Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch

Thứ sáu, 28/05/2021 13:01

Tại cuộc họp thường kỳ ngày 26-5, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án cấp nước sạch, đảm bảo an ninh nguồn nước cho TP.

Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng đang được đầu tư nâng công suất.

Nhiều khu vực nước yếu

Giám sát của HĐND TP cho thấy, những năm gần đây, tình trạng thiếu nước trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra chủ yếu do thiếu hụt nguồn nước thô, quá trình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Nguồn nước tại cửa thu Cầu Đỏ cấp cho Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và NMN Sân Bay (chiếm 92% tổng lượng nước cấp toàn TP) có nhiều thời điểm không thể sử dụng để xử lý nước, dẫn đến việc cấp nước hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất thiết kế 210.000 m3/ngày đêm.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước sạch hiện nay trên toàn TP trung bình khoảng 300.000 m3/ngày đêm. Rà soát từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4-2021, cửa thu tại NMN Cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn, độ mặn vượt ngưỡng cho phép nên bắt buộc phải vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để bơm nước thô về các nhà máy nước. Mặc dù công suất thiết kế hiện nay của trạm bơm là 210.000 m3/ngày đêm nhưng thời gian qua Dawaco đã vận hành vượt công suất thiết kế để hạn chế tối đa tác động của nhiễm mặn, nhiều thời điểm lên đến 250.000 m3/ngày đêm nếu mực nước sông tại đập An Trạch bảo đảm đạt cao trình +2.0m (cao trình để trạm bơm An Trạch có thể vận hành được là +1.6m).

Do lượng nước sinh hoạt cấp vào mạng lưới có giảm về lưu lượng và áp lực tại một số thời điểm, tùy thuộc vào mức độ nhiễm mặn tại cửa thu NMN Cầu Đỏ nên trong thời gian đó, một số khu vực có địa hình cao và nằm ở cuối nguồn cấp nước xảy ra tình trạng thiếu hụt nước vào giờ cao điểm. Nổi bật như khu Mân Quang, Khái Tây, phố chợ Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), một số khu vực thuộc Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đoạn cuối tuyến đường Võ An Ninh (Cẩm Lệ), Kiệt 73, 159 đường Phó Đức Chính và Kiệt 73 đường Trương Định (Sơn Trà)...

Điều đáng nói, trong khi Đà Nẵng "khát" nguồn nước thô thì các hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn lại khá dồi dào. Mực nước và lưu lượng nước về các hồ Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 4 năm 2021 khá dồi dào. So sánh cùng thời điểm qua các năm từ 2019-2021 cho thấy,  2021 là năm nguồn nước hiện đang còn tại các hồ là lớn nhất. Tuy nhiên, việc vận hành các hồ chứa thủy điện hiện nay đang gặp khó khăn do thừa điện mặt trời và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho hạ du. Cụ thể, một số ngày các nhà máy thủy điện vận hành không đúng về lưu lượng vận hành trung bình, có những ngày lưu lượng phát điện thấp hơn so với quy định do phụ tải điện giảm thấp (thường rơi vào ngày thứ 7, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Tết); Điện mặt trời phát cao nhất trong khoảng thời gian từ 9 giờ - 15 giờ nên các nhà máy thủy điện phải dời thời gian phát điện lệch khỏi khung giờ trên, không đảm bảo vận hành theo khung giờ quy định tại Quy trình 1865.

3/4 tuyến ống chính đang được triển khai để tải nước sạch tới tất cả các khu vực trong TP.  

Nhóm giải pháp đồng bộ

Theo qui hoạch chung TP mới được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3-2021 thì trong năm nay Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 370 ngàn m3/ngày đêm, năm 2025 là 520 ngàn m3/ngày đêm, năm 2030 là 800 ngàn m3/ngày đêm. Tổng sản lượng nước sản xuất phát ra mạng lưới cấp nước trung bình hiện nay (giữa tháng 5-2021) khoảng hơn 290.000 m3/ngày đêm (do ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch ngừng trệ).
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm ứng phó.

Cụ thể đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, cải tạo một số hạng mục thuộc trạm bơm phòng mặn An Trạch; hoàn thành cải tạo cửa thu nước tại NMN Cầu Đỏ với cơ chế hoạt động thông minh nhằm thu nước bề mặt sông có độ mặn thấp nhất, với mục tiêu khai thác tối đa nguồn nước thô tại Cầu Đỏ khi bị nhiễm mặn; phối hợp với Quảng Nam thi công đắp đập tạm tại sông Quảng Huế để tăng lưu lượng nước về sông Yên. Ngoài ra, TP cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án thi công xây dựng công trình ngăn mặn tạm thời trên sông Cẩm Lệ nếu tình trạng nhiễm mặn tại cửa thu NMN Cầu Đỏ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp (thi công trong 10 ngày, chi phí không quá 3 tỷ đồng). 

Về lâu dài, TP đang triển khai nhiều dự án để xử lý triệt để tình trạng thiếu nước do nhiễm mặn. Nổi bật như đẩy nhanh tiến độ dự án nâng công suất trạm bơm An Trạch từ 210 ngàn m3 lên 420 ngàn m3/ngày đêm. Hiện dự án đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để trình thẩm định, dự kiến khởi công vào tháng 10-2021 và hoàn thành vào tháng 5-2022. Đẩy nhanh tiến độ NMN Hòa Liên công suất 120 ngàn m3/ngày đêm nhằm chủ động nguồn nước thô tại sông Cu Đê, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Nâng công suất các NMN Cầu Đỏ, Hòa Trung đồng thời đầu tư 4 tuyến ống chính (đang thi công 3 tuyến ống) để chuyển tải nước sạch đến tất cả các khu vực trong TP. 

Khi hoàn thành các công trình, dự án này thì an ninh nguồn nước cho TP sẽ được đảm bảo. Vấn đề còn lại là tập trung khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án này như chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết. 

HẢI QUỲNH