Đẩy nhanh việc triển khai Nghị định 67 tới ngư dân
(Cadn.com.vn) - Ngày 18-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và đoàn làm việc của Tổng cục Thủy sản có buổi làm việc với Sở NN&PTNT Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Kiến nghị đặc cách cho chủ tàu ĐNa - 90152 Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng như Sở NN&PTNT đề nghị Bộ có cơ chế đặc cách cho bà Huỳnh Thị Như Hoa (P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) được vay vốn theo Nghị định 67. Tàu ĐNa - 90152 của bà Hoa bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang tham gia khai thác và bảo vệ chủ quyền trên biển. Hiện tại bà Hoa đã triển khai đóng tàu mới từ trước ngày 25-8, tức là không thuộc đối tượng theo Nghị định 67 nhưng gia đình bà Hoa đang rất cần vốn để hoàn thành tàu. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng trường hợp này không quy định trong Nghị định nên phải trình Chính phủ xem xét. |
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, song song với việc đẩy nhanh triển khai, Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành liên quan của Trung ương nhiều vấn đề liên quan sát sườn tới quyền lợi của người dân được vay vốn đóng mới tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.
Đà Nẵng đăng ký 184 tàu, được phân bổ 47 tàu
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, ngay từ khi Nghị định 67 ra đời, Sở và các cơ quan liên quan đã nhanh chóng triển khai đến các địa phương, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần. Đến nay, toàn thành phố có 146 cá nhân, tổ chức (138 ngư dân, 1 cá nhân và 7 doanh nghiệp) đăng ký đóng mới 184 tàu (161 tàu khai thác thủy sản, 23 tàu dịch vụ hậu cần).
Trong khi đó, tổng số tàu đóng mới của thành phố được Bộ NN&PTNT phân bổ là 47 tàu (39 tàu khai thác thủy sản, 8 tàu dịch vụ hậu cần). Để đón đầu Nghị định 67, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra, đánh giá các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn thành phố theo Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT. Trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện các thủ tục để trình UBND thành phố công bố danh sách các cơ sở đủ điều kiện theo quy định.
Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, hiện tại số ngư dân tại thành phố đăng ký đóng mới tàu theo Nghị định 67 là tương đối lớn, vì vậy việc xét duyệt tiêu chí để cho vay vốn rất khó khăn. Có 2 điều kiện gần như tiên quyết là phải có tên trong danh sách của UBND thành phố và được ngân hàng thẩm định đủ điều kiện vay.
Nhưng nhiều thuật ngữ dùng trong một số văn bản hướng dẫn lại không cụ thể. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn thêm một số nội dung trong tiêu chí đánh giá như "hoạt động nghề cá có hiệu quả", "có khả năng tài chính", "khai thác xa bờ"... vì những khái niệm này còn chung chung, chưa có định nghĩa cụ thể.
Cạnh đó phải có thêm hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký, xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định số 67, hướng dẫn điểm b, khoản 2, điều 6 Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT về tổ chức kiểm tra, đánh giá và trình UBND cấp tỉnh công bố các cơ sở đóng mới, cải hoán đủ điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng kiến nghị, để Nghị định triển khai thuận lợi, rất cần thiết phải có Thông tư liên tịch của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước làm rõ các khái niệm, các tiêu chí, điều kiện để được vay vốn. Cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng nên tiến hành công bố 21 thiết kế mẫu đóng tàu vỏ sắt và Bộ Tài chính công bố các đơn vị bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm khai thác theo Nghị định 67.
Nhu cầu đóng mới tàu công suất lớn của Đà Nẵng là rất cao. Trong ảnh: Một tàu cá công suất 1.000 CV đang trong giai đoạn hoàn thiện. |
Phải thực hiện đúng quy trình
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, những năm qua Đà Nẵng luôn đi đầu trong đầu tư cho lĩnh vực khai thác thủy sản xa bờ, nhiều mô hình hay, chính sách hiệu quả của thành phố đã được nhiều địa phương học tập, Bộ cũng khuyến khích nhân rộng các mô hình này. Về triển khai Nghị định 67, ông Tám cho rằng đây là giai đoạn các địa phương phải nhanh chóng triển khai để sớm thực hiện được những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực khai thác, đánh bắt xa bờ.
Về việc nhu cầu của Đà Nẵng là đóng 184 tàu nhưng Bộ NN&PTNT chỉ phân bổ 47 tàu, ông Tám nói, qua việc thăm dò lượng thủy sản trên biển thì đến năm 2020 cả nước chỉ phát triển tối đa 30 nghìn tàu đánh bắt xa bờ, trong khi đó hiện tại con số này đã là 28 nghìn tàu rồi, từ nay đến đó chỉ tăng lên 2.079 tàu nữa. Các bộ, ngành dựa trên khảo sát này để làm căn cứ phân bổ theo khả năng thực tế của các địa phương.
"Tổng trữ lượng chia ra sản lượng tối đa cho phép khai thác ở các ngư trường sẽ làm căn cứ cho việc phân bổ tàu đóng mới về các địa phương theo Nghị định 67. Nếu đóng quá nhiều tàu mà tài nguyên cạn kiệt, khai thác không hiệu quả thì sau này lại đối mặt với nguy cơ nằm bờ. Hiện tại cứ đóng đúng số lượng phân bổ, sau này sẽ có chương trình tổng kết, đánh giá lại rồi tính tiếp", ông Vũ Văn Tám nói.
Để triển khai Nghị định có hiệu quả, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị UBND TP Đà Nẵng căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của các Bộ để thực hiện, vướng ở ngành nào sẽ kiến nghị ngành đó tháo gỡ. Tất cả đều phải thực hiện đúng quy trình, kỹ càng, không được làm tắt. Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng, ngoài những hướng dẫn của các Bộ, ban ngành thì Đà Nẵng nên có một tiêu chí cụ thể, vì các bộ nếu đưa ra tiêu chí thì cũng là tiêu chí khung chứ không thể áp dụng chung cho cả nước được.
Ông Phùng Tấn Viết - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, các quy trình để xét duyệt hồ sơ đã được chỉ đạo thực hiện rất nghiêm túc, thành phố đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích dựa trên việc xây dựng tiêu chí chặt chẽ. "Đà Nẵng đã sẵn sàng, mong rằng các Bộ, ngành liên quan sớm có một thông tư chung hướng dẫn cụ thể để công việc xét chọn danh sách cũng như lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng được thực hiện thuận lợi, chính xác và công bằng", ông Phùng Tấn Viết đề xuất.
Bảo Nam