Báo Công An Đà Nẵng

Dạy - học ở Mường Phăng

Thứ hai, 21/04/2014 11:52

Bài I: Tấm lòng giáo viên cắm bản

(Cadn.com.vn) - “Bạn đã lần nào lên Tây Bắc - Điện Biên chưa? Nếu lên, hãy một lần ghé thăm những ngôi trường cắm bản. Để lắng lòng cùng những người gieo chữ vùng cao”. Đó là lời nhắn của một đồng nghiệp từ Tây Bắc trở về, khi biết tôi chuẩn bị hành trình lên Điện Biên. Chính vì thế, trong chuyến hành hương về Điện Biên - nơi cách đây 60 năm, quân và nhân dân Việt Nam đã viết lên bản anh hùng ca bất diệt với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu- tôi không quên thăm 2 ngôi trường nằm ở xã Mường Phăng. Gặp gỡ các thầy cô ở đây, tôi càng trân trọng, cảm phục hơn bao giờ hết những con người đang ngày đêm gieo chữ ở vùng cao Tây Bắc này...

Sau giờ dạy buổi sáng, các thầy cô giáo Trường THCS Võ Nguyên Giáp tranh thủ giờ nghỉ trưa để sửa chữa máy in,...

Các thầy cô giáo ở Mường Phăng đón tôi như một người bạn thân lâu không gặp. Bên chén nước chè xanh, những câu chuyện của các giáo viên cắm bản cứ tuôn trào, không dứt... Cô giáo Trần Thị Ngàn (39 tuổi), quê Thái Bình, có gần 20 năm gắn bó với Trường THCS Mường Phăng (nay là Trường THCS Võ Nguyên Giáp) dạy Văn- Sử, không sao quên được ngày đầu tiên được phân công lên dạy ở vùng cao heo hút này.

Năm đó là năm 1999, đường về Mường Phăng gập ghềnh, cứ theo đường mòn như thời đánh trận mà đi. Cảm giác ngày càng xa hun hút đất đồng bằng cứ lớn dần, đặc biệt khi nhìn thấy ngôi trường không như mình đã tưởng khiến cô nhụt chí. Trường lớp thì tranh tre, nứa lá, dột nát. Học trò hỏi gì cũng mỗi câu trả lời: “ừ”. Ăn uống kham khổ nhưng khó khăn nhất vẫn là việc vận động học trò ra lớp cho đủ sĩ số. Ban ngày dạy học, tối đến, cô lại cùng học trò cầm đuốc đi bộ vào các bản cách trường 5, 7km đường rừng để vận động học sinh (HS) ra lớp.

Cô Ngàn chia sẻ: “Học trò ở Mường Phăng phần lớn gia đình đều khó khăn. Mình phải thường xuyên gần gũi, động viên, thăm hỏi để nắm tâm tư tình cảm của các em. Các em rất ngoan, hiền nhưng nhút nhát, ngại và bị động trong giao tiếp, ít thổ lộ tình cảm. Vì vậy, thầy cô giáo ở đây phải luôn biết cách gần gũi để nắm bắt tâm lý mà có cách giáo dục cho phù hợp...”. Nói thì dễ nhưng làm không dễ.

... làm đồ chơi dân gian... 

Cô Hoàng Thị Thương- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp- không sao quên được ngày đầu tiên về nhận nhiệm sở ở đây. “Hôm đó, tôi mượn được chiếc xe đạp của HS về dưới thị trấn Điện Biên (nay là TP Điện Biên) mua ít đồ dùng học tập. Trò sợ cô không thuộc địa hình nên đòi đi theo. Hai cô trò đạp xe vượt qua những con đường mòn quanh co, ghồ ghề.

Trời mưa, đường trơn truột, tôi không cầm vững được tay lái, hai cô trò ngã lăn quay. Chiếc quần tây mới may rách bươm  đầu gối. Cô trò ôm nhau khóc giữa rừng”-cô Thương kể... Gần 20 năm rồi, cô Ngàn, cô Thương đã quyết định gắn bó với Mường Phăng với cuộc sống tập thể thiếu trước, hụt sau...

