Báo Công An Đà Nẵng

Đề án luân chuyển cán bộ, giáo viên ở Quảng Nam: Cần giải quyết rốt ráo các trường hợp tồn đọng

Thứ tư, 04/11/2015 09:52

(Cadn.com.vn) - Theo Nghị quyết 146 (ngày 22-7-2009) của HĐND tỉnh Quảng Nam, năm 2015 là năm cuối cùng trong lộ trình thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên (CBGV) từ miền núi về đồng bằng và ngược lại. Hơn 5 năm kể từ ngày triển khai thực hiện đề án này, tỉnh Quảng Nam đã gặt hái được nhiều thành công, giải quyết được nhu cầu chính đáng của các thầy cô giáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, bất cập. Trong cuộc họp ngày 30-10 vừa qua, theo thống kê của Sở Nội vụ hiện vẫn còn gần 100 GV chưa được các địa phương tiếp nhận bố trí công tác dù đã sắp hết hạn luân chuyển.

Nghị quyết 146 quy định các huyện, thị xã, thành phố thực hiện luân chuyển GV mầm non, tiểu học, trung học, khối THPT sẽ do Sở GD ĐT thực hiện luân chuyển. Qua 5 năm thực hiện đã có 1.068 CBGV công tác ở khu vực miền núi được điều động luân chuyển về các huyện đồng bằng, trong đó có 201 GV THPT và 867 CBGV mầm non, tiểu học, trung học. Đồng thời có 52 GV luân chuyển công tác từ đồng bằng lên các địa phương miền núi. Tính đến hết năm 2014, có 855/868 CBGV nằm trong đề án khảo sát ban đầu đảm bảo điều kiện chỉ tiêu luân chuyển.

Nhiều địa phương ở Quảng Nam chưa thể tiếp nhận đủ số lượng GV xin về (ảnh minh họa).

Ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết: "So với số lượng khảo sát ban đầu thì số GV có nhu cầu luân chuyển thực tế cao hơn. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thể tiếp nhận bố trí cho những CBGV này vì những lý do khác nhau. Bên cạnh đó, số lượng CBGV chuyển ngược lên miền núi rất thấp và đa số CBGV chỉ mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm giảng dạy nên sẽ tạo ra tình trạng thừa-thiếu, xin về nhiều nhưng lên miền núi rất hiếm".

Hiện nay, trong số 288 CBGV có nguyện vọng xin về xuôi thì đã có 191 trường hợp được giải quyết, bố trí công tác. Số GV còn lại chưa thể về được các địa phương vì không nằm trong diện luân chuyển, không đủ thời gian công tác, địa phương đã thừa GV. Trong số đó, Tam Kỳ 30 trường hợp, Thăng Bình 22, Phú Ninh 10, Tiên Phước 13, Núi Thành 1, Nông Sơn 2. Đặc biệt, H. Bắc Trà My vẫn chưa tiếp nhận trường hợp nào trong số 19 GV có nguyện vọng xin về.

Nhiều lý do đã được các địa phương đưa ra lý giải về việc khó khăn trong việc tiếp nhận GV. Đơn cử như TP Tam Kỳ đã tiếp nhận 160 GV nhưng trong năm 2015 chỉ tiếp nhận 35 trong số 65 trường hợp vì một số GV không thuộc diện đối tượng luân chuyển, chưa đủ thời gian công tác. Tại H. Thăng Bình và Tiên Phước, lãnh đạo hai địa phương này cho rằng đang thừa GV quá nhiều, nếu nhận đủ thì sẽ không thể phân công công tác hoặc bố trí không đúng chuyên môn ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Ông Lưu Tấn Lại cho rằng, Nghị quyết 146 đã có sự khảo sát kỹ càng vì vậy tất cả những đối tượng đủ tiêu chuẩn thì địa phương có trách nhiệm phải tiếp nhận. Đối với những đối tượng không nằm trong danh sách khảo sát mà đã đủ thời gian công tác miền núi (5 năm với nam, 3 nam với nữ) vẫn phải tiếp nhận. Nếu chưa thể bố trí vị trí giảng dạy thì tạm thời bố trí công việc phù hợp. Trong trường hợp có khó khăn về quỹ lương thì phải có văn bản báo cáo để UBND tỉnh xem xét bổ sung.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín khẳng định: "Việc luân chuyển GV là phù hợp với nguyện vọng chính đáng, tạo điều kiện để các thầy cô được đoàn tụ với gia đình. Hơn nữa, năm nay là năm cuối cùng thực hiện đề án vì vậy lưu ý các địa phương rà soát, tiếp nhận bố trí nhanh chóng cho các trường hợp đang tồn đọng, tránh để phát sinh ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của các trường".

H.D