Dày thêm tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa
Nhiều kênh sưu tầm, số hóa tư liệu
Trong năm 2022, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn, thuyết minh phục vụ 23.133 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong đó, có 9.661 lượt là học sinh, sinh viên, 2.657 lượt khách du lịch, 3.453 lượt khách là các cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh phục hồi sau dịch và cải tạo sửa chữa, lượng khách tham quan chưa nhiều, nhưng từ giữa năm 2022, xu hướng học sinh và các cơ quan nhà nước tăng mạnh trở lại.
Ông Lê Tiến Công – Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, đơn vị vừa hoàn thành thêm 2 chuyến đi thực địa, sưu tầm tư liệu hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Cùng với xác minh nhân chứng Hoàng Sa tại TP Huế, các bộ phận chuyên môn cũng đã dày công tiếp cận, tìm hiểu tư liệu Thủy quân triều Nguyễn tại H. Núi Thành, H. Duy Xuyên và 4 gia đình đang lưu giữ các tư liệu Hán Nôm liên quan đến thủy quân triều Nguyễn tại tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, đã triển khai sưu tầm, chuyển nhượng tư liệu nước ngoài về Hoàng Sa từ các nhà nghiên cứu và tư liệu sách. Trong đó, sưu tầm 30 tư liệu cổ nước ngoài đề cập gián tiếp, trực tiếp về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 30 tư liệu sách về chủ quyền biển đảo. Trong đó có các tư liệu sách độc bản, quý hiếm. Cạnh đó là 300 bài báo về tình hình Biển Đông và chủ quyền biển đảo với 280 file báo điện tử, 20 tư liệu báo giấy.
Với xu thế tiếp cận mới, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, số hóa tư liệu. Năm qua, đơn vị đã sưu tầm và số hóa 32 tư liệu báo chí, 62 tư liệu thành văn, 26 tư liệu hình ảnh phục vụ công việc đánh giá hiện trạng tư liệu. Đối với nhóm tư liệu tiếng Pháp được hiến tặng từ ông Noel Rousset - bác sĩ người Pháp, các bộ phận chuyên môn đã thực hiện rà soát, nội dung đề cập vụ đắm tàu Europe tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên tuần báo Le Monde Illestré của Pháp xuất bản năm 1862. Từ đây đã sưu tầm được 5 tư liệu số trên Thư viện điện tử Quốc gia Pháp liên quan đến sự kiện trên tuần báo Le Monde Illestré, bao gồm các số báo 171, 270, 271, 272, 273. Hiện công tác số hóa đã hoàn tất đối với sổ hiện vật chính, sổ hiện vật tạm thời, sổ hiện vật tham khảo, sổ phân loại chất liệu, sổ xuất nhập hiện vật, sổ danh mục sách liên quan đến biển, đảo Việt Nam và sổ chuyên đề.
“Cùng với việc cải tạo, sửa chữa Nhà Trưng bày, hoạt động tìm hiểu, tiếp cận, xác minh, sưu tầm tư liệu, hiện vật, việc chỉnh lý không gian trưng bày, thuyết minh, hướng dẫn cũng được thực hiện một cách khoa học để người xem, người nghe dễ hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” - ông Công cho hay.
Lưu giữ tư liệu từ những “bằng chứng sống”
Trong chuyến thăm hỏi, tặng quà Tết Xuân Quý Mão các nhân chứng, thắp hương tri ân những người đã từng sống, làm việc, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa nay đã qua đời, ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa cho biết, những câu chuyên "người thật việc thật" của các nhân chứng Hoàng Sa sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về quá trình xác lập chủ quyền, gìn giữ, bảo vệ liên tục qua các giai đoạn lịch sử của Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Những năm qua, các nhân chứng đã hiến tặng nhiều kỷ vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa để trưng bày, phục vụ các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Hiện tại các gia đình không còn kỷ vật nữa nên Nhà Trưng bày sẽ in, gửi tặng lại cho gia đình những hình ảnh bộ sưu tập kỷ vật để mọi người cùng lưu giữ, tuyên truyền cho con cháu. Theo ông Đồng, hiện các nhân chứng Hoàng Sa đã lớn tuổi, sức khỏe, trí nhớ cũng giảm dần. Chính vì vậy, cùng với việc thăm hỏi, trò chuyện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, cán bộ UBND H. Hoàng Sa cũng đã thực hiện ghi âm, ghi hình câu chuyện của từng nhân chứng làm tư liệu để lưu giữ những “bằng chứng sống" phục vụ đấu tranh lâu dài đòi lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam. “Nhiều gia đình nhân chứng Hoàng Sa hiện nay sống rải rác ở nhiều miền của Tổ quốc. Do đó, khi các kỷ vật của mình và đồng đội được chính các nhân chứng giới thiệu sẽ giúp việc tuyên truyền chủ quyền sẽ rộng rãi, xác thực hơn cho công chúng”- ông Đồng cho hay.
Nhân chứng Hoàng Sa Nguyễn Văn Cúc (trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, ông chưa bao giờ quên được quãng thời gian làm việc trên đảo Hoàng Sa. Ông Cúc ra Hoàng Sa ba lần để làm nhiệm vụ khảo sát, sửa chữa và xây dựng trên đảo. Lần đầu, ông ra Hoàng Sa vào tháng 1-1973. Lần thứ hai, tháng 5-1973 ra đảo sửa chữa, xây dựng các bể ngầm chứa nước mưa để lấy nước ngọt trong 1 tháng. Lần thứ ba, là tháng 12-1973 ông ra đảo để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa xây dựng sân bay. Những gì được chứng kiến ở Hoàng Sa ông kể lại vanh vách, những kỷ vật được ông gìn giữ cũng được hiến tặng để phục vụ cho công tác đấu tranh đòi lại chủ quyền. Trái tim ông chưa bao giờ là không nhớ về Hoàng Sa. “Chúng tôi vẫn luôn đau đáu, day dứt nhớ về Hoàng Sa. Con cháu chúng ta phải luôn nhớ và khắc ghi trong lòng rằng đây mãi là một phần lãnh thổ của Việt Nam”- ông Cúc trò chuyện.
Đông A