Dấu xưa căn cứ "Đá Đà Nẵng"
(Cadn.com.vn) - Giữa mưa bom, bão đạn và những cuộc hành quân tìm diệt của kẻ thù, căn cứ Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn đứng vững và trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng ở địa phương. Để hôm nay, căn cứ lịch sử này trở thành di tích lịch sử quốc gia.
Nằm trên địa phận của thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) hôm nay, căn cứ Huyện ủy đã được xây dựng khang trang với những hình ảnh và tài liệu được trưng bày, kể câu chuyện lịch sử về một thời chưa xa. Vùng trung tâm của căn cứ là ngọn núi cao 300m thuộc khu tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói đã trở thành căn cứ địa kháng chiến. Từ đó tam giác này trở thành căn cứ cách mạng có lịch sử tồn tại lâu dài, có vai trò và tác dụng to lớn đối với một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của quân, dân địa phương.
Nơi đây gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, lưu dấu biết bao bước chân của cán bộ cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy và Khu ủy Khu 5 như Hồ Nghinh, Trần Thận hay đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng... Bây giờ, các địa danh trên căn cứ đã trở thành biểu tượng trong lòng dân như "Đá Đà Nẵng", "Đá Non Nước", muốn lên đó chỉ có cách vượt bộ hơn 1.500 bậc cấp. Tại đây, những khối đá này cùng với các hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm đại phẫu... vẫn còn hằn sâu dấu tích bom đạn chiến tranh.
Đồng chí Nguyễn Văn Chi cùng các cán bộ lão thành về thăm khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng). |
Trong ký ức của các già làng Cơ Tu thôn Phú Túc, ngày đó, dải đất chiến khu xưa có địa hình núi non hiểm trở, không chỉ là một thành trì vững chắc bao bọc dân làng mà còn là niềm tin không chuyển dời từ cái nôi phong trào cách mạng của huyện. Tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng. Nếu ai không đi sơ tán mà "bám trụ" phục vụ kháng chiến đều phải ở rất bí mật, chủ yếu sống với núi rừng. Thiếu ăn, mặc rét, bị vắt, muỗi rừng "hành hạ" là chuyện thường tình.
Mỗi lần nhớ Đà Nẵng, các cán bộ chỉ biết leo lên các đỉnh núi cao nhìn xuống... Già làng Lê Văn Rời kể: "Lúc đó, chúng tôi mới chỉ là những thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi, còn chưa hiểu cách mạng là gì nhưng khi thấy giặc về làng sát hại dân lành thì ai nấy đều hừng hực khí thế sẵn sàng ở lại giúp cách mạng". Những chàng trai Cơ Tu không ngại xông pha lửa đạn, làm du kích, giao liên sát cánh với cán bộ, bộ đội huyện trong mọi gian khổ, hiểm nguy...
Các cựu binh Đoàn pháo binh 575 trở lại chiến trường xưa. |
Từ khi căn cứ được thành lập, phong trào cách mạng Hòa Vang đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Nhiều thanh niên được đưa lên căn cứ để đào tạo, huấn luyện. Rồi đội vũ trang được thành lập nhằm bảo vệ, cảnh giới căn cứ và làm nhiệm vụ dẫn đường, tiền trạm cho các cán bộ Huyện ủy hay các đồng chí lãnh đạo cấp trên về hoạt động chỉ đạo, nắm tình hình. Vào năm 1962, các lực lượng vũ trang đóng tại căn cứ Huyện ủy đã lớn mạnh, có khả năng độc lập tác chiến, liên tục đánh địch và làm chủ hoàn toàn các thôn, ấp trên đường 14; đồng thời tạo vùng tranh chấp dưới đường 14, nên hầu hết các thôn thuộc xã Hòa Hưng, Hòa Lương, Hòa Ninh, Hòa Thượng, Hòa Phú... đã được giải phóng.
