Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy nhanh tiêm vaccine, hạn chế bệnh nhân tử vong vì COVID-19

Thứ năm, 10/02/2022 11:17

Phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 9-2, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; tập trung điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong vì COVID-19.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu ngành Y tế cùng các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine, tập trung điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Đà Nẵng ghi nhận thêm 925 F0

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 9-2, Đà Nẵng ghi nhận 925 ca mắc COVID-19, gồm 228 ca cách ly tại nhà và 697 ca cộng đồng. Cụ thể, 697 ca cộng đồng gồm: 454 ca tự đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm; 238 ca tự test nhanh dương tính được các trạm y tế lấy mẫu; 5 ca về từ nơi khác. Quận Hải Châu là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất với 232 ca, tiếp đến là quận Cẩm Lệ 188 ca, quận Liên Chiểu 108 ca, huyện Hòa Vang 107 ca, quận Sơn Trà 99 ca, quận Thanh Khê 95 ca và quận Ngũ Hành Sơn 91 ca. Cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 28.841 ca COVID-19.

 

Bác sĩ Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho hay, hiện nay mục tiêu của ngành Y tế là tập trung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 để giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. “Theo thống kê, trong số các bệnh nhân chuyển nặng có 90% bệnh nhân độ tuổi trên 50 và có bệnh nền; 43% bệnh nhân chuyển nặng chưa được tiêm vaccine, phần lớn là người lớn tuổi. Số ca tử vong chủ yếu rơi vào những trường hợp trên 80 tuổi có bệnh nền”, bác sĩ Thủy thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, trong bối cảnh hiện nay, cùng với cả nước, ngành Y tế thành phố đang đẩy mạnh quản lý, điều trị F0 tại nhà. Trong số hơn 10.000 ca bệnh đang được quản lý, điều trị có đến 93% được quản lý, điều trị tại nhà. Để triển khai hiệu quả công tác điều trị F0 tại nhà, hơn 500 bác sĩ đang được tạo điều kiện tham gia khóa tập huấn do Đại học Y Hà Nội tổ chức. Hiện, 56 xã/phường trên địa bàn thành phố đã thiết lập 75 trạm y tế lưu động với sự tham gia làm nhiệm vụ của 254 nhân viên y tế. Công tác điều trị F0 tại nhà đang từng bước đi vào nề nếp, đến nay không có trường hợp tử vong khi điều trị tại nhà. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngành Y tế đã phối hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành, thực hiện gần 1.000 cuộc gọi hỗ trợ cho F0 điều trị tại nhà.

“Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca mắc mới không ngừng tăng, số bệnh nhân được điều trị tại nhà nhiều đã gây áp lực lớn cho lực lượng y tế. Vì thế, lực lượng y tế cần thêm sự hỗ trợ về mặc nhân lực; các địa phương cần tăng cường hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng để hỗ trợ cho lực lượng y tế làm tốt công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Thủy đề nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Vì thế, các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là; phải quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống để từng bước kiểm soát dịch bệnh. Ngành Y tế phải tập trung bảo vệ cho những người có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19.

Tất cả những bệnh nhân trên 65 tuổi, người có bệnh nền mắc COVID-19 cần ưu tiên đưa vào cơ sở y tế điều trị để theo dõi sớm. Ngoài ra, bắt buộc tất cả các bệnh viện đều phải có một khu điều trị cho F0 để đảm bảo điều trị cho những bệnh nhân có bệnh nền đúng chuyên môn. “Song song đó, ngành Y tế và các địa phương phải tăng cường nguồn nhân lực mới cho y tế cơ sở, đồng thời đánh giá, sàng lọc lại nguồn nhân lực cũ để phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch. Chúng ta bắt buộc phải giám sát được các F0 đang được điều trị tại nhà”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo.

Về công tác tiêm vaccie, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, việc rà soát người chưa tiêm vaccine vẫn chưa thật sự sát khi đến nay các địa phương vẫn còn báo cáo nhiều trường hợp chưa được tiêm vaccine mũi 1. Ông yêu cầu các địa phương phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiến hành tiêm cho người dân. Trường hợp nào không tiêm phải ký cam kết. “Đến ngày 15-2, các địa phương phải rà soát xong và lập danh sách các đối tượng chưa tiêm mũi 1 để  báo cáo với thành phố. Ngành Y tế cũng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân trong quý I-2022”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Để phục vụ tốt nhất công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các địa phương phát huy hiệu quả các tổ COVID-19 cộng đồng. Không chỉ rà soát những người chưa tiêm vaccine mũi 1 mà cả những người chưa được tiêm mũi 2, mũi 3, các địa phương phải nắm rõ danh sách để có kế hoạch tiêm sớm nhất nhằm phủ tối đa vaccine cho người dân thành phố. Ông cũng cho hay, thành phố sẽ xem xét hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở để tạo động lực cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ. UBND thành phố luôn ủng hộ các đơn vị, địa phương mua sắm phương tiện, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

PHI NÔNG