Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy mạnh hợp tác phòng, chống ma túy giữa các nước ASEAN

Thứ năm, 18/10/2018 10:44

Đại biểu các nước chụp ảnh chung.   Ảnh: TTXVN

Đưa hợp tác phòng, chống ma túy giữa các nước ASEAN lên tầm cao mới, thể hiện cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong giải quyết vấn đề ma túy - đó là thông điệp từ Thiếu tướng Phạm Văn Các- Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đưa ra tại Hội nghị Quan chức cấp cao trù bị cho Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 17-10.

Nhấn mạnh bối cảnh tình hình ma túy thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, Thiếu tướng Phạm Văn Các cho biết: Theo số liệu thống kê của Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), có ít nhất khoảng 250 triệu người, tương đương 5% dân số thế giới đang sử dụng ma túy. Khu vực Đông và Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp. Thế giới đang phải đối mặt với sự xuất hiện và gia tăng các chất hướng thần mới. Khu vực Tam giác vàng bao trùm nhiều nước thành viên ASEAN, tiếp tục là “điểm nóng” về trồng cây thuốc phiện và đang nổi lên là trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới.

Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại nhiều lợi ích chung. Song, các tổ chức tội phạm cũng lợi dụng sự phát triển đó để phạm tội với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lôi kéo, mua chuộc các chuyên gia về hóa học nghiên cứu, phát minh ra nhiều loại ma túy mới. Ngày càng có nhiều loại tiền chất, hóa chất mới không nằm trong danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế được sử dụng điều chế ma túy tổng hợp. Các trang Web đen, các chợ ma túy trên internet đang ngày càng phát triển, với các giao dịch, mua bán ma túy bằng tin nhắn mã hóa qua mạng và thanh toán bằng tiền điện tử như Bitcoin thay thế tiền mặt. Bên cạnh đó, một số quốc gia trên thế giới đang xuất hiện xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy. Đây là những thách thức lớn, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ chung cho lực lượng phòng, chống ma túy của các nước trên thế giới, trong đó có ASEAN.

“Nhận thức được mối đe dọa nghiêm trọng của vấn đề ma túy trong tình hình mới, từ năm 2012, cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về ma túy đã được thiết lập và chính thức được thể chế hóa từ năm 2015, đã đưa hợp tác phòng, chống ma túy giữa các quốc gia ASEAN lên tầm cao mới, thể hiện cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong giải quyết vấn đề ma túy”, Thiếu tướng Phạm Văn Các nhấn mạnh.

Để kịp thời ứng phó với tình hình ma túy hiện nay, Thiếu tướng Phạm Văn Các cho rằng, ASEAN cần tập trung tăng cường hiệu quả, chất lượng nghị sự của các kỳ Hội nghị cấp Quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng, bám sát diễn biến, tình hình ma túy thế giới và khu vực để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị sự, đảm bảo vai trò tham vấn, định hướng chung về chính sách phòng, chống ma túy trong khối ASEAN. Đồng thời, với các sáng kiến, cơ chế hợp tác đã có, cần đẩy mạnh các hoạt động đi vào thực chất, đa dạng về nội dung, hình thức triển khai, tạo sự gắn kết và phát huy các thế mạnh của từng quốc gia cũng như sức mạnh tổng thể của các quốc gia trong khối ASEAN. Trong lĩnh vực này, thông tin là yếu tố cốt lõi. Do đó, các quốc gia cần phải phát huy hơn nữa hiệu quả trao đổi, xử lý thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia ASEAN để phục vụ công tác đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này...

HẠNH QUỲNH