Không chỉ vậy, căn cứ còn là nơi đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực, từ đó tổ chức nhiều trận đánh lớn khiến địch bất ngờ. Điển hình như trận pháo binh của ta bắn vào sân bay Đà Nẵng. Năm 1972, khi Mỹ tiến hành đánh bom Hà Nội, Hải Phòng, đồng chí Hồ Nghinh (Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà) đã chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Chi (lúc đó là Bí thư Đảng ủy khu II Hòa Vang) bằng mọi cách đưa trận địa pháo 575 sát sân bay Đà Nẵng đảm bảo bí mật bất ngờ đánh vào sân bay Đà Nẵng, nơi xuất phát các máy bay chiến đấu của Mỹ ra đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Với khẩu hiệu "Tiền tuyến lớn chia lửa với hậu phương lớn", đoàn pháo binh 575 đã đánh vào sân bay Đà Nẵng giữa ban ngày, phá hủy 57 chiếc máy bay hiện đại. Lúc đó Mỹ - ngụy không hình dung được "cộng sản" đặt pháo ở đâu và làm sao có thể bắn pháo vào sân bay Đà Nẵng? Thực tế, những vũ khí hạng nặng đó đã được thanh niên xung phong vận chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, đến đường nhánh về căn cứ Huyện ủy do dân công các dân tộc từng bản làng đảm trách, đến địa phận Hòa Vang do dân công huy động từ đồng bằng lên để vận chuyển về các trận địa pháo và từ đó tổ chức tấn công địch.
Lãnh đạo H. Hòa Vang khảo sát thực địa, tái hiện lịch sử căn cứ Huyện ủy. |
Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang có một vị thế rất cơ động về chiến lược. Cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có thể thông được nhiều địa phương của Quảng Nam - Đà Nẵng, từ đó tổ chức tấn công địch hoặc xây dựng các phong trào cách mạng đều thuận lợi, nên địch đánh phá căn cứ này rất ác liệt. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chi, lúc đó, địch thường xuyên dùng máy bay trinh sát L.19, OV.10 bay trên căn cứ, thấy nghi vấn là chỉ điểm để máy bay phản lực thả bom. Rồi đến các chiến hạm, máy bay B57 liên tục đánh phá căn cứ. B52 rải thảm từ Ô Rây, Tống Cói đến Phú Son, Ba Liên, Hiệp, Ngạch, những cánh rừng không còn cây cối, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh. Thế nhưng, bom đạn của kẻ thù không thắng được ý chí đấu tranh của những người cách mạng, căn cứ Huyện ủy vẫn trụ vững, trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào đấu tranh của quân, dân toàn huyện.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua và căn cứ Huyện ủy Hòa Vang vẫn còn đó như một biểu tượng về tinh thần cách mạng, hy sinh của thế hệ những người đi trước, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do cho quê hương. Để hôm nay, vùng nông thôn Hòa Vang vươn vai phát triển cùng với các địa phương khác trên địa bàn TP. Ngoài những giá trị về vật chất, khu di tích mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Đó chính là niềm tự hào, kiêu hãnh cho bao thế hệ mà cha ông đã dựng nên từ máu và nuớc mắt. "Hòa Vang đất mẹ anh hùng/Máu xương đổ xuống hòa cùng nước non/Dựng xây cơ đồ vuông tròn/Ngày nay tươi đẹp, mai sau vững bền"...
Hằng năm, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động "Thăm lại chiến trường xưa", "Hướng về cội nguồn" của các thế hệ trên địa bàn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn đều được tổ chức tại đây. Qua đó, thế hệ đi trước, là những người trực tiếp tham gia kháng chiến có điều kiện để ôn lại quá khứ hào hùng của một thời kỳ đấu tranh gian khổ. Và, thế hệ đi sau, là lớp người kế thừa, phát huy những thành quả cách mạng được hiểu rõ thêm những giá trị truyền thống quý báu. Từ đó, họ càng trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng để vững bước tiến vào tương lai.
An Dương - Minh Hà