Báo Công An Đà Nẵng

Dạy thêm, dạy kèm nhìn từ vụ “Cô giáo cầm dao dọa học trò”

Thứ năm, 20/03/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 18-3, Đà Nẵng xôn xao về vụ cô giáo Trần Thị Thanh Uyên, giáo viên dạy Hóa, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) có hành động “kinh dị”: kề dao vào cổ để dọa học sinh. Bài báo đăng kèm theo 3 bức ảnh được chụp lại từ video clip do các học sinh quay từ máy ĐTDĐ.

Tiếp sau bài báo viết trên Báo Thanh Niên, sáng qua (19-3), nhiều tờ báo khác đưa tin về “sự kiện” này, kèm theo đó là các cuộc gặp gỡ với “đương sự” và đại diện một số cơ quan chức năng. Được biết, cô giáo Uyên sinh năm 1983, ra trường năm 2005 và được Trường THPT Trần Phú hợp đồng giảng dạy môn Hóa học.

Sự việc diễn ra trong đoạn video được ghi tại nhà riêng - nơi cô Uyên tổ chức dạy kèm một nhóm học sinh lớp 11A11 do cô chủ nhiệm. Ông Nguyễn Quang Long - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, khi trao đổi với P.V khẳng định thêm: Sự việc không xảy ra ở trường mà diễn ra tại nhà cô Uyên trong bối cảnh cô dùng con dao gọt trái cây cho học sinh ăn... Dù xử lý kỷ luật cũng phải theo hướng để cho người ta tốt lên chứ không thể đẩy người ta vào bước đường cùng”.  Một số học sinh theo học cho biết: “Mỗi lần dạy kèm ở nhà cô hay mua đồ ăn cho các em, vì thế hành động của cô ấy chỉ là đùa”. Cô giáo Uyên khi tiếp xúc với P.V đã khóc: “Tôi chỉ đùa chứ không có ý gì khác...”.

Ngay sau khi các báo đăng tải về sự việc này, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có những động thái rất tích cực. 14 giờ 30 ngày 18-3, Sở GD-ĐT triệu tập cuộc họp tại Văn phòng Sở với thành phần gồm có: Giám đốc Sở; Chủ tịch Công đoàn ngành; đại diện các phòng chuyên môn Sở; Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trần Phú. Ngay trong ngày 18-3, Sở GD-ĐT có Công văn số 708/GD&ĐT-TCCB về việc “Báo cáo nội dung giải quyết đối với vi phạm của cô giáo Trường THPT Trần Phú” do Giám đốc Sở  Huỳnh Văn Hoa ký, gửi đến UBNDTP, Bộ GD-ĐT, một số đơn vị liên quan và các cơ quan báo, đài. Quan điểm của Sở GD-ĐT rất rõ ràng:

- Ngành GD-ĐT không đồng tình với những việc làm của cô giáo Uyên. Hành vi của cô giáo Uyên đi ngư­ợc với sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gư­ơng đạo đức và tự học”, vi phạm Quy định về phẩm chất, đạo đức CBGVCNV của ngành GD-ĐT thành phố (ban hành tại Công văn số 3724/ GD&ĐT-TCCB ngày 16-10-2007), vi phạm điều lệ nhà trư­ờng. Ngành GD-ĐT cảm ơn các cơ quan thông tin, báo chí đã kịp thời đư­a tin về vụ việc xảy ra.

- Sở GD-ĐT ban hành Công văn số 693/GD&ĐT ngày 18-3-2008 về việc đình chỉ công tác đối với cô Trần Thị Thanh Uyên; yêu cầu cô giáo Trần Thị Thanh Uyên kiểm điểm về những hành vi đã gây ra; nhà trư­ờng tiến hành xử lý kỷ luật theo các quy định hiện hành về kỷ luật cán bộ, giáo viên trong ngành. Nhà trường hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo đầy đủ về Sở trong thời gian sớm nhất.

- Trư­ờng THPT Trần Phú phối hợp với Công đoàn theo dõi diễn biến t­ư tưởng của giáo viên, học sinh và phụ huynh; có biện pháp ổn định nhà trư­ờng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dạy học bình thư­ờng.

- Ban Giám hiệu, Công đoàn tiếp tục theo dõi, giúp đỡ cô Trần Thị Thanh Uyên kiểm điểm trung thực, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực từ phía bản thân cô giáo.

Sai phạm của cô giáo Uyên như vậy đã khá rõ ràng, và cách giải quyết ban đầu của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng được đánh giá là hợp lý. Tuy nhiên, xung quanh sự việc vẫn tồn tại những luồng dư luận trái chiều. Có ý kiến thể hiện sự thông cảm với cách hành xử nhuốm màu “gia đình” của một cô giáo mới đứng trên bục giảng 3 năm, nhằm “cho cô Uyên một cơ hội để sửa chữa sai lầm”, song bên cạnh cũng có ý kiến từ phía phụ huynh phản đối hành động của cô. Trong khi, vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực học đường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước, việc cô giáo cầm dao kề vào cổ học sinh, dù chỉ đùa hay để dọa học trò nghịch ngợm cũng là một hình ảnh hết sức phản cảm. Mặt khác, là một “kỹ sư tâm hồn”, thì dù ở môi trường nhà trường, gia đình hay bất cứ nơi nào khác, cũng phải luôn thể hiện tấm gương sáng về đạo đức của người thầy.

Ở một góc nhìn khác, vụ việc này cũng lên tiếng cảnh báo về chất lượng dạy thêm, dạy kèm tại nhà riêng hiện nay. Việc cô giáo thường gọt trái cây cho học sinh ăn trong giờ dạy thêm, ít nhiều làm cho tình cảm cô – trò xích lại gần nhau hơn, song suy cho cùng, đó cũng là việc không nên làm. Việc ăn uống, giao tiếp giữa giáo viên - học sinh, nếu có cũng phải đúng nơi, đúng lúc, hoàn toàn không nên diễn ra trong 1-2 tiết học thêm, học kèm. Vừa dạy - vừa ăn, vừa đùa - vừa dọa...  làm cho lớp học thiếu hẳn tính nghiêm túc cần có và chắc rằng, hiệu quả của việc dạy thêm, dạy kèm sẽ bị ảnh hưởng xấu. Quan hệ giữa giáo viên - học sinh ở môi trường nào cũng phải có một khoảng cách cần thiết nhằm đạt hiệu quả cao nhất về chất lượng học tập. Những điều này, không chỉ với cô giáo Uyên, mà các thầy cô giáo khác, nhất là những giáo viên mới ra trường, có thể tìm thấy một vài kinh nghiệm ứng xử cho mình.

Lẽ đương nhiên, trong đời ai cũng có những phút giây lỗi lầm. Cô giáo Uyên cũng vậy. Rồi đây, lãnh đạo Sở và nhà trường sẽ xem xét hình thức kỷ luật đối với cô theo các quy định hiện hành. Mong rằng, sau cú vấp ngã này, cô Uyên sẽ nhận ra những lỗi lầm của mình. Việc sửa chữa khuyết điểm, thay đổi cách ứng xử cho phù hợp tư cách nhà giáo, đối với một nhà giáo trẻ như cô Trần Thị Thanh Uyên, thiết tưởng còn rất nhiều cơ hội và thời gian!

Anh Thư