Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử

Thứ tư, 24/07/2019 13:15

Ngày 23-7, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử (BAĐT), hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.

Các đại biểu tham dự hội nghị tìm hiểu những phần mềm về hồ sơ BAĐT.    

Triển khai BAĐT là bước đột phá quan trọng

Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định của Luật khám, chữa bệnh (KCB) thì hồ sơ bệnh án là tài liệu y khoa, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần đến cơ sở KCB. Hồ sơ bệnh án phải được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật theo quy định và thời gian lưu trữ từ 10 đến 20 năm tùy từng trường hợp. Như vậy, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã cho phép việc lập hồ sơ bệnh án điện tử...

Việc đẩy mạnh BAĐT nhằm hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán điện tử (không sử dụng tiền mặt) trong thu viện phí. Thông tư số 46/2018/TT-BYT đã đề ra lộ trình triển khai hồ sơ BAĐT gồm 2 giai đoạn. Theo đó, từ năm 2019-2023, các cơ sở KCB hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ BAĐT. Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 135 BV hạng I và hạng đặc biệt, số BV này phải triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) xong trước ngày 31-12-2023. Đến giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ BAĐT. Trường hợp cơ sở KCB chưa triển khai được hồ sơ BAĐT thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ BAĐT trước ngày 31-12-2030. Ông Tường cho biết: Hội nghị lần này nhằm thảo luận, đề xuất, tìm kiếm các giải pháp và xây dựng kế hoạch triển khai BAĐT tại các cơ sở KCB bảo đảm lộ trình đề ra, có hiệu quả cao, hướng tới BV không dùng bệnh án giấy. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật phần mềm BAĐT.

Theo ông Trần Quý Tường, việc triển khai thành công BAĐT giúp người bệnh, thầy thuốc, cơ sở KCB và nhà quản lý thu được rất nhiều lợi ích. Cụ thể, người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả loại giấy tờ khi đi KCB; BAĐT giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc đưa BAĐT vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sỹ. Đồng thời, BAĐT sẽ cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở KCB. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Đặc biệt, các bác sỹ có thể truy cập hồ sơ BAĐT từ bất kỳ nơi nào.

Việc triển khai BAĐT cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Khi thông tin về KCB của người bệnh được minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có... Ông Tường khẳng định: “Triển khai BAĐT rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử và chuyển đổi số. Việc triển khai BAĐT  là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số của ngành y tế...”.

Đi khám chữa bệnh không cần mang theo tiền mặt

Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, một số bệnh viện đã tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và ghi nhận những kết quả hết sức tích cực.

BV Đại học Y dược TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc hệ thống y tế trên đoàn quốc áp dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí, cung cấp tiện ích cho người dùng khi đến KCB tại bệnh viện. Theo đó, người dùng chỉ cần quẹt mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với BV và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí hay đến BV khám bệnh phải mang theo tiền mặt. Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng mã QR tại BV giúp người bệnh thanh toán chi phí KCB trực tuyến trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn... Đối với BV Bạch Mai, chỉ trong vòng 6 tháng triển khai, đã có hơn 110.000 lượt bệnh nhân lựa chọn dùng dịch vụ thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng, hơn 30.000 bệnh nhân được cấp thẻ khám bệnh – thanh toán viện phí liên kết giữa ngân hàng và BV Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sử dụng thẻ để tái khám ngày càng tăng.

Ông Trần Quý Tường cho biết: Lợi ích của thanh toán viện phí không tiền mặt là nhằm đơn giản hóa thủ tục; phục vụ bệnh nhân tốt hơn, không còn phải xếp hàng để thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát); tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp BV quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin BV, hồ sơ BAĐT. Bên cạnh đó, người dân dễ dàng và thuận tiện trong thanh toán, giảm thời gian chờ đợi, không phải xếp hàng cũng như không cần mang theo tiền mặt...

LÊ HÙNG