Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành việc trùng tu Mỹ Sơn

Thứ năm, 05/07/2018 10:40

Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới (KDSVHTG) Mỹ Sơn (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, đầu năm 2019, giai đoạn 2 sẽ được triển khai. Để dự án đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, đồng thời các cơ quan, ban ngành cùng những đơn vị liên quan trong Ban quản lý (BQL) dự án phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đoàn chuyên gia Ấn Độ ở lần trở lại Mỹ Sơn thực hiện bản giao ước giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ sắp tới.

Thánh địa Mỹ Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

"Hồi sinh" những "phế tích"

Đánh giá về kết quả trùng tu, tôn tạo KDSVHTG Mỹ Sơn ở giai đoạn 1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho rằng, đó là những tín hiệu tích cực, khả quan. Qua thời gian, một số khu tháp đã trở thành "phế tích" nhưng từ bàn tay của các chuyên gia đến từ Ấn Độ các khu tháp đã dần "hồi sinh" và khắc họa đúng giá trị văn hóa, lịch sử, hồn cốt vốn có của nó. Bên cạnh đó, về phía Việt Nam, đội ngũ công nhân được điều động hỗ trợ trong công tác trùng tu, tôn tạo đều là những người có kinh nghiệm, lành nghề, những cán bộ kỹ thuật cũng đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ những khóa học tại nước ngoài trước đó. "Một minh chứng rõ nhất cho những thành công bước đầu đó là ở khu tháp K. Trước đây, khu tháp này bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm nhưng qua quá trình trùng tu đã trở nên đẹp hơn, giá trị hơn và quan trọng là có thể đưa vào khai thác du lịch. Với kết quả này, vai trò của BQL di tích trong việc thường xuyên có mặt tại hiện trường, theo dõi, giám sát tiến độ là rất quan trọng", ông Tân nhận định.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Danh thắng Quảng Nam, với mục tiêu hướng đến của dự án là bảo tồn, tôn tạo 3 khu tháp A, H, K tại KDSVHTG Mỹ Sơn trong thời gian 5 năm (2016-2021), Chính phủ Ấn Độ đã cử cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học trực tiếp tham gia vào dự án cùng với đại diện phía Việt Nam là Sở VH-TT&DL Quảng Nam. Trong giai đoạn 1, quá trình bóc tách và di chuyển lượng đất tại khu tháp K ra bên ngoài đã phát hiện hai cửa ở hướng Đông Tây và hai bức tường chạy song song, kéo dài về hướng khu E, F. Ngoài ra, quá trình trùng tu, tôn tạo còn phát hiện nhiều hiện vật có giá trị. Tại hướng Tây phát hiện 2 tượng sư tử bằng đá, một số hiện vật là những thành phần kiến trúc, trang trí và nhiều mảnh gốm không tráng men, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc... Riêng tại khu tháp H, quá trình bóc tách lớp đất sâu từ 60cm đến 80cm trên diện tích hơn 700m2 đã phát lộ toàn bộ hệ thống khung tường bao và một số hiện vật là các thành phần kiến trúc, trang trí góc tháp, chóp tháp bằng chất liệu và đá nung. Đối với khu tháp K, đã trùng tu bậc cấp cửa Đông và hai đoạn tường song song của đường dẫn. "Chất vữa sử dụng ở các lớp trên bề mặt là dầu rái và bột gạch. Vật liệu sử dụng chủ yếu là gạch cũ kết hợp với gạch mới phù hợp từng vị trí. Ở những góc tường, mảng tường có kết cấu yếu, nghiêng lệch chưa kịp trùng tu đều được chống đỡ gia cường bằng gỗ. Sau khi phát lộ và trùng tu, các chuyên gia đã sắp xếp, trưng bày tại chỗ một số hiện vật mới phát hiện, đồng thời làm các bậc cấp bằng gỗ và tạo lối đi thể phục vụ tham quan", ông Cẩm cho biết.

Nhanh chóng đưa các hiện vật vào khai thác du lịch

Quá trình triển khai dự án giai đoạn 1 đã phát hiện được tổng cộng 275 hiện vật các loại. Đây đều là những hiện vật đặc sắc của nền điêu khắc Chămpa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm. Nhận định về giá trị của các hiện vật, ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay, đấy là những sản phẩm du lịch mới trên nền cũ, nếu biết khai thác thì sẽ rất "hút" khách du lịch. "Hiện, các hiện vật đang được cất giữ, bảo quản rất cẩn thận tại kho Mỹ Sơn. Nhiều du khách biết được điều đó cũng tỏ vẻ tò mò và muốn được tận mắt chứng kiến các hiện vật này", ông Cường thông tin. Cũng theo ông Cường, từ thực tế đó nên cần phải có phương án, kế hoạch chi tiết nhanh chóng đưa các hiện vật vào khai thác du lịch. Trước khi triển khai vấn đề này, Sở VH-TT&DL cùng với Cục quản lý di sản sẽ tổ chức giám định để khẳng định niên đại và giá trị của từng hiện vật. Ngoài ra, để giai đoạn 2, sẽ triển khai vào tháng 3-2019 sắp tới đạt được kết quả cao nhất, các bên liên quan cần phải có bản báo cáo đánh giá kết quả hoạt động trong 2 năm qua, đồng thời đóng góp ý kiến, định hướng kế hoạch triển khai tiếp theo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Ngọc Định, Phó Cục hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL phân tích, trong bản báo cáo kết quả phải có những đánh giá về thuận lợi, khó khăn để cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Phía Ấn Độ cần đưa ra kế hoạch triển khai giai đoạn 2 để có phương án chủ động. Về vấn đề đưa các hiện vật vào khai thác du lịch, ông Trần Đình Thành, Phó Cục di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện một cách khoa học, bài bản Sở VH-TT&DL Quảng Nam cần có đề xuất đưa hiện vật ra trưng bày như thế nào, ở đâu, công tác bảo quản ra làm sao?... "Trong kế hoạch triển khai dự án trong 5 năm phía Ấn Độ có kế hoạch sẽ xây dựng không gian trưng bày hiện vật nhưng không thể chờ đợi vì quá lâu, cần phải chủ động phương án triển khai, nhanh chóng đưa các hiện vật vào khai thác du lịch. Bên cạnh, phải đẩy nhanh tiến độ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho phía Ấn Độ trong lần đến Mỹ Sơn triển khai giai đoạn 2 việc trùng tu, tôn tạo sắp tới", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh.

PHI NÔNG

Không có chuyện dùng xi-măng trùng tu Mỹ Sơn

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng định như vậy trước những thông tin trên mạng xã hội cho rằng các chuyên gia đã dùng xi-măng để trùng tu Mỹ Sơn gây xôn xao dư luận thời gian qua. Theo ông Cường, đó là những thông tin bịa đặt, thiếu căn cứ. Một số cá nhân đã nhìn thấy xi-măng được chở về, cất giữ tại Mỹ Sơn nên cố tình quay phim, chụp hình đăng lên mạng xã hội để gây sự chú ý, tạo dư luận không tốt. Thực tế, đó chỉ là số xi-măng được dùng để xây bể chứa nước phục vụ quá trình trùng tu, tôn tạo di tích. Nguyên liệu chính được sử dụng trong quá trình trùng tu, tôn tạo các tháp là vôi, bột gạch và dầu rái theo vật liệu truyền thống của người Chăm dùng để xây dựng đền tháp.