Đẩy mạnh đội ngũ “hoa tiêu” đấu tranh, ngăn chặn tin giả về dịch Covid-19
Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, cùng với việc bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình trạng đăng tải tin giả, tin sai sự thật về liên quan dịch COVID-19 trên mạng xã hội có xu hướng gia tăng.
Cơ quan công an làm việc với đối tượng này dùng facebook thông tin sai sự thật về công tác chống dịch trong khu vực cách ly ở Đắk Song.
Thông qua mạng Internet và mạng xã hội, nhiều đối tượng đã đăng tải những hình ảnh, nội dung, thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 gây haong mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến TTXH. Các loại hình chủ yếu là tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19; xuyên tạc về vắc-xin phòng COVID-19; công kích, bôi nhọ chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch; xúc phạm nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tích trữ lương thực thực phẩm; kêu gọi lập đoàn tự phát về quê tránh dịch...
Điển hình ngày 14-7-2021, Công an huyện Đắk R'lấp (tỉnh Đắk Nông) phát hiện tài khoản facebook “Hồng Ngọc (Phun xăm thẩm mỹ)” đăng tải thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 với nội dung "Đạo Nghĩa có dịch nha mọi người, 3 ca 2 vợ chồng và 1 con nhỏ dương tính". Ngày16-7, Công an huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) phát hiện tài khoản facebook “TV” đăng tải thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 với nội dung “Báo động nha Đắk Mil ơi. Đừng chủ quan - Dịch tới nơi rồi ạ” kèm theo 1 danh sách có nội dung “Danh sách F1 ngày 14/7/2021”.
Hoặc cuối tháng 7-2021 và đầu tháng 8-2021, N.V.H và L.T.H đã bị xử phạt vì sử dụng các tài khoản facebook để đăng tải thông tin sai sự thật về công tác chống dịch trong khu vực cách ly ở Đắk Song với nội dung: "Bắt người ta đi cách ly 14 ngày, mỗi ngày phải đóng 120 ngàn đồng mà thức ăn không hợp khẩu vị, "không tương xứng", phải nhịn đói...". Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 8 trường hợp đưa tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 đã tạo gây tâm lý tiêu cực trên mạng xã hội, sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, không loại trừ việc tin giả, tin sai sự thật bị các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng để phục vụ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Để góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích, là đội ngũ “hoa tiêu” trên mạng xã hội.
Trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng (nhất là ngành Y tế) cần tiếp tục chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến người dân; chú trọng phát huy ưu thế của các trang (fanpage), nhóm (group) tuyên truyền trên mạng xã hội góp phần định hướng thông tin, bác bỏ tin giả, tin sai sự thật.
Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin - Truyền thông, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân những kênh thông tin chính thống, nhất là trên mạng xã hội; hình thành kỹ năng tiếp nhận, chọn lọc thông tin từ các nguồn uy tín; có thái độ, ý thức phê phán, lên án, đấu tranh với tin giả về dịch bệnh Covid-19.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên cần biến trang mạng xã hội cá nhân thành một kênh cung cấp thông tin chính thống, có định hướng. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình không để đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân của mình vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, lan truyền những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên địa bàn, kịp thời công bố trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội để tạo sức giáo dục, răn đe cảnh tỉnh.
Thành Nhân