Trong căn phòng tập thể chật chội của Trường THCS Võ Nguyên Giáp, tôi nghẹn lòng khi nghe thầy Nguyễn Thế Trạch (57 tuổi), quê Hưng Yên, lên vùng cao Tây Bắc này dạy học đã được 35 năm kể chuyện. Trước khi về dạy tại Mường Phăng, thầy Trạch có 9 năm dạy ở Sìn Hồ (Lai Châu), 2 năm dạy ở Mường Nhá và 3, 5 năm dạy ở Pà Thơm (Lai Châu ngày chưa chia tách, Điện Biên ngày nay).

... và chuẩn bị bài học cho buổi chiều. 

Ở những nơi ấy, đường về các điểm trường chỉ là đường mòn nhỏ , phải băng rừng, lội suối, vượt sông. Mỗi lần HS bỏ học, lại bơi qua sông, qua suối để vào bản vận động. Vất vả, nhọc nhằn có thể vượt qua được nhưng buồn  nản nhất là khi nghe phụ huynh bảo: “Nó không thích học thì thôi, thầy đừng đi tìm làm gì...”. Nếu không có tình yêu với lũ trẻ vùng cao Tây Bắc và lòng yêu nghề, chắc khi ấy, thầy giáo trẻ Nguyễn Thế Trạch đã từ bỏ nơi này.

Thầy tâm sự: “So với ngày xưa, bây giờ khá hơn nhiều rồi, nhưng thực tế thì học trò của mình còn nghèo lắm, thương không chịu được. Bố mẹ các cháu đi làm nương rẫy cách xa bản cả ngày đường, trước khi lên nương, để lại cho các cháu một nắm cơm nếp ăn với muối thôi. Cháu nào không được tiêu chuẩn nội trú, trưa học xong  tự về nhà lấy cơm nắm bố mẹ để dành trên bếp mà ăn rồi lại đến trường học tiếp. Bố mẹ ở đây ít quan tâm đến con cái, tất cả đều giao phó cho giáo viên, nên ở đây, chúng tôi coi các em như con của mình.

Hơn 35 năm gắn bó với nghề, người thầy giáo ấy vẫn ở tập thể, cuối tuần mới chạy xe về trung tâm huyện Điện Biên thăm vợ con. Vợ thầy là người dân tộc Tày, dạy Văn ở H. Điện Biên. Họ lập gia đình từ 1991 đến nay, nhưng cứ sống mãi cảnh “Ngưu lang, chức nữ”. Cô Hoàng Thị Hương (54 tuổi) quê Thanh Hóa, bén duyên với ngành gần 35 năm thì cũng ngần ấy năm bám trường, bám bản ở những vùng sâu xa xôi, thời Điện Biên chưa tách ra khỏi Lai Châu (cũ).Thương học trò, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi còn tự làm các đồ dùng học tập, tổ chức các trò chơi dân gian để các cháu tập làm quen các kỹ năng khác...Sách, tập vở, bút viết hết các thầy cô lại mua cho. Mình đã cực, nhưng tụi nhỏ còn cực hơn...”.

Bếp ăn tập thể của giáo viên Trường THCS Võ Nguyên Giáp. Ảnh: P.T

Nhớ cảnh vừa điệu đứa út phía trước, điệu đứa thứ 2 phía sau lưng và tay thì dắt đứa đầu đến lớp giảng bài, cô Hương ngậm ngùi: “Bây giờ đỡ cực hơn rồi nhưng so với học trò ở đồng bằng, ở TP Điện Biên, thì ở đây còn khối chuyện phải làm. Học trò đa phần là con các hộ nghèo, bố mẹ phó thác việc học hành, ăn ở hàng ngày cho nhà trường nên thầy cô vất vả lắm. Cũng có lúc nản, nhưng nhìn ánh mắt học trò lại quên hết...”.

Trong khu tập thể giáo viên rộng chưa đầy 10m2 ấy, các thầy cô giáo Mường Phăng vẫn miệt mài soạn giáo án, làm đồ dùng dạy-học, cất lên những vần thơ yêu đời với một niềm tin “Ngày mai rồi sẽ khác”!

(còn nữa)

Ghi chép: P.Thủy