Báo Công An Đà Nẵng

Dạy-học ngoại ngữ: Nhiều chuyển biến nhưng còn lắm ngổn ngang

Thứ sáu, 13/12/2013 11:02

(Cadn.com.vn) - Tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức tại Đà Nẵng ngày 11-12, lãnh đạo Bộ, các Sở GD-ĐT, các trường Đại học cho biết, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác dạy học ngoại ngữ trong thời gian qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để đạt được kỳ vọng thì chặng đường phía trước vẫn còn gian nan.

"Luồng gió mới"

Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

"Ở TPHCM, người giúp việc có ngoại ngữ thu nhập cao hơn kỹ sư, điều dưỡng có ngoại ngữ lương cao hơn bác sĩ. Điều đó cho thấy ngoại ngữ là rất quan trọng. Muốn dạy học ngoại ngữ tốt thì yếu tố quyết định vẫn là giáo viên. Bây giờ học phải lấy chuẩn quốc tế làm đầu ra chứ có người học ngoại ngữ ra nhưng không biết nói tiếng mình đã học".

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là đề án lớn, liên quan nhiều địa phương, bộ, ngành, trong đó có gần 80.000 giáo viên và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên thụ hưởng. Tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 khẳng định, với sự triển khai rộng khắp tại các địa phương trong cả nước, Đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội.

Đó là tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với vấn đề học tập và làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, trong 3 năm qua, với sự triển khai quyết liệt, Việt Nam đã tăng 12 bậc trong thang xếp hạng về trình độ tiếng Anh quốc tế.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Nam-Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho hay, từ năm 2010 đến nay, là một trong 3 trường Đại học chuyên ngữ của cả nước, Trường Đại học Ngoại Ngữ (ĐH Đà Nẵng) là đơn vị đầu tiên vận hành tích cực triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Cạnh đó, tại các trường thành viên như Đại học Sư phạm, Kinh tế, Bách khoa, việc dạy và học ngoại ngữ cũng đã có những chuyển biến tích cực, theo xu hướng dạy học của thế giới. PGS.TS Trần Văn Nam ví Đề án này như một "luồng gió mới".

Cùng quan điểm này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng chất lượng dạy học ngoại ngữ tại địa phương này còn hạn chế nhưng Đề án ban hành đã tạo một luồng sinh khí mới, tạo động lực lớn đối với công tác giảng dạy của giáo viên đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, ban ngành. Đây cũng là những chuyển biến chung trong hệ thống giáo dục của các địa phương cả nước.

Mặc dù vậy, với 1/3 chặng đường, chính những người trong cuộc cũng đã nhận ra rất nhiều khó khăn. Đó là chưa có một cuộc "cách mạng" thực sự trong dạy học tiếng Anh vì tồn tại một tư duy cũ trong kỹ năng, phương pháp dạy học bấy lâu nay.

Theo PGS.TS Phan Quang Thế-Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), nếu không có một bước đột phá trong nhà trường về giảng dạy tiếng Anh thì sẽ khó đổi mới về nhận thức và hành động của một bộ phận giáo viên vốn có sức ỳ rất lớn, dạy học theo lối mòn hàng chục năm nay.

Khảo sát trình độ năng lực ngoại ngữ của 10.161 giáo viên tiếng Anh các cấp trên 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 97% giáo viên tiểu học, 93% giáo viên THCS và 98% giáo viên THPT chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh. Sau 3 năm triển khai đề án (2011-2013), đến ngày 30-9 vừa qua, theo báo cáo của 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gần 75% giáo viên tiếng Anh tiểu học và gần 90% giáo viên tiếng Anh THPT chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ.

Các đại biểu cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay vẫn còn quá nhiều bất cập, nhiều địa phương thiếu thông tin, thiếu năng lực hợp tác quốc tế, dẫn đến phụ thuộc vào nhiều công ty, tổ chức giáo dục ngoài công lập nên không bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, tập huấn. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 triển khai trong hoàn cảnh gấp gáp đã xảy ra tình trạng vừa viết sách giáo khoa, triển khai thí điểm, vừa thẩm định, vừa tuyển dụng, vừa rà soát, bồi dưỡng.

Một ngoại ngữ đã khó, nhiều ngoại ngữ càng gian nan


Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
"Ở nước ngoài thầy cô dạy ngoại ngữ theo nhóm kỹ năng. Còn ở Việt Nam thầy cô phải bao hết nghe-nói-đọc-viết mà không chú trọng đến những giao tiếp thực tế".

Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo Giảng dạy nhiều ngoại ngữ trong nhà trường do Đề án Ngoại ngữ quốc gia năm 2020 phối hợp với Đề án Tăng cường tiếng Pháp (Valofrase) và Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á - Thái Bình Dương (Crefap) tổ chức ngày 12-12, cũng tại Đà Nẵng. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành-Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, trong thực tế, chiếm tỷ lệ 98% trong các ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếng Anh vừa là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 được nhiều người lựa chọn.

Các thứ tiếng khác số lượng người học ít hơn. "Tâm lý người học luôn nghĩ rằng ngoại ngữ 2 là do những giáo viên có trình độ kém hơn giáo viên ngoại ngữ 1 giảng dạy nên việc học cũng không được chuyên tâm. Chính vì thế, tâm lý người dạy ngoại ngữ 2 cũng bị ảnh hưởng", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói. Tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh cũng cho biết, hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào nói về việc đổi mới, nâng cao chất lượng của việc dạy học nhiều ngoại ngữ trong nhà trường mặc dù ai cũng biết rằng "biết ngoại ngữ còn hơn không biết, biết nhiều ngoại ngữ thì hơn biết một ngoại ngữ".

Lãnh đạo các trường đại học, các Sở GD-ĐT cũng cho rằng, còn có tâm lý e ngại trong việc lựa chọn học ngoại ngữ 2 xuất phát từ những hạn chế về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trong dạy học. Mặt khác, việc sắp xếp thời gian để học các môn học bình thường đã là một gánh nặng nên không dễ cùng lúc học nhiều ngoại ngữ. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền-Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, ở châu Âu hoặc các trường quốc tế tại Việt Nam, việc học ngoại ngữ có xu hướng sớm hơn nhưng điều quan trọng không chỉ ở chỗ này mà nằm ở việc cải tiến phương pháp.

Việc dạy học ngoại ngữ trong giáo dục quốc dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Sinh viên Đà Nẵng trong một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.

Dù thời lượng học ngoại ngữ thấp hơn các môn khác nhưng họ đến đích sớm hơn do phương pháp tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại. "Nước ngoài học ngoại ngữ lấy nhu cầu của người học làm tâm điểm, giảng dạy theo nhóm kỹ năng. Trong khi đó, giáo viên dạy ngoại ngữ của ta chủ yếu quan tâm đến việc nghe-nói-đọc-viết mà không tổ chức đào tạo theo nhóm kỹ năng để nâng cao hiệu quả giao tiếp ngoài thực tế", bà Huyền nhấn mạnh.

Đối với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên các cấp học theo hướng thực hành giao tiếp, ứng dụng CNTT chất lượng hơn. Cạnh đó là đảm bảo tiến độ, chất lượng biên soạn và triển khai chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm, chú trọng công tác hợp tác quốc tế và đổi mới các phương pháp giảng dạy cũng như tăng cường đầu tư trang thiết bị, phần mềm và các nguồn học liệu mở về tiếng Anh ở các hệ thống trường lớp đào tạo.

Bảo Nam