Dạy học sinh trở thành người bình thường
(Cadn.com.vn) - Câu hỏi khó nhất, làm tốn nhiều giấy mực nhất đối với giáo dục nước ta hiện nay là làm thế nào để giáo dục học sinh trở thành những công dân tốt, có năng lực và đạo đức, là những người chủ thực sự của một xã hội phát triển lành mạnh, ổn định. Rất nhiều ý kiến, bài viết đã bàn về chủ đề này. Ở đây, xin đề cập đến một gợi mở nhỏ: Tại sao không dạy cho các em nhu cầu phát triển thành một NGƯỜI BÌNH THƯỜNG?
Hai câu chuyện về “thành đạt”
Trong buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 40 năm lớp 10C, Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, Vinh, Nghệ An (1973-2013, tổ chức ngày 14-9-2013), 40 cựu học sinh cũ chúng tôi vui mừng đến phát khóc khi được gặp lại nhau, gặp lại các thầy cô giáo cũ, sau chừng ấy năm trời. Thế nhưng, có một chi tiết làm người viết bài này băn khoăn mãi là một thầy giáo cũ đề nghị mỗi học trò cũ “báo cáo” về sự thành đạt của mỗi người... Chúng tôi thật khó xử vì trong số 40 cựu học sinh, hơn một nửa thi trượt kỳ thi đại học 1973-1974.
Hồ Viết Sinh, MC của buổi họp mặt đã trả lời, đại ý, chúng em còn sống đến hôm nay, có gia đình, vợ con, cháu chắt, không ai vi phạm pháp luật đã là thành đạt lắm rồi; còn cụ thể, vì “không thống kê kịp” nên sẽ báo cáo với các thầy cô giáo sau. Đó là một câu trả lời của một “nhà ngoại giao chuyên nghiệp”, đủ tinh tế về ngôn ngữ và cấp độ để làm tất cả hài lòng, cho dù bạn ấy chưa bao giờ rời khỏi thành phố Vinh...
Cũng trong dịp Kỷ niệm 55 năm thành lập Đại học Huế (2012), trong số rất nhiều cựu sinh viên về dự, những người được xã hội mặc nhiên coi là thành đạt, luôn được ưu ái quá mức cần thiết. Họ được ngồi ghế đầu, được kính lên kính xuống...
Thế nhưng, có một điều mà ai cũng “quên”: Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, nhưng nếu in được hàng chục công trình nghiên cứu văn học, hay trở thành nhà báo nổi tiếng, nhà giáo dạy văn được học sinh, sinh viên tôn trọng... thì lại “bị” coi là... bình thường(?). Ngược lại, nếu trở thành bí thư tỉnh ủy, chủ tịch huyện... thì được tung hô là thành đạt? Vậy, thế nào là một con người thành đạt?
Câu hỏi khó nhất là làm sao giáo dục học sinh trở thành những công dân tốt. |
Học sinh sớm thui chột vì “người lớn” đòi hỏi quá cao
Áp lực phải hơn người, hơn bạn bắt đầu từ cái phiếu Bé Ngoan, được gia cố, “tăng trọng” bằng cái cặp sách ngày một dày, nặng rồi, tăng lên không ngừng bằng các điểm thi, bằng hàng loạt các “yêu sách” từ gia đình, xã hội, đã làm cho đứa trẻ chưa kịp lớn đã trở thành ông cụ, bà cụ non trầm cảm, lệch lạc về nhân cách, cực đoan trong ứng xử, vô cảm (thậm chí là tàn nhẫn) trong cách nhìn đời, là một thực tế hiển nhiên.
Đồng ý rằng đua tranh để cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, giỏi hơn, xa hơn, tốt hơn, khéo léo hơn là mục đích tốt đẹp của mọi môn thể thao; trong đó, có “môn thể thao” khốc liệt nhất là cuộc đời. Thế nhưng, mục tiêu của giáo dục đại chúng (phổ cập) chưa bao giờ, không bao giờ là chỉ nhằm tạo nên những người đứng hàng thứ nhất. Mục tiêu của giáo dục là tạo nên một xã hội hài hòa, tốt đẹp và, 99% dân cư của xã hội đó là những người... bình thường.
Nếu người lớn luôn đòi hỏi con, cháu mình nhất thiết phải giỏi thì lấy đâu ra phần tốt đẹp trong đa số tuyệt đối? Tại sao chúng ta không dạy cho học sinh rằng, nỗ lực cao nhất, cố gắng nhiều nhất là bổn phận đúng và đủ của kiếp người, còn sự thành công hay tài năng, giỏi giang còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đòi hỏi cao quá buộc học sinh phải đối phó bằng quay cóp, bằng nói dối, bằng học tủ, học vẹt (chỉ để thi có điểm cao).
Làm một người bình thường, một công dân tốt trong tương lai là điều vô cùng khó; do đó, phải rèn luyện, học tập từ những điều nhỏ nhặt, cũng bình thường như chính cuộc đời này... Thử hỏi, nếu học sinh nghĩ rằng không được danh hiệu nọ, tiêu chuẩn kia là do bị bạn khác giành mất “suất” thì làm sao không phát sinh sự ích kỷ và vô cảm?
Trong tất cả các cách thức để đánh giá học sinh, xếp loại đạo đức, hạnh kiểm là điều nặng nề nhất. Hạnh kiểm B là một đòn nặng đánh thẳng vào, làm tổn thương sâu sắc tâm hồn trẻ thơ. Chúng tôi nghĩ rằng chưa bao giờ đó là giải pháp đúng cho một tập thể bình thường bởi nó đào sâu cái hố ngăn cách, “loại bỏ” con người ngay từ khi chưa kịp trải qua giai đoạn học để thành người. Thay vì xếp loại đạo đức, tại sao nhà trường không giảm bớt sự căng thẳng bằng cách căn cứ vào kết quả học tập (đã quá lắm rồi), chỉ những trường hợp vi phạm trầm trọng mới kiểm điểm hay kỷ luật thôi?
Có một tình trạng chung, nguy hại ở nhiều trường học hiện nay là nếu học sinh bỏ học, thầy cô giáo bị kiểm điểm, mất thi đua; lớp có nhiều học sinh bị yếu kém, giáo viên cũng bị tương tự... Vận động mãi không được thì giáo viên bất lực, tại sao lại phải chịu kỷ luật? Học yếu (khả năng đáng lớp 3 học “nhầm” lớp 5 chẳng hạn) mà bị áp lực thành tích thì giáo viên chỉ còn cách nhắm mắt, buông theo.
Kết quả là trò kém coi thường thầy cô; dối trá (quay cóp) tràn lan, sự trì trệ và tiêu cực cứ tiếp diễn năm này qua năm khác. Đã đến lúc cần phải đặt câu hỏi là phổ cập giáo dục cho cả nông thôn rừng núi, đồng bằng, thành thị như nhau có đúng hay không? Tại sao không hạ bớt một cấp hay một lớp cho các vùng sâu, vùng xa? Chừng nào còn bị bệnh thành tích chi phối, chừng nào mà dối trá (quay cóp là hình thức phổ biến, thấp nhất) còn là “hiện tượng” phổ biến thì chừng đó, giáo dục chưa thể tạo ra “sản phẩm” là những công dân rất mực bình thường...
Hà Văn Thịnh