Báo Công An Đà Nẵng

Dấu xưa nơi này...

Thứ năm, 31/03/2016 08:37

(Cadn.com.vn) - Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng hiện ở tại số 72 đường Phan Châu Trinh. Đây là nơi thờ cúng cụ Phan cũng là nơi duy nhất lưu giữ các di cảo và di vật của Phan Châu Trinh. Hàng năm nơi đây đón tiếp nhiều đoàn khách vãng lai ngưỡng mộ cụ đến viếng để tìm hiểu về cụ thông qua các di cảo, di vật của cụ và nhất là từ một nguồn tư liệu sống vô cùng đặc biệt là người cháu ngoại của cụ, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Lê Thị Kinh. Trong số các di vật nổi bật là bộ đồ của Phan Châu Trinh và chiếc kính hiển vi cụ mang từ Pháp về. Chiếc kính hiển vi này được một người cháu ngoại khác của cụ là nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm) sưu tầm được.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh dâng hương tại Nhà tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh. Ảnh: Lê Thí

Tại Nhà lưu niệm từng chứng kiến hai sự kiện đặc biệt:

Thứ nhất là sự ra đời của bộ sách Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới của Phan Thị Minh (bút danh của bà Lê Thị Kinh), được Nxb Đà Nẵng xuất bản vào các năm 2001 và 2003. Đây là bộ sách hết sức đặc biệt vì sách được viết bởi một người không chuyên nhưng lại là người trong cuộc, cháu ngoại của nhà cách mạng. Bộ sách tập hợp đầy đủ nhất các tư liệu gốc về cụ Phan. Sách gồm 2 tập dày hơn 1.700 trang, dày gấp nhiều lần các quyển sách được các tác giả khác nghiên cứu về Phan Châu Trinh như của Huỳnh Lý, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Q. Thắng, Chương Thâu, Thu Trang... Sách lồng ghép tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau gồm các di cảo được lưu giữ trong gia đình, từ các nhà nghiên cứu trong nước và quan trọng nhất là tư liệu sưu tầm được ở nước ngoài, chủ yếu lấy từ Trung tâm Lưu trữ hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre-mer, thành phố Aix-en-Provence, miền Đông Nam nước Pháp), thư khố quân sự và thư khố vùng Paris... Đây là những tư liệu gốc, có tài liệu chưa một lần được các nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp sờ vào.

Đặc biệt còn bởi đây là bộ sách nghiên cứu về Phan Châu Trinh được viết trung thực nhất vì chủ yếu giới thiệu tư liệu và không đưa ra những đánh giá và nhận định nào. Bộ sách được đầu tư trong suốt hơn 10 năm, được sự ủy thác và kỳ vọng của cả gia tộc, làm việc trong điều kiện tác giả là một người phụ nữ đã vượt qua tuổi “cổ lai hy”.

Thứ hai là vào năm 2009, nhân húy nhật lần thứ 83 của cụ Phan, nơi đây đã an vị một bức tượng rất đẹp và ý nghĩa về cụ. Tượng được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chi hội Di sản Văn hóa TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức thực hiện thông qua cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng, đúc tượng danh nhân Việt Nam”. Đây  là một chân dung bán thân cao 70cm, bằng  đồng nguyên chất do nghệ nhân Tạ Duy Đoán đúc.

Ngoài nhà lưu niệm ở 72-Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng còn hai địa điểm khác ghi dấu Phan Châu Trinh. Thứ nhất là Trường Tiểu học Tây Hồ ở tại số 44-Hoàng Văn Thụ, Q. Hải Châu. Địa điểm ngôi trường tiểu học này trước đây vốn là trường trung tiểu học tư thục Tây Hồ ra đời trong khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ XX. Thứ hai là Trường THPT Phan Châu Trinh, ngôi trường có quy mô lớn của miền Trung và lớn nhất khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng từ trước đến nay.

Tại trường Phan Châu Trinh, nhân húy nhật lần thứ 40 của cụ (24-3-1966) đã an vị bức tượng bằng đồng của cụ do nhà điêu khắc Đỗ Toàn chế tác. Bức tượng bằng đồng do các thế hệ học sinh đóng góp và khi đúc có sự góp ý của bà Phan Thị Châu Liên và nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân. Lúc sinh thời nhà điêu khắc Đỗ Toàn cho biết khi đúc tượng cụ, ông đã cách điệu bộ râu của cụ “cho nó cong vểnh lên giống như giới quý tộc của phương Tây ngày trước”. Chính nhờ sự cách điệu này mà bức tượng hết sức có thần và đã ghi dấu ấn sâu đậm cho các thế hệ học sinh trường Trung học Phan Châu Trinh cũng như người dân suốt 5 thập kỷ qua.

Lê Thí