đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của các chiến sĩ cảnh sát. Nhưng ít ai biết để tội phạm “tâm phục khẩu phục”, thì việc đấu trí tại tòa án cũng là cuộc chiến gay cấn và vô cùng quyết liệt. Thời gian gần đây, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy của CA tỉnh Nghệ An và BĐPB tỉnh Nghệ An liên tiếp triệt phá nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia với số lượng ma túy rất lớn. Những vụ án mà số lượng ma túy thu được lên đến vài trăm bánh heroin đều do các đối tượng có quan hệ họ hàng, câu kết cùng thực hiện. Đơn cử như vụ do Phan Đình Tuấn (1971, trú TP Vinh, Nghệ An) cầm đầu với 294 bánh heroin; Vũ Đức Mạnh (1964, trú TP Nam Định, Nam Định) 225 bánh heroin; Nguyễn Trọng Tuấn (1969, trú H.  Nam Đàn, Nghệ An) với 208 bánh heroin…

Ông Vi Văn Chắt- Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Nghệ An trong một phiên xét xử.

Theo thời gian, cách thức tổ chức của tội phạm ma túy cũng thay đổi. Nếu như trước đây, các mắt xích trong đường dây ma túy quen biết, thậm chí là người thân của nhau thì xu hướng hiện nay là hoạt động đơn lẻ. Nghĩa là trong cùng một đường dây nhưng người thứ 3 hoàn toàn không biết người thứ nhất. Có những vụ án lớn, lực lượng CA tỉnh Nghệ An phải phối hợp với nhiều địa phương, điều tra, thu thập trong nhiều tháng liền, thậm chí là vài năm mới đánh án thành công. Thế nhưng việc các bị cáo phải cúi đầu nhận tội trước tòa lại không hề đơn giản.

Mỗi phiên xử thực sự là cuộc đấu trí giữa những người làm công tác xét xử với tội phạm ma túy ma mãnh. Ranh giới giữa oan sai và không bỏ lọt người phạm tội buộc HĐXX phải “cân não” để đấu tranh. Đơn cử như vụ án mua bán, vận chuyển trái phép 10 bánh heroin và 4kg ma túy đá do Nguyễn Thế Hà (1963, trú xã Võ Liệt, H. Thanh Chương) cầm đầu. Mặc dù lực lượng CA đánh án thành công nhưng cũng phải mất 4 năm với nhiều lần trả hồ sơ, tạm đình, vụ án mới được khép lại với 2 án tử hình đối với Hà và Lê Doãn Chính (1985, trú xã Võ Liệt) - một mắt xích quan trọng trong đường dây. Ông Vi Văn Chắt- Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Nghệ An nhớ lại, cái khó của vụ án là Nguyễn Thế Hà và Lê Doãn Chính hoàn toàn không biết nhau. Trong khi đó, người trực tiếp liên quan đến Hà và Chính là Trần Thanh Giang thì đã thắt cổ chết trong quá trình chuẩn bị xét xử. Tại tòa, cả Hà và Chính đều chối tội, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây. Bằng những chứng cứ, lập luận sắc bén, cuối cùng bản án cũng được đưa ra đúng người đúng tội. 4 ngày sau khi xét xử, Hà đã kháng cáo bản án nhưng với nội dung xin cấp phúc thẩm cho bị cáo một cơ hội được sống.

Bị cáo Nguyễn Thế Hà chối tội trước tòa.

Việc xét xử các vụ án nói chung và các vụ án ma túy nói riêng khó nhất là đánh giá các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Hoạt động tố tụng nhiều khi không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, để xét xử một vụ án ma túy, ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ người làm công tác xét xử phải có một quá trình dài nghiên cứu, đánh giá tâm lý tội phạm. Một điều dễ nhận thấy là tội phạm ma túy thường gắn với băng nhóm tội phạm xã hội. Vì vậy hầu hết các vụ án liên quan đến ma túy được xét xử có rất đông người tham gia, công tác xét xử vì vậy cũng chịu những áp lực, nguy hiểm nhất định. Đơn cử như vụ “trùm” ma túy Phan Đình Tuấn (tức Tuấn Lay) luôn chật cứng người đến dự khán mà phần đông trong số đó là “anh em, bạn bè, đàn em xã hội” của Tuấn. Với tổng số ma túy mà Tuấn tham gia mua bán trong 2 vụ án bị triệt phá lên tới hơn 400 bánh heroin thì án tử hình đối với Tuấn là không thoát khỏi.

Tham gia xét xử án ma túy hơn 10 năm, Chánh tòa Hình sự Vi Văn Chắt cũng có nhiều tâm tư khi áp dụng hình phạt đối với tội phạm ma túy, bởi cũng có nghịch lý là vụ án có số lượng ma túy lớn nhưng bị cáo lại được nhận mức án nhẹ do phân hóa vai trò tội phạm. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Thị Nhung (1976, trú TX Thái Hòa) trong đường dây mua bán, vận chuyển 255 bánh heroin do Nguyễn Đức Mạnh cầm đầu. Số lượng ma túy Nhung tham gia mua bán là 70 bánh heroin nhưng phân hóa vai trò tội phạm thấp hơn các bị cáo khác nên được tuyên án chung thân. Trong khi đó với những vụ án giản đơn, ít đối tượng tham gia thì lượng ma túy từ đủ 30g - 100g thì mức án lên đến 20 năm”.

“Xét xử những vụ án ma túy như thế, áp lực cá nhân thì không có nhưng áp lực về người thân, về gia đình thì có. Đấu tranh với tội phạm ma túy tại tòa án là thực thi pháp luật, là trách nhiệm của người dân đặt lên vai mình. Không làm oan sai nhưng không được để sót người, lọt tội. Sau mỗi phán quyết là sinh mệnh của con người, vì vậy người làm công tác xét xử cũng không tránh khỏi những nguy hiểm rình rập. Thế nhưng, hiện mới chỉ có quy định về bảo vệ phiên tòa chứ chưa có cơ chế bảo vệ những người tham gia xét xử”, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Nghệ An chia sẻ.

D.HÓA