Báo Công An Đà Nẵng

Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế

Thứ bảy, 03/10/2020 10:00

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ vào ngày 2-10. Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Phiên họp lần này với quãng đường 2/3 năm 2020, Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình T.Ư và Kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tháng 10 này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Tình hình kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn

Thủ tướng cho biết, quý III tăng trưởng 2,62 %, là cơ sở để khẳng định năm 2020, Việt Nam tăng trưởng dương với mức từ 2%. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực suy giảm kinh tế. Nêu con số xuất siêu trên 17 tỷ đô-la là con số kỷ lục trong bối cảnh nhập khẩu bị hạn chế, đạt trên 21 tỷ đô-la thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho đây là minh chứng Việt Nam phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế đang suy thoái kinh tế nặng nề. Cùng với đó là tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại rất mạnh mẽ, xuất khẩu tăng 10%, tăng 4,2% so với cùng kỳ, doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu trên 20%, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 60% kế hoạch... là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp.     

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, “những điểm sáng, mặt được chủ yếu”, Thủ tướng cho rằng, đầu tiên là dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. Hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện mục tiêu kép thắng lợi, đặc biệt là kinh tế tháng 9 có sự tăng trưởng cao hơn. Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý III đã góp phần cho tăng trưởng cả năm.

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh; lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng chung. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã phát huy vai trò bệ đỡ cho an ninh lương thực quốc gia.

Xuất khẩu khả quan, tăng 4,2%; thặng dư thương mại cao kỷ lục với 17 tỷ USD, là mức cao nhất trong 4 năm qua. Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, tăng hơn 20%; có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 9 tháng đầu năm đạt trên 300.000 tỷ đồng, đã giải ngân trên 60% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III tăng khá với 7,4%, vốn đầu tư Nhà nước tăng 21,5%.

Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế.

Các lĩnh vực xã hội được chú trọng. Trong tháng 9 và quý III không có địa phương nào phát sinh thiếu đói. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; hình ảnh, uy tín của Việt Nam được nâng cao.

Những nỗ lực và kết quả đó tạo thêm niềm tin cho nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công của Đại hội Đảng của nhiều tỉnh, thành phố, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhắc nhở vẫn còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn, lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm, Thủ tướng đề cập đến nhiều vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm như tăng giá sách giáo khoa, có nhiều loại sách tham khảo, vấn đề lạm thu đầu năm học mới diễn ra ở một số nơi, dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng có chiều hướng gia tăng hay vấn đề học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học đang gây ra nhiều tranh luận...

Với từng vấn đề tồn tại, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020.

Mở cửa phải có kiểm soát

Về triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.

Về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ VH-TT&DL cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm.

Cho biết vừa ký Quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Bộ Công Thương phải chủ trì kế hoạch triển khai Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh đầu tư để góp phần tăng trưởng.

Tiếp tục mở rộng khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa. Chính phủ xác định công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để kiểm soát tham nhũng, tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại.

Các bộ, các ngành theo  phân công khẩn trương hoàn thành chuẩn bị báo cáo, dự án luật trình  Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

ĐỨC TUẤN