Báo Công An Đà Nẵng

Để Đà Nẵng luôn hấp dẫn nhà đầu tư

Thứ sáu, 25/12/2020 15:09

Hôm nay, 25-12, Đà Nẵng tổng kết Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào TP giai đoạn 2016-2020 và 3 năm liên tiếp thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” 2018-2020. Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển TP trong thời gian qua và giai đoạn tới.

Lãnh đạo TP dự khai trương Khu giải trí công viên nước nóng trong nhà thuộc Dự án Mikazuki Xuân Thiều, dự án tiêu biểu được thu hút đầu tư giai đoạn vừa qua.

Những “trái ngọt” ban đầu

Trong giai đoạn thực hiện Đề án vừa qua, Đà Nẵng đã thu hút được 159 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 77,5 ngàn tỷ đồng (trong đó 52 dự án ngoài Khu công nghệ cao (CNC) và các KCN tổng vốn hơn 68,4 ngàn tỷ đồng). Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản-du lịch, giáo dục, y tế và công nghiệp chế biến, chế tạo…Riêng trong 3 năm thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” (2018-2020) TP thu hút 28 dự án với tổng vốn hơn 28,4 ngàn tỷ đồng. Nổi bật như dự án Bệnh viện chất lượng cao của Cty HDI tổng vốn gần 5 ngàn tỷ đồng, Dự án khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển của Cty Quảng An tổng vốn gần 5 ngàn tỷ đồng, Dự án KDL sinh thái Nam Ô của Cty Trung Thủy tổng vốn hơn 4,8 ngàn tỷ đồng... Lũy kế đến nay, toàn TP thu hút được 700 dự án trong nước với tổng vống hơn 145 ngàn tỷ đồng, trong đó chỉ có gần 25 ngàn tỷ đồng đầu tư trong các KCN và Khu CNC. Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), từ năm 2016 đến nay TP có 470 dự án, tổng vốn hơn 1,1 tỷ USD. Riêng trong 3 năm thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” TP thu hút được 331 dự án với tổng vốn hơn 844 triệu USD. Phần lớn các dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao... theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của TP. Nhiều dự án có quy mô lớn đã đi vào hoạt động, góp phần cho tăng trưởng kinh tế TP, nổi bật như nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC (170 triệu USD), nhà máy sản xuất đèn báo hiệu ô-tô Key Tronic Việt Nam (70 triệu USD), nhà máy sản xuất kinh doanh ô-tô Nissan mở rộng (50 triệu USD), nhà máy sản xuất thiết bị y tế Dentium II Việt Nam (60 triệu USD)…Như vậy đến nay, Đà Nẵng đã có 872 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,7 tỷ USD, trong đó Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc là những quốc gia có vốn đầu tư vào Đà Nẵng nhiều nhất.

Việc gia tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn vừa qua đã góp phần tăng quy mô kinh tế và đóng góp quan trọng vào ngân sách TP. Ngoài ra, nguồn vốn chủ yếu đầu tư từ xã hội thông qua các dự án đã tạo hơn 9,3 vạn việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Có được kết quả thu hút đầu tư ấn tượng như trên, TP đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, từ khi thực hiện Đề án, TP đã ban hành, sửa đổi 14 cơ chế chính sách cho linh động, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư (thông qua Diễn đàn đầu tư, Tọa đàm mùa Xuân, xúc tiến trực tuyến...). Đặc biệt, để có môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, hấp dẫn, TP đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời chỉ đạo quyết liệt xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ đầu tư. Cụ thể như hoàn chỉnh quy hoạch chung, hình thành các khu cụm công nghiệp mới thân thiện môi trường, kêu gọi xây dựng phát triển Đà Nẵng thành trung tâm logistics...

Thu hút đầu tư vào KCN và Khu CNC của Đà Nẵng mới chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng số các dự án đầu tư vào TP.

Phải luôn “làm mới” mình

Mặc dù kết quả thu hút đầu tư ấn tượng song qua thực hiện Đề án vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn thu hút đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các dự án bất động sản, dịch vụ về khách sạn nghỉ dưỡng trong khi thu hút vào KCN và Khu CNC chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 11%. Các dự án có vốn đăng ký dưới 5 triệu USD vẫn nhiều trong khi các nhà đầu tư muốn tiếp cận quỹ đất lớn để thực hiện các dự án có quy mô gặp nhiều khó khăn, dẫn tới nhà đầu tư nản lòng. Chưa kể, việc chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện của một số dự án còn chậm so với tiến độ cam kết, nhất là trong lĩnh vực bất động sản - du lịch, dẫn đến tỷ lệ vốn thực hiện thấp. Một số dự án hoạt động kém hiệu quả, có sai phạm trong kê khai và nộp thuế, nợ lương và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, tác động liên kết và lan tỏa của khu vực đầu tư FDI đến khu vực trong nước chưa cao. Hầu hết các dự án chế biến chế tạo có vốn thực hiện ở giai đoạn gia công, lắp ráp mà ít có doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm mới nên ít sử dụng lao động có kỹ năng dẫn đến tính lan tỏa trong nâng cao năng suất lao động chưa phát triển. Việc chuyển giao công nghệ trên địa bàn TP chủ yếu được thực hiện theo chiều ngang thông qua hình thức góp vốn và mua sắm máy móc, thiết bị đi kèm đào tạo về quản lý và vận hành của đối tác nước ngoài. Theo Sở Công thương, liên kết của DN Việt với DN FDI chủ yếu trong một số lĩnh vực không yêu cầu công nghệ cao (như cung cấp bao bì giấy, nhựa, gia công sản phẩm từ nhựa, khuôn mẫu, gia công cơ khí...) mà chưa có nhiều DN tham gia cung cấp phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm cho DN FDI.

Phần lớn dự án đầu tư trong nước vào Đà Nẵng tập trung vào lĩnh vực bất động sản - du lịch, đặc biệt khu vực ven biển phía Đông của TP.

Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng đề ra hàng loạt giải pháp để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Theo đó, trước mặt TP sẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chung, trong đó phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chỉ tiết làm cơ sở xác định các dự án, vị trí đất cần kêu gọi đầu tư, tạo động lực phát triển cho TP. Kế tiếp, TP tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, cảng biển, các khu công công nghiệp, công nghệ cao, công viên phần mềm... Ngoài ra, TP tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, công nghệ thông tin; cải cách rút ngắn quy trình thực hiện thủ tục đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, thống nhất; đa dạng và linh động các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến có trọng điểm vào các tập đoàn lớn, đa quốc gia...

Thu hút đầu tư là quá trình dài, liên tục theo sự phát triển của TP. Vì thế, ngoài việc phải luôn luôn cải thiện môi trường đầu tư một cách hấp dẫn, TP cũng phải thực sự đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh. Có như vậy, Đà Nẵng mới là nơi đáng để đầu tư.

HẢI QUỲNH