Báo Công An Đà Nẵng

Đầu tư hạ tầng công nghiệp còn quá chậm

Thứ ba, 14/03/2023 22:05
Đà Nẵng hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư cần di dời vào các cụm công nghiệp.

Đà Nẵng có 6 KCN quy mô hơn 1,1 ngàn ha hiện cơ bản lấp đầy. Việc phát triển hạ tầng công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tạo động lực tăng trưởng, giúp cơ cấu kinh tế TP cân bằng, bền vững hơn, thay vì quá phụ thuộc vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch rất cần kíp. Tuy vậy, những năm qua, tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới của Đà Nẵng quá chậm trễ. Hệ lụy là thu hút đầu tư vào công nghiệp, nhất là các dự án FDI giảm sút nghiêm trọng; hàng ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư chưa thể di dời vào các CCN…

Trước yêu cầu cần thiết phải phát triển hạ tầng công nghiệp mới, ngay từ năm 2019 Đà Nẵng đã ban hành các quyết định quy hoạch KCN Hòa Cầm giai đoạn II (120 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2,1 ngàn tỷ đồng), KCN Hòa Ninh (400 ha, tổng vốn hơn 6 ngàn tỷ đồng), KCN Hòa Nhơn (360 ha, tổng vốn hơn 5,6 ngàn tỷ đồng). Giữa năm 2020, cả 3 KCN này được đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Nhưng sau đó, các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu hồ sơ nên Đà Nẵng thông báo hủy thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2022, sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 3 KCN mới này, Đà Nẵng tiếp tục mời thầu các nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ. Tuy nhiên, cho đến nay, cả 3 KCN mới này đều “giậm chân tại chỗ”, chưa KCN nào tìm được chủ đầu tư, triển khai xây dựng.

Song song với các KCN mới thì từ năm 2018 Đà Nẵng cũng đã triển khai chủ trương đầu tư 3 CCN mới gồm CCN Cẩm Lệ giai đoạn I (29 ha), CCN Hòa Nhơn (gần 25ha), CCN Hòa Khánh Nam (hơn 13 ha). Tuy vậy, do những vướng mắc về mặt bằng, thủ tục, cơ chế vận hành đến nay vẫn chưa CCN nào được hoàn thành, đưa vào khai thác. Tại CCN Hòa Nhơn hiện đã bàn giao mặt bằng 284/296 hồ sơ, tiến độ giải ngân từ khi khởi công đến nay đạt hơn 32 tỷ đồng. Với khoảng hơn 4% hồ sơ giải phóng mặt bằng còn lại, Hòa Vang đang tiếp tục vận động người dân nhận tiền, nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi. Tại dự án đền bù giải tỏa CCN Hòa Khánh Nam cũng đang vướng mắc, chậm trễ tiến độ kéo dài. Quận Liên Chiểu đã ban hành thông báo thu hồi đất đợt 1 với 223 trường hợp, đã kiểm định 101 hồ sơ, còn 179 hồ sơ chưa kiểm định. Tại CCN Cẩm Lệ giai đoạn 2 hiện cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (chỉ còn vướng 1 nhà thờ), xây lắp đạt 71% tổng khối lượng. Tiến độ triển khai dự án vẫn chậm trễ so với kế hoạch.

Các CCN không chỉ chậm trễ do vướng mặt bằng, chưa thể tìm được nhà đầu tư, mà ngay cả CCN đầu tư công đã hoàn thiện hạ tầng vẫn chưa thể đưa vào khai thác do những vướng mắc về cơ chế. Đơn cử như CCN Cẩm Lệ giai đoạn 1, dù đã hoàn thành xây dựng từ giữa năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác, chưa doanh nghiệp nào thuê được hạ tầng trong CCN này để sản xuất. Do CCN Cẩm Lệ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nên vướng mắc về thủ tục ở đây liên quan đến việc giao đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh CCN, từ đó có cơ sở để giao đất, cho thuê đất với doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, việc xác định giá đất cho thuê cũng cần thẩm định, phê duyệt, cần thời gian trước khi CCN này được đưa vào vận hành khai thác. Theo dự kiến, phải tháng 6-2023, CCN Cẩm Lệ mới có thể tiếp nhận doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Hạ tầng cụm công nghiệp Cẩm Lệ giai đoạn 2 vẫn đang triển khai.

Việc phát triển hạ tầng công nghiệp quá ì ạch đã để lại nhiều hệ lụy, nhất là “hụt hơi” trong thu hút đầu tư vào công nghiệp. Những năm qua, Đà Nẵng thu hút được rất ít các dự án công nghiệp lớn, trong đó có nguyên nhân thiếu hạ tầng công nghiệp, thiếu các KCN quy mô, chuyên ngành. Trong khi đó, với đặc thù hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hàng ngàn cơ sở sản xuất trong khu dân cư, nhu cầu thuê hạ tầng trong các CCN với diện tích vừa phải, đáp ứng yêu cầu sản xuất là rất lớn. Thống kê sơ bộ tại Đà Nẵng hiện có 899 cơ sở muốn di dời vào CCN với nhu cầu sử dụng diện tích hơn 198 ha. Trong đó, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm là 612 (68%), phần còn lại là các doanh nghiệp có mong muốn di dời để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Trong thực tế, nếu thống kê đầy đủ, con số cơ sở sản xuất trong khu dân cư muốn vào CCN để ổn định sản xuất, đảm bảo các yếu tố môi trường lớn hơn rất nhiều. Với tiến độ hạ tầng CCN Cẩm Lệ hiện có, đưa vào khai thác trong năm 2023, vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu diện tích cần 198 ha của 899 cơ sở.

Chưa nói tới việc chậm trễ, chưa biết khi nào hoàn thành, khai thác các CCN đã được đầu tư từ những năm qua, mà ngay cả khi các CCN này khai thác vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp. Rõ ràng, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, xây dựng, hoàn thành các khu, cụm công nghiệp đã có chủ trương, Đà Nẵng cần tiếp tục phát thển thêm hạ tầng công nghiệp. Đây là động lực để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo tăng trưởng quan trọng cho TP trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH