Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy nhanh các giải pháp phục hồi kinh tế Đà Nẵng

Thứ sáu, 10/09/2021 15:30

Nửa đầu năm 2021 kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng ấn tượng, song từ đầu tháng 7 đến nay, dịch Covid-19 phức tạp, nhiều hoạt động phải tạm dừng, thu hẹp, dẫn tới các lĩnh vực kinh tế chủ lực suy giảm. Thời điểm này, TP cần đẩy nhanh các giải pháp phục hồi kinh tế trong tình hình mới để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch.

Để khôi phục kinh tế cần sớm cho phép các nhà máy hoạt động tối đa nhân lực. 

Trong tháng 8 các lĩnh vực kinh tế chủ lực của Đà Nẵng như dịch vụ, công nghiệp, vận tải... đều suy giảm sâu, thu ngân sách không đạt kỳ vọng, không thu hút được dự án đầu tư trong nước nào. Những kết quả này cũng dễ hiểu khi phần lớn thời gian TP phải tạm dừng các hoạt động, thực hiện các biện pháp cấp bách chống dịch. Tuy nhiên, tình trạng này không thể kéo dài, TP cần có giải pháp phù hợp, cấp bách để phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh ngay cả khi dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp. 

Giải pháp cần kíp nhất hiện nay là khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất bình thường trong tình hình mới. Ông Nguyễn Thanh Phúc, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Tổng giám đốc Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho rằng, giải pháp “ba tại chỗ” chỉ có tính ngắn hạn, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, còn doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động nếu kéo dài sẽ rất khó khăn, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Chưa kể, áp dụng dài hơn nữa sẽ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của người lao động, dẫn tới giảm năng suất. Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty thủy sản Thuận Phước cho rằng, không nhà máy nào xây nên có chỗ ở cho công nhân cả. Ở trong điều kiện không đảm bảo, không biết ở nhà con cái ra sao, tâm lý không yên tâm làm việc. Ông Lĩnh nói, việc thực hiện “ba tại chỗ”, hạn chế số lượng lao động khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng, nhiều lao động không có việc làm, doanh nghiệp không đáp ứng đủ đơn hàng, mất mối làm ăn. Đơn cử ở Thuận Phước hiện mới chỉ có 1.300 lao động được làm việc, còn 1.500 lao động vẫn phải nghỉ, họ lấy đâu nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng an sinh cho TP. Còn với doanh nghiệp, doanh số đang từ gần 10 triệu USD/tháng tụt xuống còn 2 triệu USD/tháng vì phải thu hẹp sản xuất để chống dịch. “Nếu đã hy sinh lợi ích kinh tế để chống dịch mà không trở lại được trạng thái bình thường thì phải bình thường hóa để sản xuất, chấp nhận sống chung với dịch. Tất nhiên, việc mở cửa sản xuất, sống chung với dịch cần phải đi kèm các điều kiện, ràng buộc nghiêm ngặt. Đặc biệt, phải sớm phủ vaccine cho công nhân đồng thời thắt chặt 5K”- ông Lĩnh chia sẻ. 

Cần ưu tiên vaccine cho nhân lực các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như thương mại dịch vụ.

Ông Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, nếu doanh nghiệp đã phủ vaccine cho lao động ít nhất 1 mũi thì TP nên cho phép hoạt động bình thường, áp dụng “một cung đường hai điểm đến”. Ngoài việc tuân chủ nghiêm yêu cầu chống dịch trong môi trường sản xuất, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong xử lý tình huống khi có ca f0 xuất hiện. Diễn biến dịch còn kéo dài, để đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch ông Phúc cho rằng, TP cần thống nhất việc thực hiện quy định phòng chống dịch để tránh thay đổi, sửa chữa đột suất làm cho doanh nghiệp chuẩn bị không kịp thời. Mặt khác, với nguyên liệu, hàng hóa tất cả đều thiết yếu, đều phải được lưu thông bình thường (kèm theo các yêu cầu chống dịch) như vậy mới đảm bảo hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế. Một cỗ máy chỉ hư một đoạn dây điện sẽ phải dừng lại, đoạn dây điện đó là thiết yếu. Sản xuất là một chuỗi, bất cứ khâu nào cũng thiết yếu, không thể gián đoạn.

Để đẩy nhanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thì nhân lực trong một số lĩnh vực kinh tế quan trọng như công nhân, tiểu thương các chợ, siêu thị, nhân viên dịch vụ du lịch, nhà hàng, vận tải… cần được ưu tiên tiêm vaccine trước. Ông Phúc nói, Đà Nẵng cần thành lập tổ công tác đặc biệt trong điểm dịch bệnh hiện nay để mỗi tháng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp 1 lần, ghi nhận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để khơi thông sản xuất, kinh doanh. Tổ công tác đặc biệt này sẽ triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động, cho doanh nghiệp; chỉ đạo các cơ quan nhà nước đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên giải quyết thủ tục qua mạng... Ngoài ra, TP cũng cần chuẩn bị ngay chính sách, tài chính để hỗ trợ lĩnh vực chủ lịch trong cơ cấu kinh tế là dịch vụ, du lịch ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. 

Một giải pháp khác cũng cần đẩy nhanh trong bối cảnh hiện nay để sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế đó là giải ngân đầu tư công. Bên cạnh việc mở rộng cho phép các công trình dự án được hoạt động trở lại, tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thì những khó khăn về thủ tục, vướng mắc về mặt bằng cũng cần sớm được khơi thông. Từ đầu năm đến nay, tiến độ giải ngân đầu tư công của Đà Nẵng đang thực hiện tốt, đạt hơn 4,3 ngàn tỷ đồng (tăng gần 60% so với cùng kỳ), tuy nhiên trong tháng 8 do ảnh hưởng dịch bệnh, phải tạm dừng các công trình, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 468 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với tháng trước. 

Thời điểm hiện nay, việc tăng cường giải ngân đầu tư công không chỉ tạo việc làm cho lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, cho người lao động, mà còn giúp sớm hoàn thiện các công trình hạ tầng trọng điểm, tạo động lực tăng trưởng, phát triển  kinh tế.

HẢI QUỲNH