Dạy-học trực tuyến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vì sao?
Trong thời dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, học sinh nghỉ học liên tục, dạy-học trực tuyến lên ngôi và áp dụng được xem là giải pháp tối ưu nhất. Trong những ngày này, nhiều trường học trên cả nước tổ chức học online, học qua sóng phát thanh, truyền hình... Tuy nhiên, sau thời gian dài dạy - học trực tuyến, nhìn từ thực tế, mọi việc chưa đạt hiệu quả như mong muốn cho dù giáo viên cũng đã làm khá tốt công việc này. Vì sao như vậy?
Cách triển khai của trường THCS Lê Thánh Tông, TP Đà Nẵng về giao bài tập cho HS. Ảnh: P.T |
Theo một số chuyên gia, muốn dạy và học trực tuyến được hiệu quả, ngoài sự cố gắng của các thầy cô giáo thì rất cần sự quan tâm, đôn đốc của phụ huynh khi học sinh nghỉ ở nhà. Số lượng học sinh đăng ký học rất ít và chỉ rơi vào một số em ở lớp 9 và lớp 12. Những học sinh của các khối lớp còn lại rất ít em vào học. Với nhiều học sinh khu vực nông thôn, việc học trực tuyến có lẽ còn xa vời quá.
Khó khăn cho học sinh vùng nông thôn, miền núi
Tại các vùng nông thôn và các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của trẻ nên thời gian nghỉ học cũng là thời gian các em theo cha mẹ lên rẫy làm việc.
Hơn 3 tuần lễ tính từ ngày được nghỉ học để phòng ngừa dịch cũng là thời gian mà em Đinh Thị Nhiên, học sinh lớp 8 Trường trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Sơn Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) theo mẹ lên rừng thu hoạch đót để bán. Ban ngày, Nhiên gần như không ôn tập tại nhà. Tuy nhiên, nhờ được giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gọi điện nhắc nhở nên đều đặn mỗi tuần 4 buổi tối, Nhiên lại cắp sách đến nhà bạn cùng ôn tập.
Theo lãnh đạo nhiều trường ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, trong thời gian học sinh nghỉ học phòng ngừa dịch, các trường phối hợp chính quyền xã thông báo qua hệ thống phát thanh xã về lịch nghỉ học để phụ huynh, học sinh nắm rõ và thực hiện. Thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Sơn Bua cho hay, trong thời gian nghỉ học, trường đều phân công giáo viên trực và dọn vệ sinh; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở các em tự ôn tập tại nhà. Điều kiện kinh tế ở miền núi còn nhiều khó khăn, các em không thể ôn tập qua internet. Do đó, cách hiệu quả nhất là các em phải tự học nhóm cùng nhau, em học tốt kèm em học yếu hơn để giúp nhau củng cố kiến thức.
Không chỉ học sinh miền núi, ngay tại nhiều vùng đồng bằng, vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi, việc học sinh tự học tại nhà cũng còn nhiều hạn chế. Chị Phạm Thị Nhung, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành dù ban ngày phải đi làm vất vả, nhưng tối nào chị cũng dành 2 giờ để giám sát con tự học. Chị Nhung cho biết: "Nếu để trẻ tự sử dụng điện thoại di động, máy tính tự học sẽ không đạt hiệu quả bởi các con chưa có ý thức tự học. Do đó, ban ngày, tôi phải gửi con qua nhà ông bà để đi làm. Buổi tối, tôi luôn dành thời gian để chỉ bài cho con, hướng dẫn con lên mạng làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm".
Ít tương tác giữa giáo viên, học sinh
Theo các giáo viên, những bài giảng được giáo viên đưa lên nhiều ngày nhưng rất ít khi thấy học sinh vào học tập. "Ngay từ tuần thứ 2 nghỉ phòng chống dịch bệnh, nhiều trường đã chủ trương tập huấn giúp giáo viên nắm bắt các kỹ năng cần thiết trong việc soạn giảng, đưa bài lên trang trực tuyến nhằm giúp học trò hệ thống lại kiến thức. Nhân viên của các nhà mạng luân phiên nhau đến các trường học để tập huấn tận tình cho giáo viên, giáo viên cũng rất ham học hỏi và nhanh chóng làm chủ được phần mềm này", một giáo viên cho biết.
Các giáo viên đều đưa bài ôn tập lên trang trực tuyến của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cũng thông báo việc học trực tuyến cho phụ huynh qua các tin nhắn điện tử, Zalo, Facebook của phụ huynh về đường link, clip hướng dẫn đăng ký học, mật khẩu... Ứng dụng dạy trực tuyến giúp thầy và trò tương tác dễ dàng. Nhưng chuyện các em học sinh hỏi bài và tương tác với thầy cô rất ít. Theo dõi trang trực tuyến của trường, mới thấy, thầy cô cũng đã hết lòng soạn bài, soạn câu hỏi để đưa lên trang trực tuyến với hy vọng giúp cho học sinh học tập nhằm củng cố kiến thức và cũng là cách giết thời gian rảnh rỗi khi ở nhà nhưng dường như học trò không mặn mà với việc học trực tuyến mà nhà trường đã triển khai. Vì vậy, có thể thấy, học trực tuyến chỉ một mình giáo viên thì chưa đủ. Ngoài sự cố gắng của đội ngũ thầy cô giáo ở nhà trường thì rất cần sự quan tâm, đôn đốc của phụ huynh khi học sinh nghỉ ở nhà.
P.V