Báo Công An Đà Nẵng

Dấu xưa bên thành cổ

Thứ tư, 08/12/2021 20:02

Chỉ cách Nha Trang 12 cây số, nhưng nơi đó là một thế giới khác, dễ thương với nhiều điểm đến, món ăn dân dã. Giờ có hai con đường để lên Thành, một là đi đường 23-10, hai là đi đường Võ Nguyên Giáp. Thỉnh thoảng, vào buổi chiều, tôi lại phóng xe lên Thành. Thành là từ gọi quen của huyện Diên Khánh, có thể bởi Diên Khánh có một thành cổ. Thành cổ Diên Khánh được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh.

Một cổng vào Thành cổ Diên Khánh.

Nơi đây từng là trung tâm chính trị, hành chính của dinh Bình Khang (ngày nay là huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và cũng là di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và quân sự. Thành cổ sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, giờ trở thành khu dân cư, và mỗi ngày xe cộ vẫn qua cổng Đông và cổng Tây, dường như vết xe lăn hôm nay đã làm nhòa đi những vết xe lăn ngày cũ. Và có lẽ, khi đi Thành, mọi người thỉnh thoảng ghé qua, cũng hững hờ như bao người khác, hoặc tạm dừng trên đường Lý Tự Trọng (một phần của Tỉnh lộ 2), tránh dòng xe qua lại chụp tấm ảnh.

Lên Thành, có thể dừng chân bất cứ nơi nào nếu thích. Con đường này hồi xửa hồi xưa nhỏ, bao quanh còn nhìn thấy ruộng lúa, những vườn xoài mà đôi khi trái cứ đong đưa ra con đường. Trước 1975, vẫn còn những chiếc xe ngựa giống như chạy xe đò, chở hàng hóa trên Thành xuống Nha Trang bán, còn cả những chiếc xe lam ba bánh chạy dọc đường đón khách. Thành có rất nhiều vườn cây ăn trái, chỉ cần thoát ra con lộ, cua vào các con đường nhỏ là bắt gặp những ngôi nhà còn giữ lại nét cổ kính.  Bây giờ con đường đã mở rộng, những khu vực ruộng đồng thành nhà cửa, nhưng vẫn còn sót lại đâu đó vẻ đẹp làng quê.

  Lên Thành như một cuộc dạo chơi thoát ra khỏi cái chật chội của đô thị, nhẹ tênh lòng khi đi qua những con đường làng có những hàng cau cao vói, có những vườn chuối và có cả những vườn rau đang được chăm sóc. Ranh giới giữa Nha Trang và Thành là cầu ông Bộ, nhưng giáp ranh đó có những làng Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc… và những địa danh đã trở thành cách chỉ nơi đến như Nhà thờ Bình Cang, Xuân Sơn, Võ Dõng… Ở Võ Dõng xưa là làng hoa mai nổi tiếng, nay vẫn còn lưu giữ nghề trồng mai. Đi vòng một vòng qua Võ Dõng dịp Tết, sẽ thấy những ngôi nhà với những cây hoa mai lâu năm vàng hoa trước sân nhà, khiến cho không gian ngập tràn sắc Xuân.

  Con đường từ Thành đến ngã tư Cải lộ tuyến đi Đà Lạt hiện vẫn còn rất nhiều quán bánh ướt đĩa. Khách tới ăn, bà chủ bật lò ga cho nước sôi, đúc bánh. Vẫn là cách ăn tính đĩa với giá mỗi đĩa là 5 ngàn đồng, ăn chừng 10 đĩa là no bụng.  Là những quán bán bánh căn chen một góc hè phố hay thu mình bên con hẻm nhỏ, một cặp bánh trứng là 3 ngàn, khách lấy đòn ngồi bao quanh lò mà ăn. Là những quán bánh canh, bún cá vỉa hè, ngon không thua gì bánh canh bún cá Ninh Hòa. Và ở Thành có nguyên một khu nhà chuyên làm nem chả bỏ mối cho Nha Trang, mỗi xâu 14 cái, dịp Tết có chả, nem cây cũng rất được ưa chuộng.

 Thành có con đường chính là con đường Trần Quý Cáp, con đường rộn rịp buôn bán, có chợ Thành hàng hóa bán tràn ra đường. Qua chợ Thành, bên kia sông Cái lại là một không gian khác, là làng bánh tráng Diên Thủy chuyên sản xuất bánh tráng nem, và có con đường ven sông, dưới hàng tre già có những hàng quán nhỏ nép mình. Ở đây còn là làng đúc đồng Phú Lộc Tây, chuyên đúc lư đèn dùng cho việc thờ cúng, đến nay vẫn sản xuất mặt hàng này. Thành còn có nhà thờ Hà Dừa, xưa màu xi-măng rêu phong, nay đã sơn màu xám. Có anh bán bánh tiêu ngay cổng Thành, buổi chiều để xe bán hàng đợi khách tìm mua.

Thỉnh thoảng phóng xe lên Thành, ghé một quán cà-phê nào đó, để có cảm giác nhủ đang về một chốn quen.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG